Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hội trường thôn…, đã góp phần thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống nhân dân.
Một tuyến đường đang được nâng cấp
Hiệp Thịnh là một trong những địa phương đã mạnh dạn tự bỏ tiền để làm hội trường thôn. Toàn thôn có 144 hộ, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song người dân đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng nhà văn hóa thôn để có nơi sinh hoạt, hội họp.
Chỉ qua vài lần họp bàn, tháng 5/2016 thôn đã tiến hành khởi công xây dựng hội trường. Sau 2 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với diện tích 90m2, tổng kinh phí xây dựng hơn 139,2 triệu đồng, kinh phí do nhân dân trong thôn đóng góp. Có hội trường khang trang, bà con trong thôn ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng nhờ đó được nâng lên.
Dẫn chúng tôi tham quan công trình hội trường mới của thôn, bà Dương Thị Ngọc Ánh – Trưởng thôn Hiệp Thịnh vui vẻ nói: “Hội trường trước đây của thôn được làm bằng gỗ, lợp ngói, có diện tích 70m2, bị xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn… Nhờ tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cao nên chỉ sau 2 cuộc họp bà con đã đồng tình đóng góp kinh phí để xây dựng hội trường".
Khi triển khai thôn có 2 phương án, một là xây dựng hội trường 75m2, phương án hai là 90m2. Xác định mỗi lần xây dựng là mỗi lần khó, bà con đã nhất trí phương án hai, theo đó mỗi hộ đóng góp 1 triệu đồng, được thu trong 2 đợt.
Đối với các hộ nghèo, gia đình khó khăn, neo đơn được giảm 50%. Thôn cũng thanh lý hội trường cũ và vận động các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp được thêm 9,8 triệu đồng. Có kinh phí, công trình đã nhanh chóng được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng…
Tương tự, với sự đồng thuận của bà con, thôn Hiệp Hưng cũng đã xây dựng được hội trường, trị giá 150 triệu đồng và thôn Hiệp Nhất sửa chữa hội trường, trị giá 40 triệu đồng. Dù số tiền đóng góp không nhiều nhưng đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xây dựng NTM. Đến nay, 10/12 thôn trên địa bàn xã đã có hội trường và trở thành nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân…
Người dân thôn Hiệp Tiến làm đường giao thông nông thôn
Không chỉ xây dựng, sửa chữa hội trường thôn, việc làm đường giao thông nông thôn cũng trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn xã. Theo thống kê, riêng trong năm 2016 xã Quảng Hiệp đã huy động nhân dân bê tông hóa được hơn 550 m đường tại thôn Hiệp Tiến và Hiệp Thắng, trị giá 176 triệu đồng; nâng cấp và sửa chữa được 7 tuyến đường tại địa bàn 6 thôn, với chiều dài hơn 5,6 km, trị giá 199 triệu đồng.
Ngoài hỗ trợ về tiền, người dân còn đóng góp thêm 535 ngày công lao động và tự nguyện hiến một phần đất để mở rộng, uốn nắn lại những con đường cho thẳng, đẹp…
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết: “Xã có điều kiện kinh tế không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Tuy nhiên, thuận lợi trong phong trào xây dựng NTM là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Nhờ đó, việc huy đồng nguồn vốn thuận lợi, người dân tích cực góp công, góp sức xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông. Nhiều tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Nhờ huy động tốt sức dân trong xây dựng hạ tầng nông thôn, tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn xã được đẩy nhanh. Tính đến nay, xã Quảng Hiệp đã đạt được 16/19 tiêu chí NTM. Xã đang là một trong 06 địa phương dẫn đầu về xây dung NTM, được huyện chọn về đích NTM trong năm nay. |