| Hotline: 0983.970.780

Mía trổ cờ, nông dân lỗ nặng

Thứ Tư 26/12/2012 , 10:13 (GMT+7)

Nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đang mất ăn, mất ngủ vì mía đã đến ngày thu hoạch nhưng không tìm được thương lái thu mua dẫn đến trổ cờ.

Nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đang mất ăn, mất ngủ vì mía đã đến ngày thu hoạch nhưng không tìm được thương lái thu mua dẫn đến trổ cờ. Mía bị trổ cờ làm giảm năng suất do cây bị khô đọt, bọng ruột, chữ đường cũng giảm theo nên giá bán rất thấp khiến nông dân bị thua lỗ nặng.

Mía trắng đồng

Cả tháng nay, gia đình ông Tám Hải (Nguyễn Văn Hải), ở ấp Minh Tân, xã Minh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Giang ăn ngủ không yên vì 3ha mía đến thời kỳ thu hoạch nhưng giá quá thấp và khó bán. Và càng sốt ruột hơn khi phần lớn diện tích mía đã trổ cờ trắng đồng. Ông Hải buồn rầu nói: “Thấy giá mía thấp quá nên gia đình tui quyết định neo lại chờ giá nhóng lên chút ít cho khỏi lỗ. Không ngờ càng neo lại càng khốn đốn, giá thấp mà không tìm ra người thu mua. Giờ mía bị trổ cờ làm thiệt hại khoảng 10-15% năng suất, đã lỗ lại càng lỗ hơn”.

Với 3ha mía trồng giống ROC 16, năm nay ông Hải thu hoạch được hơn 120 tấn, do mía bị trổ cờ nên thương lái chỉ mua giá 860 đồng/kg. Ông Hải nhẩm tính, với giá này thì người trồng mía phải thuê như ông lỗ thấu xương. Vì mỗi tấn mía tiền công đốn và vận chuyển ra ghe hết 170 ngàn đồng, cộng tiền giống, công trồng, phân bón và công chăm sóc cả năm trời nữa là trắng tay. Tiền thuê 3 ha đất mỗi năm hết 24 triệu đồng chưa biết đào đâu ra để trả cho chủ.

Tương tự, nhiều hộ nông dân trồng mía ở TP Vị Thanh, Hậu Giang cũng đang rầu thúi ruột vì mía cứ đua nhau trổ cờ. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Hỏa Lựu, trồng 15 công mía, nhiều ngày qua cứ như ngồi đống lửa. Đến thời điểm này gia đình ông Tâm mới bán được 5 công mía với giá 800 đồng/kg (giống ROC 18), diện tích còn lại dù đã chạy khắp nơi tìm thương lái, gọi điện cầu cứu mối quen nhưng ai cũng hẹn lần hẹn lữa mà chẳng thấy tới mua. Không chỉ mía trổ cờ gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mà tình trạng này kéo dài còn làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ xuống giống vụ mía mới của bà con. Ông Tâm than: “Năm ngoái thời điểm này nông dân ở đây đã trồng xong vụ mía mới. Thế nhưng năm nay tiến độ thu hoạch rất ì ạch, hộ nào may mắn thì bán được vài công, còn lại không biết cầu cứu ai. Cây mía quá lứa càng để lâu càng thiệt hại, nguy cơ nông dân trồng mía vụ này bị trắng tay đã quá rõ”.


Mía trổ cờ trắng đồng, nông dân trắng tay

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến giữa tháng 12, toàn tỉnh đã thu hoạch được 12.871/14.282 ha mía, diện tích còn lại tập trung chủ yếu ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Năm nay do giá đường thấp, nhà máy hoạt động không hiệu quả nên tiến độ thu hoạch mía chậm. Một số giống mía chín sớm như ROC 16 hiện đã quá lứa, dẫn đến trổ cờ, làm giảm năng suất, bán bị mất giá.

Nông dân bỏ mía

Việc các rẫy mía đua nhau trổ cờ một phần do nguyên nhân thời tiết năm nay nhuận, tuy nhiên cái chính là do các nhà máy hoạt động cầm chừng làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho biết: “Dù lúc này đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu đường làm bánh, mứt, nước ngọt… rất lớn nhưng giá đường vẫn rất thấp, hiện chỉ còn 14.200 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ gần 5.000 đồng/kg. Với mức giá này mỗi kg đường sản xuất ra nhà máy bị lỗ khoảng 500 đồng. CASUCO có hai nhà máy, nếu chạy hết công suất mỗi ngày sản xuất ra hơn 550 tấn đường, tiền lỗ lên đến vài trăm triệu”. Theo ông Ngoan, hiện CASUCO đang cố gắng hoạt động để tiêu thụ hết vùng mía nguyên liệu của tỉnh Hậu Giang và phần đầu tư ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), để tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Vì đến thời điểm này hầu như giống mía nào cũng đã trổ cờ, càng để lâu nông dân càng bị thiệt hại.

Theo các chuyên gia thì ngành đường Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa. Vì tổng sản lượng đường cả nước niên vụ 2012-2013 dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 triệu tấn; cộng với lượng đường nhập khẩu theo cam kết WTO là 70.000 tấn và đường tồn kho từ vụ trước khoảng 178.000 tấn thì tổng sản lượng đường lên tới 1,74 triệu tấn. So với nhu cầu tiêu thụ trong nước thì lượng đường thừa là hơn 400.000 tấn, đó là chưa kể lượng đường nhập lậu khá lớn qua biên giới Tây nam.

Do đó, dự báo năm 2013 cả nông dân và nhà máy đường sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Thực tế đã có nhiều nông dân quay lưng với cây mía để chuyển sang các cây trồng khác. Ông Lê Văn Đời cho biết, nhiều khả năng diện tích mía vụ tới của Hậu Giang sẽ giảm do có một số hộ bỏ mía chuyển sang trồng màu hoặc lúa. Phần lớn những hộ này có diện tích đất ít hoặc trồng mía năng suất thấp nên không có lợi nhuận.

Ông Trần Đạt Duy, Giám đốc Cty TNHH Hải Vân, đơn vị đang trồng hàng trăm ha mía ở vùng Tứ giác Long Xuyên nhận định: “Ngành đường đang trong chu kỳ suy thoái. Giá mía xuống thấp và khó tiêu thụ do nhà máy hạn chế thu mua. Người trồng mía không có lãi thì chuyện nông dân bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác là điều tất nhiên. Do đó, chắc chắn niên vụ tới diện tích mía của các tỉnh sẽ bị sụt giảm, nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu chế biến. Nếu không có sự can thiệp hữu hiệu của các cơ quan chức năng, đặc biệt là ở khâu tiêu thụ thì ngành đường Việt Nam sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn, hết thiếu nguyên liệu lại thừa đường”.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 10 tháng tăng cả về khối lượng và giá trị

Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.