| Hotline: 0983.970.780

Vụ phá rừng ở Vĩnh Thạnh có “chìm xuồng”?

Thứ Hai 09/07/2012 , 10:55 (GMT+7)

Đây là vụ phá rừng có tổ chức, gây thiệt hại nghiêm trọng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng đã gần 1 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.

Sau khi phát hiện vụ chặt phá rừng trái phép tại khu vực Hòn Chò, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 227, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh - Bình Định) với diện tích bị thiệt hại lên đến 15,3 ha, các cấp ngành chức năng đã đồng loạt vào cuộc và xác định đây là vụ phá rừng có tổ chức, gây thiệt hại nghiêm trọng, cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng đã gần 1 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.


Những diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá tại khu vực Hòn Chò

Ai là người cầm chịch?

Ngay sau khi nhận được tin báo của nhân dân địa phương, ngày 29/6/2011 UBND xã Vĩnh Quang thành lập đoàn kiểm tra khu vực Hòn Chò thuộc tiểu khu 227 nằm trên địa bàn xã Vĩnh Quang. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện ông Nguyễn Phê (SN 1965) ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú (Tây Sơn) cùng hàng chục người khác đang chặt phá rừng. “Lúc đoàn công tác đến thì họ chặt ráo riết 7-8 ngày rồi nên cánh rừng đã tan hoang. Kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy diện tích bị phá xâm hại đến rừng nghiêm trọng nên đã lập biên bản đình chỉ, báo cáo vụ việc lên các cấp ngành chức năng”, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, cho biết.

Sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh làm việc với những người trực tiếp phá rừng. Theo lời khai của ông Phê thì ông chỉ là người được thuê làm công dọn phát thực bì và trồng rừng với giá 7 triệu đồng/ha cho 4 hộ Nguyễn Văn Thanh ở thôn Đinh Xuân và Đặng Văn Lễ, Lê Văn Tấn, Đặng Văn Thanh ở thôn Định Quang (xã Vĩnh Quang). Tiếp tục làm việc với 4 hộ nói trên thì được biết vào tháng 4/2009, họ đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực Hòn Chò thuộc tiểu khu 227 với mục đích trồng rừng. Thế nhưng, khi kiểm tra thực địa đối chiếu với hồ sơ thì phát hiện ra địa điểm rừng bị phá nằm ngoài khu vực huyện cấp sổ. Tại buổi làm việc với ngành kiểm lâm, ông Đặng Văn Lễ, 1 trong 4 hộ vi phạm khai nhận: “Vào năm 2008, ông Nguyễn Thành Công, hiện đang công tác tại Công an huyện Vĩnh Thạnh đến nhà tui mượn sổ hộ khẩu, bảo là để làm thủ tục xin đất trồng rừng. Vì mối quan hệ bà con, tui cho mượn. Sau đó, ông Công đã làm gì với cái sổ đỏ đó tui không hề hay biết. Thật tình tui chưa bao giờ có ý định xin đất trồng rừng vì không có nhu cầu. Đến ngày 7/7/2011, UBND xã Vĩnh Quang mời tui đến làm việc thì ông Công mang giấy CNQSDĐ đến đưa và nhờ tui đứng ra nhận đất ấy là do tui đứng ra xin”.

Theo ông Bùi Tấn Thành, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh, xuất phát từ nhu cầu trồng rừng kinh tế, năm 2008, một số hộ dân ở xã Vĩnh Quang làm đơn gửi UBND huyện xin cấp đất lâm nghiệp để trồng rừng. Tháng 10/2008, UBND huyện Vĩnh Thạnh cấp giấy CNQSDĐ thời gian 50 năm cho các hộ gia đình gồm Trần Thị Phượng trú tại thôn Định Xuân; Nguyễn Văn Thanh, Đặng Văn Lễ, Lê Văn Tấn, Nguyễn Văn Bá, Đặng Văn Thanh trú ở thôn Định Quang, mỗi hộ được cấp 15 ha. Thế nhưng theo lời khai của ông Đặng Văn Lễ thì người đứng tên trong sổ đỏ không hề biết gì đến việc xin cấp đất. Vậy ai là người đứng sau chuyện xin cấp đất này để dẫn tới vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên?

Sai từ trên xuống dưới

Theo xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh thì việc giao đất cho 6 hộ dân nói trên là không đúng quy định của Nhà nước. Bởi trong 90 ha đất đã được cấp sổ đỏ cho 6 hộ nói trên, có đến 73,8 ha là đất có rừng, trong đó rừng IIa là 47,1 ha, rừng IIb là 26,7 ha; đất chưa có rừng 16,2 ha (trong đó rừng Ic là 11 ha, rừng Ib 5,2 ha). Đặc biệt, trong diện tích đất cấp sai có đến 34,6 ha rừng có chức năng phòng hộ. Rành mạch là thế, không hiểu “phù phép” kiểu gì mà ngành chức năng đưa cả rừng tự nhiên phòng hộ và đất có rừng tự nhiên SX vào đối tượng đất có thể cấp, tham mưu để cho UBND huyện Vĩnh Thạnh ra những quyết định giao đất sai toét loét.

Việc cấp đất đã sai là thế, khi tiến hành trồng rừng, những hộ được cấp đất lại phá luôn những cánh rừng nằm ngoài vị trí được cấp. Sau khi thanh tra huyện Vĩnh Thạnh đã vào cuộc, phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng TN-MT, Hạt Kiểm lâm và một số ngành chức năng khác tiến hành khảo sát thực tế. Qua kiểm tra, đã phát hiện thêm 1 cái sai nghiêm trọng nữa. Toàn bộ diện tích 15,3 ha rừng đã bị phá đều nằm ngoài khu vực của các “sổ đỏ” của 6 hộ dân được cấp. Trong đó, đất thuộc địa bàn xã Vĩnh Quang là 13 ha đất chưa có rừng (trạng thái rừng Ia, Ib và Ic) và 1,2 ha rừng IIa; đất thuộc địa phận quản lý của huyện Tây Sơn là 1,2 ha.

Lạ lùng hơn, những đối tượng “cầm đầu” vụ phá rừng này lại không phải là những hộ được cấp. Theo lời khai của 6 hộ được cấp đất tại UBND xã Vĩnh Quang thì họ không biết gì đến việc phát dọn thực bì xâm hại đến rừng, mà họ chỉ có “hư danh” trong giấy CNQSDĐ. Việc phá những diện tích rừng nói trên là do ông Nguyễn Thành Công (hiện đang công tác tại đội cảnh sát giao thông huyện Vĩnh Thạnh) và ông Trần Công Thọ hiện là giám đốc văn phòng đăng ký sử dụng đất (Phòng TN-MT huyện Vĩnh Thạnh) thuê nhân công thực hiện.

Theo kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn Bình Định, vụ tàn phá nói trên đã tiêu diệt 15,3 ha rừng, sản lượng gỗ bị thiệt hại tại các diện tích rừng bị phá là 12,5m3, gồm gỗ thân 10,6m3, gỗ cành ngọn 1,9m3. Sau đó, Hội đồng định giá tài sản huyện Vĩnh Thạnh đã định giá thiệt hại về lâm sản trên diện tích vi phạm 7.409m2 rừng trạng thái IIA là 37,631 triệu đồng.

“Căn cứ điểm b, khoản 7 Điều 3 Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2/9/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Kết quả giám định thiệt hại của Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn Bình Định thì vụ phá rừng tại khoảnh 3, tiểu khu 227 xã Vĩnh Quang là vi phạm có tổ chức, vượt khung xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Nguyễn Vinh Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh khẳng định.

Cuối năm 2011, 4 cơ quan hữu trách gồm: Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án huyện Vĩnh Thạnh có cuộc họp bàn biện pháp xử lý vụ phá rừng nói trên. Tại cuộc họp này, ngành kiểm lâm cho rằng vụ phá rừng đã vượt khung vi phạm hành chính, phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Viện Kiểm sát cũng đồng quan điểm, cho rằng vụ vi phạm nói trên có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, riêng ngành Công an và ngành Tòa án huyện này cho rằng vụ vi phạm nói trên do có sự “tiếp tay” của một số cơ quan có thẩm quyền trong việc giao đất trồng rừng, nên vi phạm của những đối tượng tổ chức phá rừng được giảm nhẹ (!?). Và không hiểu vì sao 2 cơ quan này lại cho vụ phá rừng nói trên không gây hậu quả lớn nên chỉ đề xuất xử phạt hành chính chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước tình hình trên, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã báo cáo UBND huyện xin chủ trương xử lý. Đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ phá rừng nói trên sang cơ quan công an huyện để điều tra, xử lý. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, đến thời điểm này vụ phá rừng vẫn chưa được xử lý. Dư luận nhân dân ở địa phương cho rằng do “dính” đến nhiều cán bộ nên vụ án này chắc đã “chìm xuồng”.

Ông Bùi Tấn Thành, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng thừa nhận: “Vụ chặt phá rừng tại khu vực Hòn Chò, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 227 xã Vĩnh Quang gây bức xúc trong dư luận địa phương. Thời gian qua, UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm những cán bộ liên đới trong việc tham mưu cấp đất sai. Đồng thời chuyển hồ sơ cho Công an huyện điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay Công an huyện vẫn chưa có kết luận điều tra chính thức để giải quyết vấn đề này. UBND huyện đã yêu cầu Công an huyện nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng phá rừng. Quan điểm chỉ đạo của huyện là xử lý nghiêm minh, không bao che đối với các đối tượng tham gia phá rừng”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Sống chung' với động đất ở tâm chấn Kon Plông

Kon Tum Tại Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó trước những diễn biến bất thường, đặc biệt là động đất.