| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân lạ và hành động của chúng ta

Thứ Sáu 11/01/2013 , 10:05 (GMT+7)

Ông Quách Ngọc Ân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm đã bày tỏ với NNVN những đối sách ứng phó cho một vụ đông xuân có nhiều diễn biến lạ như năm nay…

Ông Quách Ngọc Ân
Ông Quách Ngọc Ân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm đã bày tỏ với NNVN những đối sách ứng phó cho một vụ đông xuân có nhiều diễn biến lạ như năm nay…

Tương quan giữa thời tiết và vụ lúa đông xuân ở miền Bắc như thế nào thưa ông?

Đây là một tương quan chặt nhưng đáng tiếc chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào để trả lời chính xác cả. Trước đây khi những tiến bộ kỹ thuật còn có mức độ, thời tiết quyết định 90% năng suất và sản lượng lúa, còn giờ đây khoa học phát triển, thời tiết vẫn quyết định đến 70%.

Tác động đầu tiên của thời tiết là ảnh hưởng đến diện tích lúa như rét quá gây chết mạ không đủ cấy hoặc hạn quá không thể cấy được. Thời tiết cũng rất quan trọng lúc lúa trỗ, nếu trỗ gặp gió tây hay rét nàng Bân đều hỏng. Thời tiết lúc lúa sau trỗ 20 ngày tác động mạnh đến khả năng quang hợp của cây, lúc đó lượng bức xạ càng lớn càng có lợi và ngược lại.

Theo kinh nghiệm của tôi, vụ đông xuân ấm khó làm hơn vụ đông xuân rét. Thời tiết ấm dễ gây tình trạng mạ già, thời gian sinh trưởng của cây lúa bị rút ngắn nên năng suất thấp còn rét khó cho việc làm mạ, cấy nhưng thời gian sinh trưởng của cây lúa dài, năng suất sẽ cao.

Rét hay ấm là khái niệm chung chưa thật chính xác vì có nhiều kiểu như rét đầu vụ ấm giữa và cuối vụ, ấm đầu vụ rét giữa và cuối vụ, ấm suốt cả vụ (ấm điển hình), rét suốt cả vụ (rét điển hình)…

Vậy vụ đông xuân này theo xu hướng thế nào?

Bộ NN-PTNT hồi cuối tháng 10 đã tổng kết vụ mùa và triển khai vụ đông xuân theo hướng nhận định là vụ đông xuân ấm nhưng theo tôi không hẳn thế bởi nhiều căn cứ. Căn cứ dân gian “Ăn lúa tháng năm trông trăng rằm tháng tám”, tháng tám năm nay chập tối trăng đục nửa đêm trăng trong (nét). Thêm nữa các cụ nói “Cửu nguyệt lôi phong tứ nguyệt hàn” (tháng chín có gió, sấm sét thì tháng tư sang năm vẫn còn rét). Tháng chín vừa rồi vẫn có sấm nên tháng tư sang năm vẫn còn rét. Suy ra theo kinh nghiệm dân gian xu thế của năm nay là rét muộn.

Căn cứ theo diễn biến khối khí lạnh từ Siberia, năm nào ở đó càng lạnh mùa đông của ta càng rét, năm nay Đông Âu ghi nhận rét kỷ lục trong vòng mấy chục năm, mùa đông của ta cũng bị ảnh hưởng. Căn cứ thứ ba dựa vào quy luật nhiều năm của khí tượng.

Chung quy lại, theo tôi năm nay không phải vụ đông xuân ấm mà là đông xuân rét về cuối vụ, rét kèm hơi ẩm chứ không khô hanh như mọi năm.


Làm đất để sẵn sàng xuống giống vụ ĐX

Trước diễn biến thời tiết lạ như thế, với kinh nghiệm lâu năm của ông SXNN chúng ta phải đối phó ra sao?

Về làm đất, “Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân” nơi nào chân vàn cao, cày ải được thì cày còn chân thấp phải chuyển sang làm dầm vì thời gian từ nay đến lúc cấy không còn dài nữa. Dầm tức giữ nước trong mặt ruộng rồi cày cho thật nhuyễn. “Ải thâm không bằng dầm ngấu”, phơi ải mà không có nắng như năm nay thì đất vẫn còn màu thâm chứ không chuyển sang màu trắng sẽ không tốt bằng dầm cho thật ngấu. Khi làm dầm chúng ta lưu ý nếu cày lật mà gốc rạ còn dài thì cần bón thêm vôi cho rạ mục nhanh.

Về chỉ đạo xuống mạ nên để tâm ba việc: Dùng giống ngắn ngày, nơi có điều kiện thì sử dụng lúa lai. Che chắn mạ bằng ni lông. Điều tiết nước trên ruộng mạ kết hợp bón tro bếp chống rét (không nên để mức nước sâu, giữ nước ở rãnh luống còn mặt luống chỉ cần đủ ẩm). Làm tốt khâu mạ là chắc thắng đến 70% ở vụ đông xuân.

Về nước, theo thông báo có 3 đợt lấy nước trong đó đợt 1: 25 - 29/1; đợt 2: 4 - 9/2; đợt 3: 19 - 24/2. Phải đón nước, sử dụng nước sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất là đợt 2 lấy nước sát vào những ngày Tết càng phải chăm chút cho đồng áng, tránh lơi là, lãng phí.

Nếu diễn biến thời tiết theo khuynh hướng rét muộn cũng cần đề phòng một số đối tượng sâu bệnh như tháng ba có nắng ấm phòng bọ trĩ phá lúa mới cấy, cuối tháng tư trở đi phòng bệnh đạo ôn.

Tổng quát lại vụ đông xuân năm nay tuy diễn biến phức tạp nhưng tương đối thuận lợi cho SX. Nếu nắm bắt được tình hình, điều chỉnh kịp thời, chỉ đạo tốt chúng ta vẫn có nhiều triển vọng về năng suất.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm