| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng hàng xáo

Thứ Hai 02/12/2013 , 09:52 (GMT+7)

Đồng Tháp là tỉnh duy nhất trên cả nước không gọi Cánh đồng mẫu lớn mà thay bằng Cánh đồng liên kết. Tuy khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là "Small Farmer, Large Field - Hộ nông dân nhỏ, cánh đồng lớn, trong đó việc tiêu thụ nông sản được đặt lên hàng đầu...

 

Đồng Tháp là tỉnh duy nhất trên cả nước không gọi Cánh đồng mẫu lớn mà thay bằng Cánh đồng liên kết. Tuy khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là "Small Farmer, Large Field - Hộ nông dân nhỏ, cánh đồng lớn, trong đó việc tiêu thụ nông sản được đặt lên hàng đầu và không câu nệ hình thức, "không mặc đồng phục cho cánh đồng liên kết", như chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh này.

CUỘC ĐẤU GIÁ LỊCH SỬ

Mặc dù cuộc đấu giá lịch sử tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thuận, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã trôi qua 2 tháng nhưng dư âm của nó vẫn còn in trên gương mặt rạng rỡ của 75 xã viên HTX này.

Ông Nguyễn Văn Mười, chủ nhiệm HTX kể, toàn bộ diện tích 68 ha của HTX nằm gọn trong 1 ô bao thủy lợi và được HTX kêu gọi chỉ trồng duy nhất một giống là OM 5451, giống gạo hạt dài, chất lượng cao nhưng có nhiều đặc điểm dễ tính như giống IR 50404 (năng suất cao nhưng chất lượng thấp).


Ông Nguyễn Văn Mười, chủ nhiệm HTX “thương lái” Tân Thuận, xã An Phú Thuận, Châu Thành, Đồng Tháp

Theo kế hoạch, toàn bộ lúa của HTX sẽ được bán cho Công ty TNHH Phương Thanh, doanh nghiệp chuyên xay xát chế biến gạo tại huyện Long Hồ, Vĩnh Long, với lời cam kết sẽ mua với giá cao hơn 500 đ/kg so với giá IR 50404 cùng thời điểm.

Kế hoạch là vậy nhưng khi lúa đã đỏ đuôi, HTX yêu cầu Phương Thanh đến xem lúa và thỏa thuận giá cả thì Phương Thanh viện nhiều lý do khó khăn để thoái thác. Mặc dù bị bất ngờ bởi cú “lật kèo” của Phương Thanh nhưng Ban quản trị HTX và UBND xã An Phú Thuận vẫn bình tĩnh.

Sẵn có mối quan hệ làm ăn gần gũi với các thương lái, cuộc đấu giá không chính thức giữa 10 thương lái và HTX được tổ chức, và phần thắng đã thuộc về ông Nguyễn Hữu Phước, một thương lái chuyên mua gạo hạt dài xuất khẩu khi ông Phước chốt giá 4.600 đ/kg lúa tươi tại ruộng, cao hơn 450 đ/kg so với IR 50404 và cao hơn giá của các thương lái khác 200 đ/kg.

Đổi lại, xã viên HTX cũng phải đáp ứng các yêu cầu do thương lái đưa ra là khi thu hoạch phải sử dụng máy GĐLH Kubota và phải tổ chức thu hoạch mua bán dứt điểm không quá 2 ngày.


Thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết

Nhờ thời gian sinh trưởng của giống OM 5451 ngắn hơn các giống khác 3-5 ngày nên cánh đồng HTX chín trước, việc huy động cả chục máy GĐLH tuy khó khăn nhưng cuối cùng cũng đáp ứng được, cả chục ghe bầu do thương lái hợp đồng đã sẵn sàng dưới kinh Xẻo Trầu.

Cả xã viên HTX và thương lái đều làm đúng cam kết của mình. Cái cảm giác lâng lâng “tiền tươi thóc thật” sao mà thân thương, ông Sáu Tươi, xã viên HTX vẫn còn nhớ “Chẳng những cân lúa đếm tiền mà còn bán được giá cao, cao hơn đến 5 triệu/ha so với làm giống IR 50404 thì không nhớ mới là lạ”.

MỞ RỘNG CÁNH ĐỒNG LIÊN KẾT

Sau cuộc đấu giá thành công, vụ đông xuân này bà con trong ấp Tân Thuận (nhưng không phải là xã viên HTX) đăng ký thêm 72 ha và ấp Hòa Thuận (cũng ngoài HTX) đăng ký thêm 120 ha nữa nên cánh đồng liên kết xã An Phú Thuận được mở rộng lên 260 ha. Liệu 192 ha đất tăng thêm có trở thành đất HTX?

Thay vì câu trả lời trực tiếp, chủ tịch xã, ông Trần Hữu Phước cho biết: HTX này thực chất được thành lập vào năm 2002 với tên gọi HTX Nông nghiệp Hòa Thuận (lấy theo tên ấp Hòa Thuận) nhưng không hoạt động được nên đến năm 2009, xã đã đề nghị huyện cho xóa tên.


Cánh đồng liên kết tại Châu Thành - Đồng Tháp

Tuy nhiên khi đánh giá lại thì vẫn còn một số bà con cần HTX trong khâu bơm nước vì vậy HTX đã “tự nguyện” giáng cấp xuống Tổ hợp tác. Lúc này ấp Hòa Thuận cũng được tách làm 2 ấp là Hòa Thuận và Tân Thuận nên Tổ hợp tác được lấy tên Tổ hợp tác số 7, ấp Tân Thuận (thời kỳ cải tạo nông nghiệp sau giải phóng, đây là tập đoàn nông nghiệp số 7).

Tổ hợp tác Tân Thuận bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2010, khi được nhà nước cho vay 50% vốn để mua chiếc máy xới Kubota 4.300 (50% vốn còn lại do một số xã viên hùn). Nhờ chọn đúng người biết làm ăn và lo toan cho HTX nên chiếc máy xới phát huy rất hiệu quả, chi phí làm đất giảm xuống không ngờ.

Cộng với vai trò không thể thay thế trong việc bơm nước nên xã viên ngày càng gắn bó với HTX, đến vụ thu đông 2013 HTX kêu gọi chỉ trồng duy nhất 1 giống OM 5451 và được xã viên đồng thuận và đấy cũng là cơ sở giúp cho cuộc đấu giá thành công.

“Không thể nóng vội nhưng cũng không thể không giúp bà con”, ông Nguyễn Văn Mười, chủ nhiệm HTX cho biết, “khi bà con đăng ký tham gia cánh đồng liên kết của chúng tôi thì HTX vẫn vui vẻ nhưng chưa đưa ra lời khuyên hay điều kiện gì về việc gia nhập HTX, mọi việc vẫn phải chờ vào kết quả vài ba vụ nữa mới tính tiếp được”.

Để chuẩn bị tiêu thụ cho toàn bộ cánh đồng liên kết 260 ha (của xã viên HTX 68 ha), HTX Tân Thuận đang bàn thảo hợp đồng với Công ty XNK tạp phẩm Sài Gòn, trong đó có một vài điều khoản còn vênh nhau và sẽ được thống nhất vào tuần tới. Tuy có hợp đồng, nhưng HTX vẫn dự trù phương án dự phòng để ngỏ khả năng đấu giá như vụ thu đông vừa qua. (Còn nữa)

Bà Tô Thị Bích Loan, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp: Đồng Tháp đã có 50.000 ha "cánh đồng liên kết"

Tại sao Đồng Tháp lại lấy tên là cánh đồng liên kết thay cho tên chung cánh đồng mẫu lớn?

Thực ra chương trình này đã được UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Đồng Tháp giao cho Trung tâm Khuyến nông thực hiện từ năm 2008 với tên gọi lúc đấy là Mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại.

Năm 2008 đã xây dựng được 2 mô hình có diện tích 200 ha ở HTX Tân Cường (xã Phú Cường, Tam Nông) và HTX Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, Tháp Mười) đến năm 2010 theo chỉ đạo của tỉnh, mô hình phải gắn kết với việc tiêu thụ nên tên gọi "cánh đồng liên kết”. Từ đó đến nay cánh đồng liên kết đã mở rộng lên trên 50.000 ha với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp.

Bà có suy nghĩ gì về kiểu liên kết với thương lái ở HTX Nông nghiệp Tân Thuận?

Trước mắt tôi thấy hợp lý vì tùy từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng liên kết sao cho hiệu quả nhất. Tân Thuận làm được như vậy nhờ ở đấy là đầu mối giao thương với hai trung tâm chế biến nông sản lớn là Sa Đéc và Vĩnh Long, những người tham gia quản lý HTX đều là những nông dân có kiến thức giỏi, uy tín.

Tuy nhiên bảo rằng “sướng” thì không bởi vì nếu thương lái không lớn mạnh thành công ty, HTX không được nâng cấp để chỉ đạo toàn bộ việc sản xuất theo hướng hiện đại thì mô hình trên sẽ khó mà bền vững.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.