| Hotline: 0983.970.780

Những con nợ mang tên tập thể

Thứ Tư 11/12/2013 , 10:40 (GMT+7)

Tôi đã thấy, những trụ sở hoành tráng trát vữa xong xuôi rồi để đấy chưa có tiền sơn quét. Tôi đã thấy, những chủ thầu xây dựng mồm miệng méo xẹo vì không biết cách nào “gãi” nổi nợ, những mối nợ mang tên cả một tập thể, nghĩa là nợ chẳng của riêng ai.

Tôi đã thấy, những trụ sở hoành tráng trát vữa xong xuôi rồi để đấy chưa có tiền sơn quét. Tôi đã thấy, những chủ thầu xây dựng mồm miệng méo xẹo vì không biết cách nào “gãi” nổi nợ, những mối nợ mang tên cả một tập thể, nghĩa là nợ chẳng của riêng ai.

>> Chuẩn quốc gia là đây!
>> Những “phủ quan” xã thời nay

Nợ chồng nợ

Nông thôn mới, đi đâu bây giờ cũng nghe người ta nhắc đến cụm từ này với một tinh thần cực kỳ hào hứng. Hoàn thành 19 tiêu chí, bộ mặt làng quê sẽ thực sự thay đổi, đời sống nông thôn sẽ trở nên đáng ước mơ, chủ trương đó hoàn toàn đúng nhưng thực tế ở một số cơ sở khi xây dựng lại vấp phải nhiều khó khăn đến không ngờ.

Rất nhiều tiền của đã đổ xuống cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có những cái chưa thực sự cần thiết nhưng lại rất ít đầu tư cho thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống nông dân - cốt lõi của nông thôn mới.

Điều kỳ lạ là trụ sở ủy ban xã dù không nằm trong bất cứ mục nhỏ nào cấu thành nên 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng hầu hết các xã khi có cơ hội đều đập trụ sở cũ đi xây trụ sở mới, cái sau bao giờ cũng to hơn, xa xỉ hơn cái trước.

Việc xây trụ sở mới có thể diễn ra trước lúc địa phương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới hoặc tiến hành song song. Ào ào xây dựng cơ sở hạ tầng mà không biết “liệu cơm, gắp mắm” đã khiến cho nhiều địa phương như con cá bị mắc cạn trong chính tấm lưới mà mình tự giăng ra còn các chủ thầu chỉ thiếu điều trải chiếu, mắc màn ngủ ở UBND xã mà đòi nợ.


Thu nhập của người dân nông thôn còn rất thấp nhưng họ đang phải è cổ đóng góp nhiều khoản phí cho địa phương

Ông Cao Xuân Trung - Bí thư xã Việt Hùng (Trực Ninh, Nam Định) cho biết địa phương mình đã đạt 13 tiêu chí NTM. Để có được 13 tiêu chí đó cần khá nhiều tiền như xây dựng 21 phòng học tốn khoảng 7 tỉ, xây bãi rác tốn khoảng 2 tỉ, hỗ trợ các thôn xóm làm đường cỡ 1 tỉ…

Trước khi có chương trình nông thôn mới, Việt Hùng cũng kịp xây dựng luôn trụ sở UBND và hội trường xã hoành tráng với thời giá hồi đó vào khoảng 7 tỉ. Hiện, tất tật các khoản nợ của xã vào khoảng 3 tỉ và chỉ còn trông mong vào việc bán đất. “Dự tính sắp tới chúng tôi sẽ đấu giá một ít đất, trả được một phần nợ cũ nhưng đầu tư tiếp rồi lại nợ thôi. Những món nợ mang tính luân hồi”. Ông Trung khẳng định.

Sức dân căng như dây đàn

Trước đây Trực Thanh (Trực Ninh, Nam Định) vốn rất cẩn thận trong tài chính, hầu như không bao giờ để mắc nợ, đảng bộ của xã nhiều năm được đánh giá là trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch xã Phạm Văn Học bảo khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, từ cán bộ đến nhân dân đều đồng thuận, nhất trí rất cao bởi mục tiêu quá là tốt đẹp.

Đề án nông thôn mới của Trực Thanh lập ra với số vốn 191 tỉ, thời gian xây dựng 4 năm. Tính đến nay xã đã đạt 13 tiêu chí nhưng để bước tiếp thì thực sự đã cạn lực.

“Theo như trên tỷ lệ đóng góp trong xây dựng nông thôn mới nhân dân từ 10%, doanh nghiệp 30%, quỹ tín dụng 30%, xã 10%, tỉnh hỗ trợ 8-10 tỉ đồng/xã. Địa phương chúng tôi gần như không có doanh nghiệp nên không trông mong vào khoản 30% này. Còn đóng góp của dân, họ đã hiến đất trị giá trên 12 tỉ đồng cộng khối lượng 60.000m3 đào đắp nội đồng đã vượt trên 10% rồi, chưa kể những khoản đóng góp ở cấp thôn xóm nữa”, ông Học nói.

Tổng nợ của Trực Thanh hiện vào khoảng 6 tỉ đồng (vẫn chủ yếu do xây trụ sở và bãi rác). Dù trường học của Trực Thanh đã đạt chuẩn giai đoạn trước nhưng hiện tại số học sinh tăng lên nhanh khiến cho cơ sở hạ tầng không đáp ứng được lại phải đầu tư xây dựng tiếp. Mà đầu tư từ đâu? Tiền ở đâu mà ngày ngóng đêm trông vẫn chỉ là bóng chim, tăm cá?

Ông Chủ tịch xã thực thà bảo: “Trước khi xây dựng các công trình chúng tôi đã thỏa thuận rõ với các chủ thầu xây dựng rồi, tiền chỉ thế, có xây thì xây. Họ đã chấp nhận thì giờ chỉ có chờ vào việc bán đất để trả nợ thôi”.

Xã điểm nông thôn mới Trực Nội (Trực Ninh, Nam Định) được tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng nhưng khi tính toán bị trừ khấu luôn vào các công trình của chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư như trường học, trạm y tế, trụ sở... nên thực tế tiền mặt rót về chỉ được có mấy tỉ.

Tính đến nay Trực Nội đã đầu tư khoảng trên 80 tỉ đồng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong đó xã và người dân đóng góp cỡ trên 40 tỉ, nghĩa là đã vượt quá nhiều so với tỷ lệ phần trăm phân bổ. Mấy năm nay kinh tế suy thoái, nghề nghiệp ở nông thôn bất ổn, mùa màng làng nhàng nên sức dân có hạn, nếu huy động tiếp thì mọi thứ cứ gọi là căng như dây đàn. Xây dựng cơ sở hạ tầng cấp tập, hiện UBND xã Trực Nội đã lâm vào tình trạng nợ khoảng 6 tỉ đồng.

Khi tôi đến, một góc nhà trụ sở xã Trung Đông (Trực Ninh, Nam Định) có một nhúm người đang chụm lại, thì thào, chỉ trỏ vào một cái bảng dày đặc chữ. Đó là cảnh một buổi đấu giá đất giãn dân vào buổi chợ chiều của thị trường bất động sản, nơi số lượng người đăng ký đấu có khi còn thấp hơn cả người tổ chức.

Ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch cùng các đồng sự bận tíu tít cho cuộc đấu, chỉ còn Bí thư Đảng ủy Phạm Tuyên bớt chút rảnh rỗi để tiếp chuyện tôi. Ông cho hay bắt đầu từ năm 2011 xã nhà xây dựng nông thôn mới với hệ thống đường giao thông được cứng hóa, trạm y tế cỡ 3 tỉ đang xây dựng, hai trường mầm non và tiểu học cũng khởi công với kinh phí cỡ 8 tỉ… Rất nhiều hạng mục xây đắp trong một thời gian ngắn khiến tài chính không thể cân đối nên tổng nợ của xã hiện vào khoảng cỡ 6-7 tỉ.

Hỏi về chuyện để nợ nần dây dưa tới vài năm thì ông Bí thư phân bua: “Giữa "bê" (B - nhà thầu) và chúng tôi đều có mối quan hệ anh em. Toàn "bê" trong huyện cả nên họ thấu hiểu cảnh khó khăn của xã là vì tắc đất từ năm 2011, nhà nước không cho phép dùng đất hai lúa để bán. Bây giờ đã được bán đất rồi nên xã đang cho đấu trên 20 suất đấy”.

Ông Phạm Tuyên tâm tư tiếp: “Chuyện xây dựng nông thôn mới đúng là rất hay sẽ khiến cho bộ mặt nông thôn tốt hẳn lên tuy nhiên nông thôn mới thường chú ý đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Hạ tầng, cái đó cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải thúc đẩy sản xuất, phải thay đổi phương thức sản xuất.

Chúng tôi đã tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn ba vụ nay, mỗi vụ khoảng 120-130 ha mà không hề nhận được sự hỗ trợ gì cũng chẳng có doanh nghiệp nào bao tiêu. Sản phẩm làm ra vẫn tự sản, tự tiêu như cũ nên tâm lý người nông dân cũng không thiết tha gì với cánh đồng mẫu lớn”.

Đầu tư cho nông nghiệp, nhất là khâu giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thúc đẩy sản xuất, mới có thể nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống nông dân. Những thứ đó không thể cứ đổ tiền xuống mà thành mà cần một kế hoạch khoa học, cần một sự tâm huyết với nông thôn và nhất là không dễ dàng thấy được chúng như một cái trụ sở to, một cái trạm xá đẹp.

+ “Mức thu nhập của nhân dân trong xã chưa đều, còn nhiều hộ khó, hộ nghèo nên khi vận động đóng góp một số hộ dân trong tâm trạng nặng nề” (trích báo cáo của xã Nam Hồng, Nam Trực). 

Thế mà theo tìm hiểu của NNVN, ở một số nơi người dân ngoài hiến đất, hiến công còn đóng góp từ 200.000-300.000đồng/khẩu, cũng có nơi mức đóng góp lên tới 2-3 triệu đồng/khẩu.

+ Nhiều thôn, xã chỉ cần nâng cấp nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở... đã có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiết kiệm được một khoản lớn cho xây dựng cơ bản nhưng gần đây xã nào khi có dịp đều đập bỏ công trình cũ đi để xây mới một cách rất lãng phí.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm