Trong khi người tiêu dùng đang “tối mắt” trước hàng loạt thực phẩm ăn uống hàng ngày đều có sử dụng ít nhiều hóa chất, thì ngoài thị trường số lượng các chất phụ gia thực phẩm bằng hóa chất không những không giảm mà ngày càng nhiều, từ bình dân đến cao cấp!
>> Sẽ xử lý 23 đầu nậu lòng bò
>> Kinh dị bò khô giá... siêu rẻ!
Trong vai khách hàng là một chủ quán phở bò ở tỉnh Lâm Đồng xuống khu kinh doanh hóa chất chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) để mua hương liệu, chúng tôi đã được các chủ sạp hàng ở đây hướng dẫn tận tình cách chọn hóa chất tạo hương thơm trong các loại thực phẩm đồ uống, đồ ăn. Tại đây, mỗi gian hàng có diện tích khá chật hẹp bình quân khoảng 10m2, nhưng bày bán hàng chục, hàng trăm loại hóa chất công nghiệp, tẩy rửa chất chồng lên nhau có nguồn gốc hầu hết đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan…
Các loại hóa chất công nghiệp được dùng làm phụ gia thực phẩm đang
bán trên thị trường
Khi chúng tôi đặt vấn đề mua “hương bò” về nấu phở bò, chị Nga, sạp số 1 - tổ 19, đưa cho tôi 1 chai nhỏ được đóng gói trông bề ngoài giống như một chai thuốc đông y. “Ở tỉnh người ta lên đây mua nhiều lắm. Có người mua cả chục lít. Một lít bán sỉ 320 ngàn. Còn nếu mua lẻ từng chai nhỏ (định lượng 250 gr) là 90 ngàn. Em về nấu nước lèo (nước phở) bằng cách nấu nước sôi pha tí bột ngọt rồi đổ “hương” này vào là thành nước phở bò, thơm và ngọt ngậy mùi bò luôn!” - chị Nga quảng cáo.
Thấy tôi ngần ngừ, chị Nga đon đả giới thiệu thêm mặt hàng khác: “Nhà em bán phở bò mà có bán hủ tiếu thịt heo không? Nếu có, chị bán luôn “hương heo” cho, 1 chai nhỏ cũng với giá đó, nhưng nếu mua nhiều thì chị bớt. Nếu ở quê có heo bệnh, khi quay da không đẹp thì có bột tạo da heo quay vàng rộm luôn, giá 120 ngàn/gói 20 gr”. Ngoài hương bò, hương heo, còn có cả hương cá hồi, hương cá tầm. Đây là “đối tượng” khoái khẩu chỉ có các đại gia lắm tiền mới dùng trong các nhà hàng sang trọng, nhưng giá cả hai loại hương liệu trên lại tương đối rẻ, chỉ có 270 ngàn/chai 1 lít.
Về các phụ gia tổng hợp dùng chế biến nước giải khát “đểu” thì còn hỗn loạn hơn. Từ hương sữa béo, me, ca cao, lá dứa, dừa, sâm bí đao, cà phê chồn… với giá bán rất rẻ, 1 lít bình quân chỉ 110 ngàn. Gần đây, người tiêu dùng có xu hướng chuyển qua uống nước giải khát có nguồn gốc cây cỏ tự nhiên cho đỡ độc hại thì ở đây cũng xuất hiện các loại phụ gia có mùi “cây cỏ” như: hương liệu râu ngô (bắp), khổ qua, đậu sao cháy… với giá 150 ngàn/lít.
Theo ThS Trần Thị Thu Trà (Bộ môn Công nghệ thực phẩm - Trường ĐH Bách khoa TPHCM), hương liệu là hỗn hợp gồm 2 nhóm chất cầm mùi và chất đỉnh hương. Tính độc hại thường rơi vào chất cầm mùi. Nếu hương liệu trích từ nguyên liệu thật thì giá cực đắt, chẳng hạn như “hương cá hồi” chính hiệu thì giá phải chục triệu đồng/kg trở lên. Nhưng nếu hương liệu tổng hợp thì giá rẻ, giá nào càng rẻ thì hương liệu càng “đểu”, tức tính độc hại càng cao.
Ngoài ra, các loại phụ gia dùng để tẩy trắng, tẩm chống mốc thực phẩm khô cũng rất đa dạng. Chị Ly, chủ sạp số 3, chỉ cho chúng tôi thấy loại hóa chất chống nấm mốc được đóng thành bao gọi là natri benzoat giá 60 ngàn/kg, còn hóa chất dùng sao tẩm chống mốc thực phẩm khô thì có loại hạt hút ẩm được đóng 1.000 gói nhỏ với giá 55 ngàn, nhưng dùng để tẩy trắng từ cá, mực, thịt thối màu “đen, đỏ” sang trắng phau thì có loại hóa chất rất rẻ, giá chỉ có... 30 ngàn/lít!
Chai “hương bò” có mùi ngậy bò, không phải trích từ xương, thịt bò mà bằng hóa chất được pha vào nước lèo phở bò
“Trên thị trường phụ gia thực phẩm hiện quá nhiều, ngợp trời luôn (ướp, tẩm, làm khô bằng hóa chất), trong đó không ít có nguồn gốc không rõ ràng. Phụ gia tổng hợp là chất không dinh dưỡng dùng để cải thiện tính chất cảm quan, cấu trúc, mùi vị, cũng như bảo quản sản phẩm. Điều đáng nói là, tác hại của việc sử dụng nó qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy không phải ít. Bởi khi dùng quá liều quy định thì ngộ độc mãn tính, còn nếu sử dụng thường xuyên, liên tục một chất phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể sẽ gây tổn thương lâu dài, dẫn đến nguy cơ hình thành khối u, ung thư đột biến gen, quái thai…" (ThS Trần Thị Thu Trà). |
Chúng tôi tiếp tục khảo sát tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Ông Trường, đại diện BQL chợ cho biết, hiện nay các mặt hàng thực phẩm khô ăn liền như cá tẩm đường, khô bò, khô mực tẩm, cá cơm sấy, cá khô các loại, tôm khô, mực khô đang bán chạy nhất, giá thấp nhất vài chục ngàn đồng, cao nhất là chỉ trên một 100 ngàn đồng/kg.
Ông Trường thừa nhận hầu hết các sản phẩm ở đây đều được tẩm khô và màu bằng phụ gia nên nhìn ngoài trông rất bắt mắt. Vì vậy, các tiểu thương tha hồ “nổ” là những thực phẩm này càng để lâu càng ngon. “Hàng khô tại chợ hầu hết đều không có hạn sử dụng. Ngoài việc lấy hàng khô ở chợ đầu mối, tiểu thương còn kết hợp mua ngoài không rõ nguồn gốc với giá rẻ hơn để trà trộn kiếm lời thêm”, ông Trường cảnh báo.
Theo BS Trần Văn Ký (Hội KHKT An toàn thực phẩm VN), hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm khô hầu như không đáng kể. Hơn nữa, thực phẩm có thể không được phơi khô tự nhiên do trong quá trình chế biến, người ta đã sử dụng hóa chất phụ gia nên tăng nguy cơ sản phẩm bị nấm mốc. “Trong lĩnh vực phụ gia thực phẩm khô, tôi chưa thấy có bất cứ một công bố nào về hạt hút ẩm, nhiều gói hút ẩm được ghi bằng tiếng Tàu, tiếng Anh chứ không có hướng dẫn tiếng Việt. Hơn thế nữa, trong nhiều loại thực phẩm, một gói nhỏ hạt hút ẩm không đủ khả năng hút ẩm hết cả sản phẩm, tức là có nguy cơ nảy sinh nấm mốc” - BS Ký giải thích.
Tương tự, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên GĐ Trung tâm Ung bướu TPHCM cũng cảnh báo: “Tại TP.HCM mỗi năm ước tính có hơn 5.000 ca mắc ung thư mới với 80% do các bệnh nhiễm, chế độ ăn uống... Đặc biệt, muối gốc nitrat trong các loại thực phẩm muối mặn phơi khô khi kết hợp với các chất dịch trong dạ dày sẽ biến thành nitrosamine. Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) đã xếp nitrosamine là tác nhân gây ung thư nhóm 1. Ngoài ra, IARC cũng đã chứng minh, sử dụng thường xuyên những thực phẩm muối mặn, phơi khô, tẩm phụ gia hóa chất... là một trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư”.
TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CÁC CHỢ, CẢNG ĐẦU MỐI Sau khi báo NNVN đăng bài: “Truy tìm chất lạ làm tươi, “cứng” mực, cá” vào ngày 17/9, hôm qua (20/9) tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh này vừa có ý kiến chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan trong tỉnh như Sở NN-PTNT, Sở Y tế, Chi cục QLTT, Chi cục An toàn VSTP cần tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát các cảng, chợ cá đầu mối, đặc biệt cần có các biện pháp xử lý nghiêm nếu các tổ chức, cá nhân nào vi phạm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thủy hải sản tươi sống.