Làm đường theo cơ chế đặc thù tại xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước)
Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bình Phước cho biết, đến cuối năm 2016 Bình Phước đã có thêm 12 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh này lên 15 xã.
Mục tiêu trong năm 2017 của tỉnh là tiếp tục phấn đấu đạt chỉ tiêu bình quân khoảng 13,3 tiêu chí/xã NTM. Đặc biệt, phấn đấu đưa TX Bình Long là đơn vị cấp huyện, thị xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn về NTM. Về cấp xã, phường, thị trấn phấn đấu đến hết năm 2017, tiếp tục đưa thêm 12 xã điểm đạt chuẩn NTM.
Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM của tỉnh, so với các xã đã đạt chuẩn trong năm 2016 thì các xã dự kiến về đích năm 2017 có tiềm lực kém hơn, số tiêu chí đạt không cao, bình quân 13,92 tiêu chí. Năm 2017 sẽ áp dụng bộ tiêu chí mới, nhiều hơn bộ tiêu chí cũ 10 chỉ tiêu. Khối lượng công việc sẽ nhiều, khó khăn, phức tạp hơn…
Nan giải nhất là nhu cầu vốn rất lớn, khoảng 447 tỷ đồng, tuy nhiên khả năng huy động vốn chỉ đáp ứng được hơn 55%. Do đó, việc triển khai thực hiện chương trình tại các xã này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các xã đạt chuẩn năm 2016.
Từ năm 2014 đến nay, số lượng xi măng lãnh đạo tỉnh cam kết hỗ trợ cho các địa phương là 54.414 tấn để thực hiện làm đường theo cơ chế đặc thù. Đến nay còn 14.617 tấn, đủ đảm bảo để 12 xã điểm hoàn thành tốt bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Về huy động nguồn lực của toàn xã hội cho xây dựng NTM, tỉnh Bình Phước sẽ huy động từ nguồn vốn trực tiếp và một phần vốn lồng ghép thực hiện tại các địa phương. Cụ thể như: vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM do TƯ phân bổ 66,2 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 64,1 tỷ đồng; vốn phân cấp cho các huyện, thị xã gồm vốn đầu tư trong cân đối ngân sách 193,6 tỷ đồng và vốn thu tiền sử dụng đất khoảng 294,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư hạ tầng các xã NTM tối thiểu 80 tỷ đồng.
Vốn từ các chương trình, dự án lồng ghép mà phần lớn là đầu tư trên địa bàn nông thôn: vốn giảm nghèo bền vững 22,6 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu 154,2 tỷ đồng; vốn thực hiện dự án 600 tỷ đồng…
Từ các nguồn vốn trên, các ngành, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên tối đa cho các xã phấn đấu về đích trong năm 2017: vốn TƯ 44 tỷ đồng, vốn sự nghiệp NTM 22,2 tỷ đồng và vốn trả nợ xi măng hơn 68 tỷ đồng (tương đương 54.414 tấn xi măng).