| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/05/2018 , 06:22 (GMT+7)

06:22 - 14/05/2018

Lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp 'sân sau', là những ai?

Đó là nhiều lãnh đạo tỉnh (chủ tịch, bí thư) có cả doanh nghiệp “sân sau”, đặt trụ sở ngay tại nhà mình...

Góp ý cho đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra một thực tế. Đó là nhiều lãnh đạo tỉnh (chủ tịch, bí thư) có cả doanh nghiệp “sân sau”, đặt trụ sở ngay tại nhà mình. Những người đó không hề nghĩ đến sự phát triển cho tỉnh, mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia...

Lời phát biểu của ông Bộ trưởng được rất nhiều người chia sẻ.

Nói đến sân sau là nói đến lợi ích nhóm, nói đến quan hệ thân hữu. Sân sau có nhiệm vụ làm ra tiền để cung phụng cho sân trước, tức những người nắm quyền lãnh đạo, có thể ban phát những lợi thế trong kinh doanh. Còn sân trước có nghĩa vụ phải tạo lợi thế cho sân sau, bất chấp những quy định của pháp luật. Những doanh nghiệp sân sau đó, chính là những doanh nghiệp thân hữu với sân trước. Từ lâu, giới doanh nhân Việt Nam đã lưu truyền một câu được coi là “thần chú” cho việc kinh doanh. Đó là “Làm kinh doanh mà không được một quan chức nào đó nâng đỡ, chống lưng, thì tốt nhất đừng kinh doanh”.

Chẳng cần nói thì ai cũng hiểu. Được người “chống lưng”, tức là được thuận lợi trăm bề, còn ngược lại, thì bị hành cho đến nơi đến chốn, thậm chí có thể phá sản. Chính vì lý do đó mà rất nhiều doanh nghiệp đã không hề nghĩ đến việc đầu tư công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, nhưng lại đổ ra cả núi tiền để xây dựng mối quan hệ thân hữu, với mục đích được trở thành sân sau của một lãnh đạo nào đó. Một khi đã đạt được mục đích, thì ngoài số tiền phải cung phụng cho sân trước, doanh nghiệp còn thu được những khoản tiền rất lớn mà chẳng phải lao tâm khổ tứ.

Mối quan hệ sân sau sân trước đã làm cho nền kinh tế phải gánh chịu rất nhiều tổn thất, hệ lụy, đúng như lời ông Nguyễn Chí Dũng. Lãnh đạo không hề nghĩ đến việc phát triển nền kinh tế của tỉnh, mà chỉ chăm chăm đi xin dự án ở Trung ương để mang về cho sân sau của mình. Cũng chính nhờ có sân sau, mà không ít lãnh đạo đã trở nên giầu nứt đố đổ vách.

Chuyện sân sau sân trước, thực ra xã hội không lạ. Có điều biết thế mà không thể chỉ thẳng tên ra được. Nên lần này, được nghe ông Bộ trưởng nói, ai cũng lắng tai, hy vọng ông sẽ chỉ đích danh những doanh nghiệp nào là sân sau của lãnh đạo tỉnh nào. Bởi một khi đã phát ngôn, thì chắc chắn ông Bộ trưởng phải có đầy đủ thông tin. Và đã nói thì có sách, mách thì có chứng.

Thế nhưng tất cả đã thất vọng. Vì ngoài những lời nói chung chung đó ra, ông Bộ trưởng cũng chẳng chỉ ra được gì cụ thể.

Và nếu cứ thế này, thì những sân sau sân trước sẽ vẫn cứ cười khẩy “Làm gì được ta?”.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm