Chương trình được tổ chức nhằm nhìn lại những đóng góp của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong 1 năm qua; đồng thời thảo luận, chia sẻ các định hướng phát triển trong thời gian tới.
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 959/QĐ-BNV ngày 28/11/2023 của Bộ Nội vụ, tên viết tắt là VIETRISA - Vietnam Rice Sector Association. Đến nay Hiệp hội đã có 107 tổ chức gồm doanh nghiệp và HTX, 70 cá nhân, trong đó có 20 thành viên thuộc Ban vận động thành lập Hiệp hội.
Trải qua 1 năm hoạt động, VIETRISA đã trở thành cầu nối đáng tin cậy giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý, góp phần thúc đẩy chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Chương trình có 2 nội dung quan trọng. Phần 1 là các báo cáo tham luận và phiên Tọa đàm để cùng nhìn lại các mục tiêu và giải pháp của Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Và phần thứ 2 là Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
10 giờ 00 phút
Có thể dùng drone giải quyết áp lực xuống giống
TS Trần Ngọc Thạch (ảnh), Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là cắt giảm lượng giống và một số mô hình đã đưa lượng giống sử dụng xuống chỉ còn 70-80kg/ha mà vẫn đảm bảo được năng suất, thậm chí năng suất còn vượt trội hơn.
Cũng theo TS Trần Ngọc Thạch, những mô hình tương tự thế này đã được triển khai từ năm 2015, thậm chí có nơi đã giảm xuống đến 40 kg/ha. "Nhưng tại sao vẫn chưa thể nhân rộng mô hình?", Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nêu câu hỏi và cho rằng, có 4 vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất là phải đảm bảo được mặt bằng và khả năng thoát nước của đồng ruộng, cùng với đó là tránh xuống giống khi trời mưa để giảm nguy cơ rửa trôi giống, điều này sẽ giảm chi phí.
Thứ hai là phương tiện gieo sạ, thay vì vẩy bằng tay, phun bằng máy như trước đây, cần có những thiết bị gieo sạ chính xác, sạ hàng, sạ cụm để giảm lượng giống đầu vào. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là toàn bộ ĐSBCL chỉ xấp xỉ 100 máy sạ, như vậy để đáp ứng nhu cầu sạ cho 500.000ha/vụ thì là thách thức rất lớn. Áp lực này cũng khiến chi phí đầu vào tăng thêm.
Chia sẻ thêm về giải pháp nhằm tháo gỡ áp lực vừa nêu ra, TS Trần Ngọc Thạch cho rằng, cần nâng cao năng suất cho máy sạ cụm, sạ hàng. Cùng với đó là nghiên cứu khả năng ứng dụng sạ bằng drone để thúc đẩy năng lực xuống giống.
"Mục tiêu chính của chúng ta là đưa mức tiêu thụ giống xuống dưới 70 kg/ha", Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh.
Vấn đề thứ ba mà ông Trần Ngọc Thạch đưa ra là vấn đề giống. Nếu tỷ lệ nảy mầm thấp, nhiều lẫn tạp thì sẽ kéo giảm chất lượng lúa. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Đề án, nhu cầu giống có thể lên đến vài chục ngàn tấn, trong khi chỉ có vài doanh nghiệp đảm bảo được.
Do đó, ông Thạch đề cập đến việc nâng cao năng lực sản xuất giống của các HTX và Viện Lúa ĐBSCL đang phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề này bằng những vùng sản xuất giống tập trung, chính quy hơn, chất lượng hơn.
Trở lại vấn đề khoa học, TS Trần Ngọc Thạch cho rằng, yêu cầu về giống càng cao thì công tác nghiên cứu, chọn tạo lại càng cần được quan tâm.
Trong đó, giống cần khả năng đẻ nhánh sớm để hạn chế cỏ dại, hạn chế thuốc trừ cỏ. Cùng với đó, cần những giống lúa phát thải thấp, sử dụng phân bón tiết kiệm và Viện Lúa ĐBSCL đang nghiên cứu sâu hơn về những yêu cầu này.
Lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL cũng nói về việc kiểm soát hệ thống vi sinh vật trong đất để giảm phát thải trong điều kiện không kiểm soát, khó kiểm soát lượng nước trong đồng ruộng.
Để thực hiện được những mục tiêu nói trên, TS Trần Ngọc Thạch mong muốn sự hợp tác của IRRI và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đưa ra những loại giống chất lượng cao, phù hợp với Đề án.
9 giờ 50 phút
Thiếu máy móc đang là thách thức của Đề án
TS Đặng Kim Sơn (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - ghi nhận dấu ấn đáng nhớ trong các phối hợp trong giai đoạn đầu, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tổ chức IRRI đã phát triển các mô hình hiệu quả cả về kỹ thuật lẫn kinh tế, mở rộng chúng thành phong trào, tạo tiền đề cho sự thay đổi bền vững. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng thành công với mô hình khuyến nông cộng đồng, đưa vào thực tiễn và phát huy hiệu quả.
Báo Nông nghiệp Việt Nam, từ vai trò tuyên truyền, nay đã phối hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt và các địa phương, góp phần chuyển đổi hành vi của người sản xuất và kinh doanh. Đây là bước đột phá trong thể chế, đòi hỏi sự gia tăng quyền lực và vai trò của các hợp tác xã (HTX).
Tuy nhiên, thách thức hiện tại nằm ở việc thiếu các máy móc như máy sạ hàng, sạ cụm và hệ thống gặt đập liên hợp, cần được thúc đẩy cơ giới hóa mạnh mẽ hơn. Các mô hình được chứng minh có hiệu quả thì thị trường, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tham gia đầu tư.
Đặc biệt, việc phát huy chính sách hỗ trợ như Nghị định 112 về trợ cấp vốn cho sản xuất lúa gạo sẽ tạo cơ hội huy động nguồn vốn dài hạn từ ngân hàng thế giới. Nếu Bộ NN-PTNT tiếp tục vận dụng chính sách đột phá, chương trình có thể mở rộng và mang lại hiệu ứng kinh tế tích cực trên toàn chuỗi giá trị.
9 giờ 40 phút
Cần một bộ dữ liệu để tối ưu quản lý, hệ thống canh tác
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Cơ giới ILRI, để tối ưu quản lý, hệ thống canh tác, sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cần tổng hợp một bộ dữ liệu đầy đủ về đất, dinh dưỡng cây trồng, cơ sở hạ tầng, quản lí rơm rạ,…
Phần lớn các tỉnh hiện đang dựa vào định lượng cơ bản chứ chưa có cơ sở dữ liệu chính xác dẫn đến chưa tối ưu hóa được chi phí đầu tư. Vì vậy, ông Hùng đề xuất răng các trường đại học và viện nghiên cứu tham gia mạnh mẽ hơn vào đề án này để cùng xây dựng bộ dữ liệu hoàn chỉnh.
Ngoài ra, công nghệ và thực hành phải phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình và kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng của ngân hàng để vay vốn thuận lợi.
9 giờ 30 phút
Thủ tục giải ngân nhanh chóng và uy tín là yếu tố quan trọng
TS Trần Minh Hải (ảnh), Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết, hiện các ngân hàng đã bắt đầu chuyển mình để cho vay theo chuỗi. Tuy nhiên, dư nợ để làm trong chuỗi đề án này chưa nhiều. Trong khi đó, hiện nông dân chưa trang bị đủ 100% máy sạ cụm, sạ giống.
“Tôi đề nghị các ngân hàng có thể cho vay theo khách hàng cá nhân nhưng đại diện tổ nông dân và HTX sẽ nhận và cho vay qua doanh nghiệp (bên thứ 3) để nâng cấp máy. Đây được xem là một hình thức thế chấp theo chuỗi”, ông Hải đề xuất.
Theo TS. Trần Minh Hải, khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia theo chuỗi là tiền vốn để trả khi đầu tư theo chuỗi cho nông dân và tiền thanh toán cho người nông dân khi mua lúa gạo. Bên cạnh đó, khi đầu tư đầu tư trang, thiết bị, các doanh nghiệp cần nguồn vốn trung hoặc dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp lúa gạo đang dùng vốn ngắn hạn để đầu tư nên không giảm được chi phí.
Ông Hải nhấn mạnh: Thủ tục giải ngân nhanh chóng và uy tín là yếu tố mà HTX và các doanh nghiệp quan tâm. Vì vậy, ông đề xuất các doanh nghiệp thu mua nên kết hợp với HTX đã có hợp đồng liên kết theo chuỗi. Khi HTX thu lúa về thì lấy lúa đưa cho bên thứ 3, từ đó sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ hơn.
Nói về vai trò của đại lí phân phối và thương lái, TS Trần Minh Hải cho rằng, cần phát triển các HTX đủ mạnh và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết theo chuỗi.
“Khi thực hiện tốt sản xuất theo chuỗi, chúng ta sẽ liên hệ được các đơn vị có vật tư đầu vào chất lượng, cắt giảm trung gian và lượng phân bón, thuốc trừ sâu không cần thiết, đồng thời đảm bảo đầu ra nhờ các doanh nghiệp thu mua.
Bên cạnh đó, phát triển tổ liên kết cộng đồng, lớn hơn là HTX, những tổ marketing về vật tư đầu vào, từ đó thông tin cho người dân về những loại vật tư phù hợp với từng loại giống và điều kiện canh tác”, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phân tích.
Cấp thiết tăng số lượng thành viên HTX
Cũng theo ông Trần Minh Hải, để thúc đẩy phát triển hợp tác xã (HTX), cần xây dựng các HTX đủ mạnh và bản lĩnh, có khả năng thực hiện việc mua chung, bán chung với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất. Xu hướng phát triển hiện nay tập trung vào việc tăng số lượng thành viên để mở rộng sản xuất và tăng cường liên kết. Tại ĐBSCL, một HTX trung bình chỉ có 80 thành viên, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước là 200 thành viên và của Thái Lan là 1.500 thành viên/HTX.
Việc cấp bách là tăng số lượng thành viên HTX, hướng tới con số HTX vừa (từ 50-100 người) để phù hợp với các yêu cầu của Luật HTX 2023. Đồng thời, đội ngũ quản lý cần nâng cao năng lực nhằm cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. So với 10 năm trước, khu vực ĐBSCL hiện đã đạt 52% số HTX được đánh giá ở mức tốt và khá.
Về điều hành kinh doanh, các mô hình như HTX Tân Hưng, Phú Thạnh và Bình Thành được đánh giá cao, nhờ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ như thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa.
Về phía Nhà nước, cần đẩy mạnh xây dựng các đề án phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030 tại từng tỉnh, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình như đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chính sách của tỉnh, và Quyết định 1804 của Chính phủ để triển khai một cách mạnh mẽ và hiệu quả.
9 giờ 20 phút
Agribank sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc thực hiện Đề án
Theo ông Trương Hoàng Hải, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2, Agribank hiện là ngân hàng chủ lực với tổng dư nợ đạt 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 65% tập trung vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Agribank cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đảm bảo cung ứng vốn cần thiết để triển khai dự án. Đến cuối năm 2025, Agribank sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc thực hiện Đề án này.
Thông qua các chính sách tín dụng, Agribank luôn đảm bảo nguồn vốn cho vay phù hợp. Theo Nghị định 55 của Chính phủ, ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 200 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, và 2-3 tỷ đồng với doanh nghiệp, dựa theo quy định của dự án và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Agribank sẽ tăng cường tư vấn, hỗ trợ đầu tư hiệu quả hơn cho khách hàng.
Chi nhánh Agribank Cần Thơ 2 cũng cam kết tập trung nguồn vốn nhằm thúc đẩy các dự án tại địa phương, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế địa phương và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 1 triệu ha trong thời gian tới.
9 giờ 10 phút
Tăng thủy lợi, giảm giống
Trong chương trình tọa đàm, nói về quá trình triển khai đề án, ông Nguyễn Ngọc Hè (ảnh), Phó Chủ tịch UBNB thành phố cho biết, Cần Thơ quan tâm đến 5 trọng tâm như đã nêu ở trên.
Trong đó, quan trọng nhất, UBND TP Cần Thơ đang tham mưu cho Thành ủy, HDND của thành phố ưu tiên, bổ sung nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống thủy lợi, nhất là vùng triển khai Đề án. Theo ông Hè, nếu hệ thống thủy lợi tốt, đê bao tốt thì sẽ kiểm soát tốt được nguồn nước, lượng nước trên ruộng đồng.
Nhất trí với ý kiến của ông Hè, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao cho rằng, ngoài thủy lợi thì việc kiểm soát, giảm lượng giống cũng rất quan trọng do ĐBSCL sử dụng phương pháp gieo sạ rất tốn giống.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương rất quan tâm đến việc giảm giống, giảm phân bón và giảm công lao động cho người trồng lúa.
Do đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tham mưu để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các HTX, nông dân ở vùng Đề án để ứng dụng công nghệ cao, mua máy sạ chính xác để giảm vật tư đầu vào.
9 giờ 00 phút
12 mô hình mô hình lúa phát thải thấp, 116 tổ khuyến nông cộng đồng tại Kiên Giang
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã triển khai bài bản 12 mô hình lúa phát thải thấp và xây dựng 116 tổ khuyến nông cộng đồng. Đầu tiên, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, tạo nền tảng tổ chức vững chắc. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến các hợp tác xã (HTX) và nông dân, giúp họ hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của đề án.
Tỉnh ủy cũng chỉ đạo UBND xây dựng kế hoạch cụ thể đến năm 2030. Dựa trên tình hình thực tế của từng HTX và từng vùng sinh thái, tỉnh xác định diện tích phù hợp để tham gia đề án. Theo kế hoạch của UBND, Kiên Giang đã triển khai 210ha mô hình giảm phát thải, tạo cơ sở để mở rộng quy mô trong tương lai.
Ngành nông nghiệp đã chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông cơ sở. Đến nay, có 2.400 người, bao gồm 30 cán bộ chuyên môn, tham gia các khóa tập huấn, nhằm đảm bảo kiến thức và kỹ năng triển khai đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở.
Ngoài ra, Kiên Giang đã phối hợp thực hiện các mô hình của Bộ NN-PTNT, như mô hình thu hoạch và hệ thống tôm - lúa. Qua 20 ngày thực hiện, các chỉ số đang được theo dõi chặt chẽ, nhằm đánh giá hiệu quả thực tiễn. Những kinh nghiệm này sẽ là bài học quý giá để các địa phương khác tham khảo và áp dụng, đảm bảo triển khai hiệu quả các mô hình nông nghiệp giảm phát thải, góp phần phát triển bền vững.
8 giờ 50 phút
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Đề xuất bố trí đủ nhân lực, nguồn vốn
Ông Hoàng Tuyển Phương (ảnh), Trưởng phòng Trồng trọt - Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, đơn vị hiện kết nối với hơn 30 kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Đây là các bước đi nhằm nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
“Chúng tôi luôn nhấn mạnh việc thông tin cho người dân về quy trình kỹ thuật nhằm giảm giống, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn bà con quản lí rơm rạ và kĩ thuật”, ông Phương nói.
Chuyên gia về trồng trọt - lâm nghiệp cho rằng, nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia thông qua hoạt động đào tạo, huấn luyện là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển canh tác lúa bền vững. Khuyến nông cộng đồng tại cơ sở luôn đồng hành cùng người dân, với tôn chỉ "Cùng tham gia - cùng hành động - cùng phát triển".
"Việc xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo sẽ tập trung vào chuyển giao các công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng, giảm phát thải, liên kết sản xuất, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu SRD. Khuyến nông cộng đồng đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường năng lực nông dân, nâng cao vai trò của HTX và tổ hợp tác, giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị và thu nhập. Đồng thời, phát triển lực lượng MRV (đo đạc, báo cáo và thẩm định), xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam”, ông Phương nói.
Trong thời gian tới, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sẽ định hướng lại nội dung truyền thông, xây dựng thông điệp và bộ nhận diện logo cho Đề án, phát triển các chuyên mục, chuyên trang và các chương trình phóng sự trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, tổ chức các sự kiện theo chuyên đề và phát hành các ấn phẩm để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Về đào tạo huấn luyện, tiếp tục hoàn thiện và củng cố hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương, nâng cao năng lực cho các đối tượng tham gia, đặc biệt là khuyến nông cộng đồng cơ sở.
Về xây dựng mô hình, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình thí điểm tại các địa phương, nhân rộng các mô hình thông qua các Dự án khuyến nông Trung ương và hợp tác công - tư (PPP) để tạo sự lan tỏa và phát triển bền vững.
“Tôi đề xuất cần tăng cường chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đề án và lãnh đạo Bộ NN-PTNT đối với toàn bộ hoạt động của Dự án. Đồng thời, nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Sở NN-PTNT các tỉnh đối với các đơn vị tại địa phương. Ngoài ra, tôi cũng đề xuất bố trí đủ nguồn lực và kinh phí để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án”, ông Phương kiến nghị.
8 giờ 40 phút
Gạo Việt xanh, phát thải thấp
Ngày 27/11/2023, Thủ tướng ký quyết định thành lập Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. 15 ngày sau đó, ra đời ngành hàng lúa gạo Việt Nam VIETRISA.
“Mục tiêu là rút tỉa được gì từ những mô hình do Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, địa phương đã triển khai. Nhiệm vụ của Cục là tổng kết những mô hình đã có kết quả tốt”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), mở đầu phần tham luận.
Ông Tùng nhận xét còn thiếu sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Đôi khi trên truyền thông, vẫn nghe được câu chuyện “bẻ kèo”. Cán bộ ngành nông nghiệp thì đau đáu vì chưa có thương hiệu lúa gạo Việt Nam chất lượng cao trên thị trường quốc tế.
Mặc dù trên thực tế, lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. “Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan..., cao hơn Trung Quốc và các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu”.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, có 12/13 tỉnh ĐBSCL đang thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa, trừ Bến Tre do diện tích không còn. Khoa học kỹ thuật cũng đang phát triển mạnh ở vựa lúa lớn nhất cả nước. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, với 1,7 triệu ha lúa ở ĐBSCL chỉ có 2 máy gặt đập liên hợp năm 2006. Sau đó 6 năm, có tới 12.000 máy gặt đập liên hợp, cho thấy tốc độ phát triển vũ bão.
Ông Tùng cho rằng chỉ cần có khoa học kỹ thuật phù hợp, thì sự phát triển sẽ mặc nhiên nhanh chóng. Trọng tâm là đào tạo và chuyển giao công nghệ, đây là chìa khóa mở ra các cánh cửa. Khúc mắc nhất hiện nay là huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề này đang được Ban chỉ đạo chương trình xử lý. “Gạo Việt xanh, phát thải thấp”, đó là cái tên trong thời gian tới.
7 mô hình tại 5 tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh đại diện cho các vùng thượng, hạ, giữa ĐBSCLTrong đó Kiên Giang có 2 mô hình là lúa và lúa tôm với tổng diện tích khoảng 200.000ha. Các nghiên cứu của Việt Nam chưa cho thấy rõ mô hình lúa tôm có giảm phát thải không. Do đó, cần 1 - 2 mùa nữa để xác định.
Trà Vinh cũng có những mô hình đã gắn biển hiệu: Giảm chi phí, giảm phát thải. Đây được coi là hướng đi tích cực. “Sự vào cuộc tích cực, hăng hái của bà con nông dân, sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt”, ông Tùng nói.
Trong tương lai, nhiệm vụ của Đề án vẫn là nhân rộng mô hình theo hướng chuỗi giá trị, cơ sở dữ liệu sinh thái, phát triển công nghệ, thay đổi hành vi, tăng cường năng lực. “Mô hình kinh doanh mới, minh chứng lợi ích đầu tàu trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Chúng tôi cũng thấy rằng cần sự chung tay, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị, doanh nghiệp, để nông dân có nhiều thông tin hữu ích”, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu trong phần kết thúc tham luận.
8 giờ 30 phút
5 trọng tâm của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với Cần Thơ
Phát biểu mở đầu Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án) là chương trình lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến ngành lúa gạo được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế.
Do đó, TP Cần Thơ xác định đây là Đề án có quy mô lớn, cần bắt tay vào thực hiện ngay lập tức. Đến nay, Cần Thơ và một số địa phương ĐBSCL quan tâm đến 5 vấn đề trọng tâm, đầu tiên là công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở, như khuyến nông viên, nông dân, HTX nằm trong vùng Đề án.
Thứ hai là xây dựng, nhân rộng các mô hình nằm trong phạm vi của Đề án, ví dụ như sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng các công nghệ để xử lý rơm rạ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Vấn đề thứ ba là đầu tư nguồn lực vào cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, nước, môi trường... Trọng tâm tiếp theo là xây dựng liên kết chuỗi giá trị giữa HTX và doanh nghiệp.
Vấn đề cuối cùng là nguồn vốn để hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp để bao tiêu cho các sản phẩm nằm trong vùng dự án.
Do đó, ông Nguyễn Ngọc Hè đánh giá hội thảo hôm nay là sự kiện rất đúng lúc, kịp thời và đúng trọng tâm các địa phương ĐBSCL đang quan tâm. Qua đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong muốn các đại biểu cùng đánh giá lại những gì đã làm được trong 1 năm qua và sẵn sàng cho việc triển khai đề án sau khi các chương trình được cụ thể hóa.