| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất mía: Phải tổ chức lại!

Thứ Sáu 02/11/2012 , 09:44 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu vụ sản xuất đường ở ĐBSCL là câu chuyện ép mía chạy lũ lại trở thành đề tài nóng. Để tránh tình trạng này, cần phải quy hoạch, tổ chức lại khâu sản xuất mía đường từ khâu giống, thời vụ sản xuất, đặc biệt là đầu tư hệ thống đê bao chống lũ.

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu vụ sản xuất đường ở ĐBSCL là câu chuyện ép mía chạy lũ lại trở thành đề tài nóng.

Nếu vào vụ ép sớm thì mía còn non, năng suất và chữ đường rất thấp, cả nông dân và nhà máy đều không có lãi. Ngược lại nếu vào vụ trễ, lũ lên nhà máy chạy không kịp, mía bị chết do ngập úng, nông dân bị thiệt. Để tránh tình trạng này, cần phải quy hoạch, tổ chức lại khâu sản xuất mía đường từ khâu giống, thời vụ sản xuất, đặc biệt là đầu tư hệ thống đê bao chống lũ.

Lũ lên, giá mía xuống

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL hiện nay, với gần 15.000 ha. Trong đó, có đến 2/3 diện tích mía của tỉnh này được trồng ở vùng trũng (chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy) nên năm nào người dân cũng phải thu hoạch mía chạy lũ. Cơn lũ lịch sử năm 2011 đã gây thiệt hại khá lớn cho người dân trồng mía tại đây.

Để tránh tình trạng này, ngay từ đầu vụ 2012-2013, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm giải pháp tiêu thụ mía chạy lũ cho người dân, đồng thời có chủ trương cho các nhà máy đường trong tỉnh vào vụ sớm hơn cùng kỳ năm trước một tháng (từ giữa tháng 8) nhằm giảm thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, kế hoạch kêu gọi các nhà máy thu mua mía chạy lũ năm nay không mấy khả quan, tiến độ thu mua rất chậm.

Nguyên nhân được ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đưa ra là do giá mía rất thấp, nhiều nông dân neo mía chờ giá chưa chịu thu hoạch. Trong khi đó, thương lái cũng ít đi thu mua hơn mọi năm. Nếu vào đầu vụ sản xuất, các thương lái mua mía tại ruộng với giá từ 900 - 1.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn từ 700 – 800 đ/kg. Mới đây, các nhà máy đường Sóc Trăng, Bến Tre, Tây Nam… đã ra thông báo cho biết giảm giá thu mua mía nguyên liệu tại Hậu Giang từ ngày 20/10 (các nhà máy này đang tiêu thụ mía chạy lũ cho Hậu Giang) thêm 40 đồng/kg, càng làm giá mía sụt giảm mạnh hơn.


Năm nào cũng vậy, cứ lũ lên là giá mía ở Hậu Giang lại sụt giảm

Ông Nguyễn Văn Quyết, ở xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp có 1,5 ha mía đã bị ngập nước hơn 10 ngày nay buồn rầu nói: “Từ đầu vụ đến nay chỉ thấy giá mía giảm chứ không thấy tăng. Tui đã kêu mấy mối (thương lái) đến coi mía nhưng họ chỉ trả 750 đồng/kg, thấp hơn cả giá thành sản xuất nên lỗ nặng. Năm nay tui trồng giống ROC 16, đây là giống mía chín sớm, nước ngập càng làm cho mía chín nhanh hơn. Vì vậy, mắc rẻ gì thì một vài ngày tới cũng phải bán chứ không để lâu hơn được nữa. Càng để lâu càng bị thiệt hại”.

Tại cuộc họp với các nhà máy đường mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã đề nghị xem xét nâng giá thu mua mía đảm bảo người dân có lãi, tối thiểu bằng với giá đã công bố đầu vụ (từ 850đ/kg trở lên). Tuy nhiên, đề nghị này không được các nhà máy đường chấp thuận. Lãnh đạo một số nhà máy cho rằng, thời gian qua giá đường trong nước liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg. Với giá này những nhà máy ở xa vùng nguyên liệu đang bị lỗ từ 500-1.000 đồng/kg đường. Ngoài ra, nhiều nhà máy đang bị tồn kho số lượng đường khá lớn do không tiêu thụ được nên gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, các nhà máy buộc phải giảm giá thu mua mía nguyên liệu xuống mới có thể duy trì sản xuất tiếp.

Cần giải pháp đồng bộ

Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) có 2 nhà máy (Vị Thanh và Phụng Hiệp) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và là đơn vị đầu tư lớn vào vùng mía nguyên liệu của tỉnh này. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, PTGĐ CASUCO cho biết, nhiều ngày qua 2 nhà máy của Cty đều phải hoạt động hết công suất (khoảng 6.500 tấn mía/ngày, đêm) nhằm tiêu thụ mía chạy lũ cho nông dân. Ngoài ra Cty vẫn giữ nguyên giá thu mua mía nguyên liệu là 1.020 đồng/kg (nhà máy Phụng Hiệp) và 1.045 đồng/kg (nhà máy Vị Thanh), đối với mía 10 chữ đường tại cầu cảng nhà máy nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, do áp lực mía chạy lũ lớn nên CASUCO không thể giải quyết hết nên rất cần các nhà máy lân cận chia sẻ tiếp.

Theo ông Ngoan, về lâu dài giải pháp để tránh phải thu hoạch mía chạy lũ là ngành nông nghiệp đầu tư làm hệ thống đê bao cho vùng mía nguyên liệu. CASUCO sẽ hỗ trợ người dân hệ thống máy bơm để rút nước ra. Đến nay, Cty đã chuyển giao cho dân được 6/15 máy theo kế hoạch của năm 2012. Với đê bao khép kín và hệ thống máy bơm hoàn chỉnh, không chỉ giúp nông dân chủ động trong việc thu hoạch mía mà còn chủ động cả trong khâu xuống giống (không phải chờ đến khi nước rút như mọi năm).

“ĐBSCL có 2 thời điểm xuống giống mía phù hợp là vụ đông xuân, trước khi mùa mưa dứt hoặc vụ hè thu khi mới vào đầu mùa mưa. Trồng mía phải tính tới việc lưu gốc (chu kỳ khai thác 4 năm) để giảm chi phí sản xuất và đảm bảo thời gian cây mía phát triển đủ 12 tháng mới thu hoạch. Về vụ ép mía nên bắt đầu từ khoảng 15/10 đến 15/4 năm sau là kết thúc, vì thời điểm này trời nắng nhiều, cây mía đạt chữ đường cao, cả nông dân và nhà máy đều có lợi”, Giám đốc Cty TNHH Kiên Dũng - ông Trần Đạt Duy.

“Còn đối với những vùng chưa được đầu tư đê bao, nông dân nên chọn các giống chín sớm như ROC 16, VN 4137… để trồng. Các giống này trồng khoảng 10-10,5 tháng là đạt 9 chữ đường, có thể thu hoạch sớm trước khi lũ về. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các giống chịu ngập úng để canh tác. Hiện có một số giống có thể chịu được ngập lên đến 45 ngày, để hạn chế thiệt hại khi lũ đổ về”, ông Ngoan đề xuất.

Ông Trần Đạt Duy, Giám đốc Cty TNHH Kiên Dũng, đơn vị đang trồng hàng trăm ha mía ngay giữa vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên (xã Bình Giang, Hòn Đất, Kiên Giang) cho rằng, quy hoạch hiện nay chưa phù hợp với ngành nông nghiệp mía đường, do đó thiệt hại là khó tránh khỏi. ĐBSCL là vũng trũng, nông dân lại sản xuất nhỏ lẻ nếu họ tự làm đê bao hoặc lên liếp cao thì hết quỹ đất.

Vì vậy, trước hết phải quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn để làm đê bao chung, có hệ thống máy bơm để chủ động về mùa vụ. Các nhà máy đường cần trao đổi với nông dân về lịch xuống giống nhằm rải vụ, tránh việc xuống giống đồng loạt sẽ tạo thành sức ép lớn cho nhà máy khi thu hoạch. Tiếp đến là tổ chức lại khâu sản xuất, tạo sự gắn kết giữa người trồng mía, nhà máy đường và thương lái, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích chung của các bên.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.