| Hotline: 0983.970.780

Người Khmer Bàn Thạch nỗ lực giảm nghèo

Thứ Bảy 24/12/2016 , 07:20 (GMT+7)

Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các chương trình chính sách khác, Bàn Thạch có nhiều thay đổi rõ nét...

Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng – Kiên Giang) là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm gần 60%). Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các chương trình chính sách khác, Bàn Thạch có nhiều thay đổi rõ nét, giao thông nông thôn được mở rộng, đời sống của người dân ngày được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm mạnh.

08-52-46_dscn3650
Đường giao thông nông thôn về trung tâm xã Bàn Thạch được xây dựng khang trang, góp phần diện mạo nông thôn Bàn Thạch thêm khởi sắc
 

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với vốn đầu tư của Nhà nước, Bàn Thạch đã vận động nhân dân đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 11 km đường liên xã; làm mới hơn 35 km trục ấp và các tuyến liên phum sóc cơ bản đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả mùa mưa. Trong đó, chương trình 135 đã hỗ trợ xây dựng 8 tuyến đường bê tông…Từ đó mở hướng cho bà con giao lưu hàng hóa, giúp người dân dần thoát nghèo vươn lên. 

Cùng với kết cấu hạ tầng nông thôn, những năm qua Bàn Thạch đã tập trung sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất, trong đó lấy chất lượng làm thước đo hiệu quả. Bàn Thạch chuyển đổi vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng xen canh theo khoa học kỹ thuật để nâng hiệu quả cao hơn trong cùng một diện tích.

Bàn Thạch thực hiện mô hình Tổ hợp tác và HTX nông nghiệp, không những đảm bảo cung cấp lúa gạo chất lượng cao để xuất khẩu mà còn đưa hàng trăm ha màu xuống ruộng; tận dụng mặt nước nuôi thả và thu hoạch hàng trăm tấn cá đồng các loại.

Chỉ tính riêng HTX Thuận Phát ấp Láng Sen (xã Bàn Thạch) đã có gần 100 ha ruộng lúa trồng xen canh dưa hấu, rau cải, bí…cung cấp cho thị trường 2.200 tấn rau quả các loại mỗi năm. Nhờ có đầu ra ổn định, hàng chục Tổ hợp tác và HTX nông nghiệp đã và đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang hình thức lúa – màu, lúa – thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Ông Danh Cường ở ấp Láng Sen, cho biết, trước đây đường sá lầy lội, con em đi học rất vất vả, giờ đường giao thông được bê tông hóa đến từng ngõ xóm, tạo điều kiện cho con em đến trường thuận tiện, bà con nông dân đi lại giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, trao đổi hàng hóa…

“Bên cạnh thực hiện phong trào xây dựng NTM, Bàn Thạch còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ngắn hạn, hướng dẫn phá bỏ vườn tạp, trồng rau màu: dưa leo, khổ qua, xà lách, rau thơm…cho thu nhập quanh năm và đã thoát nghèo” – ông Cường nói.

08-52-46_dscn3655
Anh Danh Tý ở ấp Cây Trôm (Bàn Thạch) chăm sóc đàn bò của dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo”
 

Bên cạnh đó, dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo” (Chương trình Heifer Việt Nam) đã chọn xã Bàn Thạch để triển khai thực hiện dự án và chọn hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ vừa thoát nghèo nhưng chí thú làm ăn, có nhu cầu phát triển chăn nuôi bò sinh sản, Bàn Thạch có 150 hộ được nhận 150 con bò cái sinh sản (từ 15 – 20 tháng tuổi, trung bình 160 – 180 kg/con) và 4 con bò đực để phối giống cho đàn bò trong dự án, còn được hỗ trợ xây dựng chuồng trại; vay vốn phát triển sản xuất; xây dựng mô hình trồng rau, nuôi gà, cá và trùn quế.

Anh Danh Tý ở ấp Cây Trôm (Bàn Thạch) hộ nhận bò từ dự án nói: “Bò dễ nuôi, vùng này lại cỏ nhiều, bò dự án cấp được tiêm chủng đầy đủ nên ít xảy ra bệnh. Sau 3 năm, tôi đã có thêm 2 con bê, một con trả lại dự án để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo khác. Hiện đang nuôi một con bê và con bò được cấp ban đầu, phân bò thải ra, dùng làm phân tưới cho rau màu (có thêm thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng)”.

Hiện, dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo” nuôi bò mang lại hiệu quả đáng kể cho nông hộ, giúp xoá đói giảm nghèo và góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia xây dựng nông NTM, điện thắp sáng cho bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer cũng được quan tâm, hệ thống trường học, bệnh viện đã được đầu tư khang trang đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, học tập.

Ông Trần Văn Nhì, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Thạch cho biết, nhờ xây dựng NTM nên cơ sở hạ tầng ở Bàn Thạch ngày được khang trang hơn, kinh tế phát triển, đời sống của đại bộ phận bà con được nâng cao.

08-52-46_dscn3660
Ông Danh Cường ở ấp Láng Sen (Bàn Thạch), đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang hình thức lúa – màu, cho thu nhập ổn định
 

Trong đó, đáng mừng nhất là những chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc đã phát huy, đem lại sự tin tưởng, giúp đồng bào Khmer tự tin để cùng nắm tay nhau đưa công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Chương trình 134 hỗ trợ xây dựng 235 căn nhà cho đồng bào nghèo; chương trình 74 đã xét cho 216 hộ, trong đó giúp 24 hộ chuộc lại đất sản xuất, giúp 3 hộ mua nền nhà và chuyển đổi ngành nghề cho 189 hộ…

“Đến nay, Bàn Thạch số hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn chiếm 96%; hộ sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt trên 90%. Qua đó đã nâng mức thu nhập của người dân từ 11,2 triệu đồng (năm 2010) lên gần 30 triệu đồng/người/năm hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 18,38%, nay còn trên 8%” – ông Nhì nói.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.