| Hotline: 0983.970.780

Lễ tế sống chiến binh Hoàng Sa trước khi ra biển làm nhiệm vụ

Thứ Năm 30/11/2017 , 10:03 (GMT+7)

“Tinh thần này của ngư dân Lý Sơn được hun đúc từ bao đời nay. Câu chuyện những hải binh trước khi ra biển thực thi nhiệm vụ vào đầu thế kỷ 19 được bà con tộc họ tổ chức lễ khao lề thế lính, đó chính là lễ tế sống những chiến binh, đã thấm đẫm trong họ.

Bởi vậy bây giờ, chuyện vươn khơi bám biển của ngư dân Lý Sơn không chỉ là để làm ăn, mà còn là tinh thần tiếp nối tổ tiên trong công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương”, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Trong những ngày ở lại đất đảo, tôi cùng ông Lê lân la tìm gặp những cụ cao niên để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Năm ấy, cụ Võ Hiển Đạt ở thôn Tây xã An Vĩnh, một người được mệnh danh là “ông đồ Hoàng Sa” của huyện đảo Lý Sơn chưa về với biển.

10-33-37_1
Thưở sinh thời, cụ Võ Hiển Đạt thường cắt hình chiếc ghe chở hải binh Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ để tưởng nhớ những người lính can trường năm xưa

Khi ấy cụ Đạt đã 84 tuổi nhưng tay chân của cụ còn rất khỏe và tinh thần còn minh mẫn lắm. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ cổ có niên đại trên 200 năm, hậu duệ của đội trưởng hải đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết, cụ Võ Hiển Đạt kể: Năm ấy, Bộ Công tâu lên vua Minh Mạng mấy câu: “Bổn quốc hải cương Hoàng Sa, tối thị hiểm yếu…” để nói lên vai trò chiến lược của quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Ngẫm nghĩ thấy lời tâu của Bộ Công quá chí lý nên vua Minh Mạng nảy ra ý nghĩ lập đội hùng binh Hoàng Sa đi xác lập chủ quyền ngay từ thời đó.

Vào đầu thế kỷ 17, đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra đời tại làng An Vĩnh và An Hải. Nhà Nguyễn quy định mỗi năm có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh, bơi lội giữa biển như đi trên bờ, được bổ sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đến đầu thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn được giao trọng trách này. Nhiệm vụ của đội binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại 2 vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, thời gian kéo dài từ tháng 2 âm lịch đến tháng 8 âm lịch mới về.

Thời ấy, phương tiện đi biển chỉ là những chiếc ghe buồm mong manh, trong khi biển cả thì sóng dữ muôn trùng, hiểm nguy bề bề. Do đó, những chuyến ra khơi thực thi nhiệm vụ của người lính trong hải đội Hoàng Sa được xem là “một đi không trở lại”, nên trước khi lên ghe, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con đất đảo vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Suốt 6 tháng trời ròng rã lênh đênh trên sóng nước cùng những chiếc thuyền câu, thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn, cái chết luôn cận kề với những chiến binh hải đội Hoàng Sa. Mà đã chết trên biển là đồng nghĩa với việc lấy lòng biển sâu thăm thẳm làm nơi mai táng thân mình.

10-33-37_2
Tờ lệnh vua Minh Mạng cấp cho 2 người tham gia hải đội Hoàng Sa là ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định ở xã An Hải (huyện Lý Sơn)

Ngày ấy, trước khi xuất quân, hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày của các hải binh Hoàng Sa ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi người còn tự “trang bị” cho mình 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu.

Nếu người lính nào hy sinh trên biển thì những đồng đội trên ghe sẽ dùng chiếu bó thi hài người chiến binh xấu số ấy và gắn chiếc thẻ có khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt lại bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài người lính xấu số sẽ được đồng đội thả xuống biển kèm những lời cầu nguyện mong sao xác thân của người chiến binh được sóng biển đánh trôi dạt vào bờ, may mắn được người trong bờ vớt được, nhờ chiếc thẻ mà biết tên họ quê quán của người đã hy sinh mà báo với gia đình.

Đến nay, không 1 người dân đất đảo Lý Sơn nào mà không thuộc lòng những câu ca truyền tụng về những hiểm nguy, gian khổ mà người lính trong đội hải binh Hoàng Sa phải chịu đựng trong khi thi hành nhiệm vụ: “Trường Sa đi có về không; lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi. Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn; chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây. Hoàng Sa trời bể mênh mông; người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề; tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Từ sự có mặt của các hùng binh trong hải đội Hoàng Sa nên hiện nay, trong các tài liệu, bản đồ, trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, sĩ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây minh chứng từ xa xưa đã có sự hiện diện của quân đội người Việt trên vùng biển tiếp giáp hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (huyện Lý Sơn), cho biết: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được ông cha chúng tôi tổ chức từ thời xa xưa để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ nguy hiểm tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có nhiều người có đi mà không có về. Vì vậy, các tộc họ ở Lý Sơn hàng năm đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, để qua đó nhắc cho con cháu biết công lao của tổ tiên, để con cháu noi theo tổ tiên kiên tâm bám biển vừa để làm ăn, vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương”.

10-33-37_3
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn luôn luôn sẵn sàng vươn khơi bám biển
“Hiện Lý Sơn có 130 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, tổng sản lượng đánh bắt trong năm 2017 là 36.000 tấn, giảm hơn năm 2016 là 4,46%. Nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Hoàng Sa ngày càng cạn kiệt, đánh bắt gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm hạ thấp nhưng ngư dân Lý Sơn không hề nản lòng, luôn noi gương cha ông kiên tâm bám biển, trước là để làm ăn, sau là để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam”, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.

 

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.