| Hotline: 0983.970.780

Mái nhà chung của những tử sĩ hải đội Hoàng Sa

Thứ Sáu 01/12/2017 , 14:15 (GMT+7)

Bước lên cầu cảng Lý Sơn (Quảng Ngãi), đi một đoạn đến đường bê tông, rẽ trái đi chừng vài ba trăm bước chân nữa là đến Âm Linh tự nằm trên địa bàn thôn Tây, xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn).

Âm Linh tự trong lòng người dân Lý Sơn là chốn thiêng, nơi thờ cúng những bậc tiền hiền khai phá ra vùng đất đảo, và là nơi thờ tự những người lính trong hải đội Hoàng Sa hy sinh khi đi làm nhiệm vụ trên biển.

10-33-40_1
Toàn cảnh Âm Linh tự

Người bạn đồng hành, anh Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch UBND xã An Bình, vừa cùng tôi bước vào khuôn viên Âm Linh tự vừa mô tả: Âm Linh tự được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, lưng tựa vào núi Hòn Tai, mặt chính diện nhìn ra biển. Đền xây dựng bằng đá san hô, vữa hồ là vôi trộn mật lẫn nước lá cây để tăng độ kết dính. Không gian thờ phụng bên trong di tích Âm Linh tự được bố cục thành 3 gian, gian giữa thờ thần, gian hai bên thờ tả ban và hữu ban.

Âm Linh tự là nơi thờ cúng các bậc tiền hiền đã có công khai phá vùng đảo Lý Sơn, hình thành nên vùng dân cư trù phú như hôm nay. Đây cũng là nơi thờ hàng trăm linh vị các hùng binh là cư dân đất đảo đã hy sinh trên vùng biển Hoàng Sa, họ đã vâng mệnh vua ra vùng biển đầy bất trắc, hiểm nguy để cắm mốc chủ quyền và làm nhiệm vụ.

“Vào tiết thanh minh hàng năm, bà con các dòng họ làng An Vĩnh tổ chức khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm Linh tự, một nghi lễ nhằm tưởng vọng và tri ân các liệt sỹ của đội hải binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, trú phòng trên các đảo, chống trả quân cướp biển để bảo vệ tàu thuyền của ngư dân”, anh Lê nói.

Thịt xương của những chiến sĩ trong hải đội Hoàng Sa đã vùi sâu trong lòng biển cả, nhưng linh hồn của họ được rước về Âm Linh tự nên ngôi đền này rất linh thiêng, mỗi khi ngư dân đất đảo vào đây thắp hương khấn nguyện điều gì cũng được những người khuất mặt ban cho.

10-33-40_2
Tháp thờ lính Hoàng Sa trong khu vực sân trước Âm Linh tự

Anh Nguyễn Văn Lê kể: “Trước khi mở chuyến biển mới, ngư dân trên đảo Lý Sơn thường vào đây khấn vái, xin cho chuyến biển được suôn sẻ, đánh bắt được nhiều hải sản, trở về bình yên sau mỗi chuyến vươn khơi. Sau mỗi chuyến biển thành công, ngư dân hay mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn”.

Hàng năm, tại Âm Linh tự diễn ra nhiều lễ cúng; từ lễ tế trước mỗi dịp đua thuyền truyền thống của người dân huyện đảo đến Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ngôi đền còn là nơi lưu giữ nhiều tài liệu quý giá về lịch sử hình thành đảo Lý Sơn. Việc thờ cúng các linh vị của những chiến sĩ Hoàng Sa cùng với những di vật liên quan đã làm cho Âm Linh tự mang ý nghĩa đặc biệt.

Từ năm 2010, khi đình làng An Vĩnh được phục dựng, linh vị Thành hoàng, các vị tiền hiền và tử sĩ Hoàng Sa, Bắc Hải được rước về thờ tự ở đình làng. Tuy vậy, vong linh những người lính Hoàng Sa vẫn còn được thờ vọng tại Âm Linh tự, người dân vẫn thường xuyên đến dâng hương hành lễ. Không gian trong Âm Linh tự luôn tràn ngập khói hương, điều này chứng tỏ lòng kính ngưỡng của người dân sở tại đối với những linh hồn tử sĩ Hoàng Sa không bao giờ nguôi.

Không gian chính điện trong Âm Linh tự ở mỗi cột đều có gắn liễn đối cẩn xà cừ trang trọng. Các câu đối ở đền chính của Âm Linh tự có nội dung ca ngợi công lao của tiền nhân khai sơn phá thạch lập làng và tưởng nhớ sự hy sinh của những người lính trong hải đội Hoàng Sa. Ở gian chính điện còn có câu đối bi hùng, nói lên khí chất con người Lý Sơn, về những người lính quên thân mình, chấp nhận hiểm nguy ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc. Họ đã mất đi, cái chết bi hùng của họ đã khiến “núi cũng phải rơi nước mắt, sông quấn khăn tang khóc thương họ”. Khu vực sân trước của Âm Linh tự có tháp thờ lính Hoàng Sa 4 mặt, giữa khắc 4 chữ “Chiến sỹ trận vong” bằng Hán tự. Đây là tháp thờ để tưởng nhớ những người lính của hải đội Hoàng Sa hy sinh trên biển.

10-33-40_3
Chánh điện Âm Linh tự

Ở huyện đảo Lý Sơn có hàng chục đền chùa, đình làng, lăng, miếu được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó hơn một nửa di tích liên quan trực tiếp đến chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; thế nhưng bất cứ du khách nào vừa đặt chân lên cầu cảng đảo Lý Sơn là muốn đến ngay với Âm Linh tự, như là để cáo với những bậc tiền hiền khai sinh ra đất đảo rằng hôm nay mình đến thăm hòn đảo phên giậu của Tổ quốc và để thắp nén hương kính vọng những người lính trong hải đội Hoàng Sa mà những hy sinh của họ đã trở thành huyền thoại.

“Năm 2007, di tích Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Bây giờ, hễ mỗi lần nhắc đến Âm Linh tự là mỗi lần người dân huyện đảo Lý Sơn nhắc đến cái tên Võ Hiển Đạt, người dân của thôn An Vĩnh đã có 60 năm gắn đời với Âm Linh tự bằng công việc gác đền và gắn cả tâm trí suốt đời người vào công việc nghiên cứu về Hoàng Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ông đã đi về với biển vào giữa tháng 2/2017 ở tuổi 85, để lại cho người dân đảo Lý Sơn sự tiếc thương vô vàn”, anh Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch UBND xã An Bình, tâm sự.

 

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất