| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 12/06/2017 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 12/06/2017

Mạng xã hội - Nỗi sợ của không ít lãnh đạo!

Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV này, khi bàn về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), có một số ý kiến đề xuất: Cần bổ sung vào luật quy định cấm người dân không được đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội...

Vì như vậy là hạ thấp uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Các trang mạng cá nhân chỉ được nói chung chung, được quyền nêu quan điểm cá nhân, bày tỏ bức xúc, nhưng không được nêu rõ tên cá nhân, đơn vị.

Những đề xuất trên lập tức bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội.

Ai cũng biết, mạng xã hội có tác dụng và sức mạnh lớn đến mức nào. Một dự thảo chính sách được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, chỉ sau vài tiếng, đã có thể nhận được hàng triệu ý kiến, được bày tỏ trên mạng xã hội. Một vấn đề nóng, gây bức xúc cho xã hội, được một trang mạng đưa lên, chỉ một thời gian rất ngắn, đã lan truyền chóng mặt, khiến cơ quan chức năng không thể làm ngơ, phải lập tức lên tiếng hoặc tuyên bố vào cuộc giải quyết. Hàng ngàn vụ việc như vậy đã được đưa ra ánh sáng nhờ thông tin trên mạng xã hội.

Điển hình nhất là vụ thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái ký công văn gửi Tổng hội du lịch TP Đà Nẵng, yêu cầu “xử lý” ông Huỳnh Tấn Vinh về những phát ngôn tại hội thảo về quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà ngày 30/5. Công văn vừa được ký, đã lập tức bị dư luận phản ứng dữ dội thông qua mạng. Và kết quả là chỉ sau 2 ngày, thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã phải ký quyết định thu hồi công văn trên, sau khi đổ cho Tổng cục Du lịch “tham mưu kém”.

Cấm đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội. Sự thực là quan điểm này phản ánh nỗi sợ của không ít lãnh đạo với mạng xã hội. Trước nay, thế mạnh của các vị là “vùi” được những tiêu cực của mình hay của cơ quan mình trong bóng tối. Đơn tố cáo mình hay cơ quan mình, được cấp trên chuyển xuống yêu cầu giải quyết, sẽ được các vị cất vào ngăn kéo, và một năm, thậm chí vài ba năm, năm năm... chẳng hề được lôi ra, chẳng một ai biết. Nhưng nếu đơn tố cáo đó, kèm theo những chứng cứ, được một trang mạng xã hội đăng tải, rồi cứ thế lan ra, tức là bóng tối đã bị xé toạc. Các vị không thể nào giấu mặt vào đâu được nữa, chỉ đành phải lên tiếng và bắt tay xử lý. Lúc đó, việc giải quyết của các vị lại chịu sự giám sát của xã hội thông qua các trang mạng. Giải quyết có công minh, có thỏa đáng hay không. Có quanh co, che dấu hay không, sẽ được các trang mạng bày tỏ ý kiến.

Còn ngược lại, thì nói như một luật sư, “nếu không có tiêu cực, thì chẳng một ai phải sợ mạng xã hội cả”.

Cần sử dụng sức mạnh của mạng xã hội như một chế tài. Bằng cách quy định trong luật rằng nếu công dân gửi đơn tố cáo trong thời hạn bao lâu mà không được cơ quan bị tố cáo hay cấp trên của cơ quan đó hồi âm, thì công dân đó có quyền đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội.