Doanh nghiệp mía đường kêu tồn kho. Doanh nghiệp tiêu thụ đường xin nhập khẩu. Thị trường tự do tràn ngập đường nhập lậu. Thực trạng ngành sản xuất mía đường đang rối như canh hẹ. Chính phủ cần làm gì để giúp các nhà máy đường thoát khỏi khó khăn hiện nay, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN vấn đề này. Ông Nguyễn Thành Long
Các nhà máy đường đang kêu không bán được hàng vì phải cạnh tranh với đường lậu, vậy hiện nay đường lậu đã chiếm khoảng bao nhiêu thị phần đường trong nước?
Hàng năm, lượng đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới Campuchia khoảng 500 ngàn tấn. Trong khi đó tổng công suất đường của nước ta tính tới năm 2013 đạt 1,5 triệu tấn, căn cứ vào đó có thể tính ra thị phần đường nhập lậu là không nhỏ. Tuy nhiên, do không có nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn nên đường lậu không thể đưa vào các nhà máy bánh kẹo và các đơn vị tiêu thụ đường với số lượng lớn mà chỉ được bán chủ yếu ở thị trường tiêu dùng tự do. Theo tôi, ở thị trường này đường lậu đã chiếm khoảng trên 50% thị phần.
Đường còn tồn nhiều trong kho tại các nhà máy nhưng chính các công ty tiêu thụ đường lại phản ánh là không mua được đường nên xin quota nhập khẩu?
Các nhà máy sản xuất bánh kẹo, công ty tiêu thụ đường đều nhìn vào “miếng bánh” 70.000 tấn đường được phép nhập khẩu nên họ không bao giờ muốn sử dụng toàn bộ nguyên liệu đường trong nước. Nếu công ty nào xin được quota nhập khẩu đường thì sẽ giảm chi phí đầu vào đi khá nhiều. Vì thế, lý do không mua được đường chỉ là cách nói để họ xin quota mà thôi.
Nhưng nhập khẩu đường có hạn ngạch, liệu có khả năng các nhà máy đường cố tình găm giữ, o bế sản phẩm để nâng giá không, thưa ông?
Cả nước có hàng chục nhà máy đường, nếu doanh nghiệp không mua được đường ở nhà máy này thì đi mua ở nhà máy khác. Làm gì có chuyện độc quyền thị trường đường. Để làm rõ vấn đề này không khó, Chính phủ chỉ cần có chính sách điều tiết lại lợi nhuận của các đơn vị được nhập khẩu đường, chuyển khoản chênh lệch vào ngân sách nhà nước thì đảm bảo các doanh nghiệp sẽ chẳng quan tâm đến việc xin quota nhập khẩu nữa mà quay trở lại mua đường trong nước ngay.
Có nghĩa doanh nghiệp xin nhập khẩu đường vì muốn tiếp cận nguyên liệu rẻ, còn hàng tồn kho thì do bị đường nhập lậu cạnh tranh?
Đúng vậy.
Để chống sự cạnh tranh của đường lậu, các nhà máy đường trong nước đã có những giải pháp như thế nào?
Việc này phụ thuộc vào các cơ quan chức năng như Hải quan, QLTT, Công an… Tôi nghĩ Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa thì mới có thể ngăn chặn.
Trong khi chờ đợi sự can thiệp của các ngành chức năng, chắc các nhà máy đường cần mở rộng thị trường xuất khẩu để giải phóng hàng tồn và tự cứu mình?
Trước chúng ta có thể xuất sang TQ theo đường tiểu ngạch. Nhưng gần đây, nước họ cấm biên nên không thể làm vậy.
Đối với thị trường khác thì sao, hạn ngạch xuất khẩu có gây trở ngại cho ngành đường không, thưa ông?
Hạn ngạch xuất khẩu không đáng ngại, nếu có đơn hàng thì xin được thôi nhưng vấn đề ở chỗ xuất khẩu chính ngạch tới bất cứ nước nào chúng ta cũng đều không thể cạnh tranh được với Thái Lan và Ấn Độ.
Cạnh tranh là quy luật của thị trường, các nhà máy đường trong nước chỉ có thể tự sức vươn lên, không thể trông chờ vào Chính phủ?
Đúng là tự thân các nhà máy đường phải nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh nhưng việc này cần có lộ trình và cần có vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ. Ngành đường nước ngoài có lợi thế về nguyên liệu, về tổ chức sản xuất. Họ có những giống mía chữ đường cao, nông dân canh tác trên cánh đồng rộng lớn nên giá nguyên liệu đầu vào rẻ. Còn ở nước ta chưa có nhiều nghiên cứu, ứng dụng khoa học cho cây mía, chữ đường thấp, nông dân canh tác trên những thửa ruộng manh mún chỉ chừng 0,5 ha nên giá nguyên liệu cao gấp đôi họ. Doanh nghiệp không đủ sức để giải quyết những vấn đề này. Đề nghị Chính phủ kiên quyết chống hàng lậu của các nhà máy đường là chính đáng, phù hợp pháp luật. Doanh nghiệp sản xuất đường chỉ cần hỗ trợ về chính sách, chứ không xin tiền Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!