Kỷ niệm một năm thành lập, sáng 23/11, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm nhìn lại các mục tiêu và giải pháp của Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) cùng chia sẻ, thảo luận nhằm tháo gỡ những vướng mắc và định hướng phát triển trong tương lai.
Vai trò của hợp tác xã trong đề án
Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh rằng việc phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Việc gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.
Hiện tại, một HTX trung bình ở ĐBSCL chỉ có khoảng 80 thành viên, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 200 thành viên của cả nước và con số 1.500 thành viên tại Thái Lan. Ông Hải đề xuất rằng việc xây dựng các HTX vừa (50-100 thành viên) không chỉ phù hợp với yêu cầu của Luật HTX 2023 mà còn giúp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Khi HTX trở thành các tổ chức vững mạnh, có khả năng quản lý hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng sẽ phát huy vai trò cốt lõi trong nền kinh tế nông thôn hiện đại. Cần có những HTX đủ mạnh để phát triển chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao đời sống thành viên và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đội ngũ quản lý HTX cần được đào tạo chuyên sâu để cải thiện khả năng điều hành thông qua các chương trình tuyên truyền, đào tạo để họ hiểu rõ lợi ích khi gia nhập HTX, từ đó cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn cho thành viên và doanh nghiệp liên kết. Trường hợp của HTX Tân Hưng, Phú Thạnh và Bình Thành là các mô hình tiêu biểu trong việc tổ chức tốt các dịch vụ như thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa, đại diện và đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước và các tổ chức tài chính cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Việc hỗ trợ vốn, giảm lãi suất và các chính sách ưu đãi khác sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với HTX để mở rộng quy mô sản xuất. Đơn cử, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tham mưu để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các HTX, nông dân ở vùng Đề án.
Tài chính là yếu tố then chốt để phát triển chuỗi giá trị
Trong buổi tọa đàm, vấn đề tài chính cũng được xem là yếu tố trọng tâm trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án. Ông Trương Hoàng Hải, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2, khẳng định vai trò chủ lực của ngân hàng này trong việc cung ứng vốn cho các dự án phát triển nông nghiệp.
Với tổng dư nợ đạt 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 65% tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, Agribank cam kết đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho các HTX và doanh nghiệp. Theo Nghị định 55 của Chính phủ, ngân hàng có thể cho vay lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với HTX và 2 - 3 tỷ đồng đối với doanh nghiệp. Những chính sách tín dụng này tạo điều kiện để các HTX đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại như máy sạ cụm, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế.
Theo ông Trần Minh Hải, để thúc đẩy phát triển HTX, cần xây dựng các HTX đủ mạnh và bản lĩnh, có khả năng thực hiện việc mua chung, bán chung với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất.
TS Trần Minh Hải cũng đề xuất rằng các ngân hàng nên linh hoạt trong việc giải ngân, có thể cho vay thông qua doanh nghiệp liên kết hoặc các tổ chức trung gian đại diện cho nông dân. Đây là hình thức thế chấp theo chuỗi, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.
Ngoài ra, công nghệ và thực hành phải phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình và kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng của ngân hàng để vay vốn thuận lợi.