Phó Chủ tịch huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - ông Phạm Văn Hùng, khẳng định: Cty CP Thuỷ điện Trường Sơn tích nước lòng hồ cho đập thuỷ điện Đakrông 3 trong khi chưa đền bù, di dời 13 hộ dân sống trong lòng hồ là sai quy định nghiêm trọng, lại còn báo cáo không trung thực khi sự cố vỡ đập xảy ra.
Công trình đập Thuỷ điện Đakrông 3 nằm ở xã Tà Long, huyện Đakrông vừa mới hoàn thành tích nước và phát điện được 2 ngày, nhưng chỉ sau vài trận mưa vào đầu tháng 10, nước lũ dồn về đã phá vỡ một phần đập dâng của công trình với một đoạn dài gần 20m. Nước đã cuốn trôi tài sản, hoa màu của nhân dân sinh sống vùng hạ du. Bê tông của thân đập bị nước xé ra từng mảng đưa đi xa.
Trước thông tin đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ, ngày 13/10, Đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo các ban, ngành liên quan trong tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực tế.
Chưa hoàn thành đã tích nước
Ông Nguyễn Thanh Hải - TGĐ Cty CP Thủy điện Trường Sơn, cho biết đập thủy điện Đakrông 3 được khởi công từ tháng 11/2010 với tổng số vốn đầu tư hơn 210 tỉ đồng, do Cty CP Thủy điện Trường Sơn, có trụ sở tại Quảng Bình, làm chủ đầu tư, Cty Tân Hoàn Cầu là đơn vị thi công và Cty CP Tư vấn xây dựng điện Thái Bình Dương là đơn vị thiết kế. Đập cao 19,2 m, dài 146,5 m, dung tích hồ chứa 3,4 triệu m3, hai tổ máy phát điện với tổng công suất 8 MW.
Theo ông Hải, công trình thủy điện Đakrông 3 đã chính thức tích nước và chạy thử. Tuy nhiên, trong thời điểm đó vẫn còn một hạng mục, gồm đập dâng vai trái của thân đập vẫn chưa hoàn thành. Kết cấu tường bọc bảo vệ lõi bằng bê tông dày 2 mét ở đập dâng vai trái mới chỉ là ngăn tạm chứ chưa đặt được lõi bê tông chịu lực phía trong thân.
Cũng theo ông Hải, Cty đã cho tích nước từ trước thời điểm đó để đủ nước cho hai tổ máy chạy thử. Dự định sau khi thử xong sẽ tháo nước ra để hoàn thành việc lắp lõi chịu lực của đập dâng vai trái. Song khi chưa kịp tháo nước thì mưa lớn đổ về đã cuốn phăng phần cửa bê tông tạm.
Hiện trường vụ vỡ tung thân đập thuỷ điện Đakrông 3
Về việc vì sao chưa xây dựng hoàn thành đã cho tích nước chạy thử, ông Hải cho biết nếu không tích nước để chạy thử bây giờ thì phải chờ đến ba tháng sau, khi hết mưa mới được tích nước chạy thử. Nên công ty quyết định cho tích nước. Thời điểm trước khi vỡ quai đập, hai tổ máy vẫn đang chạy với công suất 50%. Ông Hải cho biết thêm, để khắc phục sự cố cần trên 20 ngày. Nhưng hiện đang vào mùa mưa nên ít nhất phải đến tháng 11 mới triển khai khắc phục được. Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại của sự cố vỡ quai đập này đến cả chục tỉ đồng.
Nhiều người dân ở xã Đakrông, nhớ lại: "Sáng đó nghe bà con báo vỡ đập, chúng tôi cùng nhau chạy xuống suối xem. Nước chảy nhanh lắm, dù xã Đakrông ở dưới xã Tà Long, nơi có đập vỡ hàng chục km nhưng chỉ khoảng vài phút là nước ở hạ nguồn dâng lên cả mấy mét. Các rẫy sắn của bà con ở hai bên suối không thu hoạch kịp cũng bị nước cuốn mất".
Ảnh hưởng đời sống người dân
Trao đổi với NNVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Phạm Văn Hùng, bức xúc: Sự cố vỡ một phần đập chính của công trình thuỷ điện Đakrông 3 đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, nhưng Cty đã không thông báo cho chính quyền địa phương biết. Khi chính quyền địa phương đến kiểm tra thì bị bảo vệ cản trở.
Nhánh sông Đakrông từ Tà Rụt chảy về xã Đakrông (hướng Nam - Bắc) dài hơn 60km nhưng gánh trên mình 4 đập thủy điện theo dạng bậc thang trải dài từ phía xã Tà Rụt ra tới cầu Đakrông thuộc huyện Đakrông. Trong đó, đập thủy điện Đakrông 3 nằm ở giữa, phía trên là thủy điện Đakrông 1, phía dưới là thủy điện Đakrông 4 và 2 đang xây dựng. Sự cố vỡ đập thuỷ điện Đakrông 3 như lời cảnh báo nghiêm khắc cho nhiều công trình thuỷ điện khác, lơ là với an toàn hồ đập, chính là lơ là với tính mạng của người dân. |
Cty CP Thuỷ điện Trường Sơn tích nước lòng hồ trong khi chưa đền bù, di dời 13 hộ dân trong khu lòng hồ là sai quy định nghiêm trọng lại còn báo cáo không trung thực về sự cố. Trước đó, khi tiến hành tích nước lòng hồ, Cty này chỉ thông báo, chứ không tiến hành làm việc với chính quyền để có được phương án tối ưu nhất.
Ông Hùng nhấn mạnh, Cty CP Thủy điện Trường Sơn cần khẩn trương khắc phục những thiệt hại, sớm kết hợp với xã, huyện để bổ sung, đền bù và di dời dân, đảm bảo an toàn mạng sống cho người dân. Phần hạ lưu của đập, cần có sự thỏa thuận với người dân kịp thời đền bù thiệt hại cho bà con yên tâm sản xuất. Ông Hùng tính toán, nếu các giải pháp kỹ thuật không an toàn, đập chính bị vỡ, với dung tích hồ chứa của công trình thuỷ điện Đakrông 3 là 3,4 triệu m3 nước thì các xã ở hạ lưu bị thiệt hại không thể nào kể hết.
Ông Nguyễn Quân Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban PCBL-TKCN tỉnh, chỉ đạo: “Qua vụ việc trên cần phải xem xét lại quy trình kỹ thuật an toàn hồ đập trong quá trình tích nước. Mùa mưa bão đang đến gần, chủ đầu tư quản lý các công trình thuỷ điện cần chủ động có phương án, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn hồ đập, để tránh lặp lại sự cố đáng tiếc như vừa xảy ra. Phải rút kinh nghiệm, trong quá trình vận hành hồ đập khi có sự cố, chủ đầu tư, thi công phải kịp thời báo cáo cho chính quyền các cấp để phối hợp giải quyết, chú trọng bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của người dân trong vùng. Chủ đầu tư sớm kiểm tra lại phần tài sản người dân bị hư hại do sự cố để sớm đền bù thiệt hại cho bà con”.