Kết quả này có được là nhờ sự tận tâm của cán bộ thôn cùng với sự đồng lòng của người dân An Vọng đang sinh sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước, để “làng nhỏ mà không bé, dân ít mà không thiếu” như lời Bí thư chi bộ Trần Quang Huy từng ca ngợi.
Người cán bộ tiên phong
Năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Trần Quang Huy, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn An Vọng vẫn giữ được phong thái của người đi đầu trong các hoạt động của thôn, xóm. Dẫn tôi đi tham quan một vòng, ông Huy không khỏi tự hào vì An Vọng đã xây dựng được nghĩa trang nhân dân đạt tiêu chí NTM.
Ông Trần Quang Huy kể lại quá trình xây dựng nghĩa trang nhân dân thôn
Ông kể, nghĩa trang An Vọng có từ xa xưa, nằm ở vị trí đắc địa, tọa lạc ở phía tây của làng. Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, tháng 7 năm Kỷ Mão (1939) một trận đại hồng thủy ập đến, nhấn chìm bao xóm làng, phá vỡ đê sông Đáy. Sau khi nước rút, một lớp phù sa dày hàng mét đã phủ lên nghĩa trang, không những mất đình, mất chùa mà mồ mả tổ tiên cũng mất. Mất mùa, đói kém cứ chồng lên nhau…
Sau này, người dân An Vọng khấm khá hơn đã cùng nhau dựng lại đình chùa, miếu mạo thế nhưng ông trưởng thôn vẫn chưa an lòng. Lúc nào ông cũng đau đáu ý định phải quy tụ bằng được phần mộ của các bậc tiền nhân để tưởng nhớ công ơn sinh thành và gây dựng nên đất An Vọng ngày nay.
Ngày ấy, nhiều người cho rằng ông trưởng thôn gàn dở và e ngại khi động chạm đến nơi yên nghỉ của các bậc tiền nhân. Ấy thế mà, bằng chữ “tâm” của mình, ông Huy cứ ngày ngày cặm cụi gõ cửa từng nhà, gửi thư xin ý kiến của toàn dân trong thôn, kể cả những gia đình người An Vọng đang làm ăn, công tác xã quê hương về việc quy tập mộ.
2 năm đằng đẵng với nhiều buổi họp, tuyên truyền, vận động người dân theo tinh thần dân chủ, ông Huy thở phào nhẹ nhõm khi cầm trên tay 100% lá thư biểu quyết đồng ý, thống nhất di dời các ngôi mộ nằm rải rác trên các xứ đồng và khu dân cư, quy tụ thành khu văn hóa tâm linh của thôn.
Nhất tâm đồng lòng
Ngày 29/11/2013, nhân dân mở hội nghị bàn phương án thực hiện, ban chỉ đạo quy tập được thành lập. Chọn vị trí xác định nơi quy tập, lễ động thổ được tiến hành ngay sau đó. Với 99.900 viên gạch, 25 tấn xi măng, 102 khối cát, 68 khối đá các loại và hơn 800 ngày công lao động, An Vọng đã quy tụ được 306 ngôi mộ về nghĩa trang nhân dân thôn.
Toàn bộ kinh phí hết 780 triệu đồng do con dân An Vọng cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mang tấm chân thành, tự nguyện đóng góp. Sau 45 ngày làm thì việc đã xong. Buổi lễ khánh thành, dân trong thôn mừng rớt nước mắt.
Với riêng cá nhân ông Huy, việc xây dựng nghĩa trang là một việc khó nhất trong các việc khó nhưng vị Bí thư vẫn tâm niệm: “Khó vạn lần dân liệu vẫn xong”. Vậy nên, với cương vị người đứng đầu, ông đánh giá cao tinh thần tập thể, nhất tâm đồng lòng của người dân An Vọng trong xây dựng NTM.
Ngay từ những ngày đầu năm 2011, người dân đã tự nguyện hiến 4.000 m2 đất, hàng trăm ngày công lao động và hàng nghìn m3 đất để san lấp làm sân vận động. Cuối năm 2012, thôn An Vọng được Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa huyện Chương Mỹ chọn làm đơn vị gắp phiếu điểm. Công tác hoàn tất trong 75 ngày, từ mỗi hộ có 7 - 8 thửa chỉ còn 1 - 2 thửa.
Nhờ đó, hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng hết sức thuận lợi, góp phần đưa cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, giảm chi phí lao động. Đặc biệt, khi dồn điền đổi thửa mỗi khẩu tự nguyện góp 30m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó có thư viện thôn với trên 2.000 đầu sách về pháp luật, kinh tế, sức khỏe, nông nghiệp…
Thư viện do một tay ông Trần Quang Điển tự nguyện trông nom, mở cố định vào thứ 3 và thứ 7 để người dân đến đọc và mượn sách miễn phí. Ở tuổi 74, ông giáo già vẫn luôn tâm niệm, góp sức mình trong việc nâng cao kiến thức cho mọi người là một việc làm đáng quý. Từng người dân thôn An Vọng sinh sống và làm việc ở khắp nơi vẫn hướng về cội nguồn, góp sức mình tô điểm để An Vọng thêm giàu đẹp.
Đến nay, đường làng ngõ xóm của thôn được mở rộng, ô tô vào đến từng hộ dân; 100% rãnh nước có nắp đậy đảm bảo vệ sinh. 100% nhà ở dân cư đạt chuẩn NTM. 100% gia đình có nhà vệ sinh tự hoại. 9 năm liên tục không có người sinh con thứ ba. 10 năm liên tục là thôn văn hóa tiêu biểu của huyện Chương Mỹ… |