| Hotline: 0983.970.780

Phát triển giống bò thịt chất lượng cao

Thứ Năm 14/11/2024 , 13:52 (GMT+7)

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm tăng quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế của chăn nuôi bò thịt trong những năm tới...

Các giống bò đang được nuôi tại Việt Nam

Theo Cục Chăn nuôi, nước ta có ba giống bò bản địa chủ yếu là bò vàng, bò U đầu rìu, bò H’Mông. Hiện tại, các giống này đang bị lai tạp, còn rất ít dạng thuần chủng. Do các giống bò bản địa của Việt Nam có tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ và năng suất sữa thấp nên nhằm cải tạo tầm vóc đàn bò địa phương, đồng thời giữ lại nguồn gen quý từ các giống này, nước ta đã thực hiện chương trình Zebu hóa đàn bò cái nền địa phương trong phạm vi cả nước.

Hiện nay, đa số cái nền địa phương dùng để lai tạo với các giống nhập nội là cái nền đã được Zebu hóa chiếm trên 60%. Đối với bò thịt lai, để nâng cao khả năng sản xuất thịt của bò, trong những năm gần đây nước ta đã nhập một số giống của nước ngoài như Brahman, Charolaise, Red Angus, Senepol, Droughmasster, Limousine, Charolais, BlancBlueBelge (BBB) dưới 2 hình thức: bò sống hoặc tinh đông lạnh... Sử dụng các giống bò nhập ngoại để phối giống với đàn bò lai Sind trong nước.

Tiếp theo sự thành công của Chương trình Sind hóa cải tạo giống bò vàng Việt Nam, những năm gần đây đã xác định được các tổ hợp lai hướng thịt giữa bò địa phương, bò lai Sind với các giống bò thịt cao sản như Brahman, Drought Master, BBB..., tạo ra con lai có khả năng sinh trưởng nhanh với tỷ lệ thịt xẻ cao hơn 30% so với bò địa phương, bò vỗ béo có thể tăng trọng 800-1.000 g/con/ngày mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tạo lai tạo với nguồn gen của một số giống bò chất lượng cao như Wagyu, Senepol... đang được các địa phương áp dụng ngày càng nhiều, góp phần tăng tỷ lệ bò lai từ 57,27% năm 2016 lên trên 60% năm 2023.

Ước tính, khoảng 35% tinh bò được sử dụng trong nước do Việt Nam sản xuất, còn lại khoảng 65% tinh bò nhập khẩu (bao gồm các giống bò thịt chất lượng cao: BBB, Senepol, Drought Master, Angus, Charolaise, Limousine, Wagyu... và bò sữa cao sản).

Hiện nay, công nghệ nhân giống bò thịt bằng thụ tinh nhân tạo đang được áp dụng rộng rãi trong cả nước. Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, tỷ lệ đàn bò cái được thụ tinh nhân tạo chiếm khoảng 40% trong tổng đàn bò.

Phát triển giống bò thịt chất lượng cao sẽ giúp tăng quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế của chăn nuôi bò thịt trong những năm tới.

Phát triển giống bò thịt chất lượng cao sẽ giúp tăng quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế của chăn nuôi bò thịt trong những năm tới.

Quản lý và phát triển giống chất lượng cao

Hiện Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều thông tư, 18 tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý giống bò, đã hoàn thiện nhiều quy trình quản lý giống, nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng giống. Cập nhật bổ sung, xử lý số liệu bò thịt giống, con bò sữa ở các cơ sở chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao. Hoàn thành phần mềm quản lý giống bò thịt, giống bò sữa. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về quản lý giống vật nuôi cho 63 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Theo Cục Chăn nuôi, Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 (tại Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020) đã góp phần xây dựng hệ thống trong đó có giống bò thịt. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 của ngành chăn nuôi, trong đó có “Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030” với nhiều dự án thành phần bao gồm phát triển hệ thống giống bò thịt.

Ngoài ra, tại địa phương, hầu hết các tỉnh/thành phố đã tổ chức triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất và dịch vụ giống vật nuôi. Có 75% số tỉnh đã ban hành quy định quản lý giống vật nuôi trên địa bàn; một số tỉnh đã xây dựng Trung tâm kiểm định chất lượng giống vật nuôi. Nhiều cơ sở chăn nuôi bò thịt đã áp dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý giống.

Trong thời gian tới, theo Cục Chăn nuôi, cần tiếp tục quản lý hệ thống giống của gia súc nhai lại: định dạng cá thể bằng gắn số tai, gắn chíp điện tử, vào sổ giống và xử lý các tính trạng năng suất của giống. Thống nhất hệ thống quản lý giống trâu, bò sữa, bò thịt ở các cơ sở nhân giống trên phạm vi cả nước gắn liền với hệ thống thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi. Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ: Các cơ sở sản xuất giống phải đáp ứng đủ điều kiện đăng ký sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn.

Theo Cục Chăn nuôi, về giải pháp kỹ thuật, cần đẩy mạnh cải tạo đàn bò địa phương để tạo bò lai có tỷ lệ máu ngoại trên 50%. Nhập bò đực giống cao sản để sản xuất tinh bò thịt đông lạnh trong nước, nhập khẩu một số tinh, phôi bò thịt phục vụ cho lai tạo và nhân thuần giống bò thịt. Xây dựng hệ thống quản lý giống bò thịt thống nhất trên phạm vi cả nước. Xây dựng công thức lai (với các giống bò chất lượng cao như Waguy; Senepol; H’Mong...), xây dựng quy trình chăn nuôi nhằm tạo dòng sản phẩm thịt bò có chất lượng cao. Khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống bò bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế).

Xem thêm
Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Trồng 6ha 'cây ăn quả nhà giàu', lãi 2 tỷ đồng mỗi năm

HÒA BÌNH Cam Canh và cam Vinh là cây trồng khó tính, được ví như 'cây nhà giàu', song nhờ tuân thủ quy trình canh tác chặt chẽ nên anh Cường vẫn lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.