| Hotline: 0983.970.780

Giải cứu thị trường bất động sản: Không thể nóng vội

Thứ Sáu 25/01/2013 , 10:48 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng cho rằng, nhiều số liệu của thị trường BĐS chưa phản ánh hết thực tế. Và, muốn cứu thị trường này thì không thể nóng vội được.

Điều trần trước UB Kinh tế của Quốc hội sáng qua (24/1), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng cho rằng, nhiều số liệu của thị trường bất động sản (BĐS) chưa phản ánh hết thực tế. Và, muốn cứu thị trường này thì không thể nóng vội được.

“Cầu BĐS còn rất lớn”

Theo người đứng đầu ngành xây dựng, hiện TP Hồ Chí Minh đang tồn kho hơn 42 nghìn căn hộ; hơn 98 nghìn m2 văn phòng cho thuê, 1,9 triệu m2 sàn. Dư nợ cho vay BĐS hơn 85 nghìn tỷ. Tại Hà Nội, hơn 550 nghìn m2 sàn chung cư đang tồn kho, 3,5 nghìn căn biệt thự đang bỏ hoang, 175 nghìn m2 sàn cho thuê đang ế khách. Trên toàn quốc, tổng dư nợ BĐS lên tới 208 nghìn tỷ đồng với nợ xấu chiếm 6,5%.

Đánh giá về tình trạng “đóng băng” tại TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS lớn nhất nước, Bộ trưởng Dũng cho biết tình trạng đóng băng đã bắt đầu từ 2008, đến nay đã 5 năm. Dư nợ vay BĐS ở đầu cầu kinh tế lớn nhất cả nước cũng lớn hơn, dù thống kê chưa đầy đủ.

Tình trạng giảm giá ở khu vực đất nền, Bộ trưởng Bộ Xây dựng “khẳng định chắc chắn”: Ít nhất 5%, cao nhất 50%. Trong khi đó, giá chung cư giảm bình quân 15 đến 30%. “Riêng tại TP Hồ Chí Minh, giá đã hạ rất sâu, có dự án đã thủng đáy do DN không chịu nổi lãi suất ngân hàng”, ông Dũng cho hay.

Nhưng mức độ giảm này, theo ông Dũng đánh giá là “chưa phù hợp với khả năng thanh toán”. Thậm chí, Bộ trưởng Dũng nói: “Người có khả năng vẫn cho rằng (giá đó) vẫn cao, nhà đầu tư vẫn còn lãi nhiều. Giảm giá có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khả năng của DN. Anh nào chiếm dụng được ít thì phải hạ giá nhiều”.

Theo ông Dũng, nguyên do của tình trạng đóng băng BĐS là do tổng cung các dự án so với nhu cầu là “quá thừa”. Tuy nhiên, những sản phẩm cho người thu nhập thấp, trung bình, mà đại đa số người dân đang cần thì vẫn thiếu. Con số phản ánh nhu cầu được Bộ trưởng Dũng tính toán như sau: Dân số đô thị hiện khoảng 28,8 triệu người. Dự kiến tăng 1 triệu mỗi năm. Đến 2020 sẽ có 38 triệu dân đô thị. Nếu 10% số đó cần nhà chúng ta đã cần 1 triệu căn. Bộ trưởng nói đầy lạc quan “Cầu còn rất lớn, miễn phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và với sự hỗ trợ của ngân hàng”.

Đẩy trách nhiệm cho địa phương

ĐB Nguyễn Thị Khá, Ủy viên UB các vấn đề xã hội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hậu quả “bong bóng” BĐS hiện nay là vì thị trường phát triển thiếu minh mạch. “Để xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng ở đâu?”, bà Khá truy.

Thừa nhận trách nhiệm chính thuộc về ngành xây dựng, nhưng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, các địa phương phải chịu một phần trách nhiệm khi thống kê cho thấy hơn 3 nghìn dự án BĐS hiện nay hầu hết do các địa phương tự quyết định. Chỉ 34/3.000 (quy mô trên 200 ha) dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

Còn ĐB Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, việc “giải cứu” BĐS là cần thiết trong thời điểm này. Tuy nhiên, ĐB quan ngại việc triển khai có được như mong muốn, các số liệu làm cơ sở xây dựng chính sách có đủ sức tin cậy, năng lượng tạo ra có đủ sức đánh tan “cục máu đông” này?

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Dũng thừa nhận việc “giải cứu” thị trường là cần thiết lúc này nhưng rất khó. Cố gắng của Bộ Xây dựng, trước hết tập trung vào việc giải quyết tồn kho, sẽ từng bước gỡ khó cho thị trường nhưng “không thể nóng vội được”.

ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên UB Tư pháp của Quốc hội, đánh giá, giải pháp tháo gỡ tồn kho của thị trường BĐS hiện mới chỉ là liều thuốc đông y. “Thuốc ngấm từ từ, chầm chậm, kéo dài, trong khi đó cơ thể lại đang ốm yếu thì hiệu quả không cao”, ông Đương nói. Một số giải pháp được ông Đương đánh giá là liều thuốc tây y như chia nhỏ căn hộ, phát triển nhà ở xã hội… nhưng mới chỉ đáp ứng được một phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, không đủ sức để giải cứu thị trường BĐS.

Việc tháo gỡ về lâu dài, theo ông Dũng, nguyên tắc cao nhất là cân đối cung cầu. Điểm mới trong kế hoạch giải cứu là gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Chiến lược này phân rõ 2 nhóm thị trường cần điều chỉnh là nhà ở thương mại sẽ để thị trường điều tiết và nhà ở xã hội (nhà ở phi hàng hóa) cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bộ cũng nêu rõ 8 nhóm đối tượng cần được hỗ trợ, vì mục tiêu ai cũng có nhà ở để điều chỉnh thị trường dựa trên nhu cầu có thực của xã hội, không để thị trường phát triển theo hướng “tùy hứng”.

Tại phiên điều trần, nhiều ĐB lo ngại việc các DN kinh doanh BĐS đang cố tình neo giá BĐS để chờ gói “giải cứu” từ Chính phủ. Và, số tiền bơm vào thị trường thực chất có cứu được thị trường, hay lại rơi vào túi của một bộ phận lợi ích nhóm?

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Dũng cho hay, nếu tập trung BĐS vào phân khúc nhà ở xã hội, việc quản lý hoạt động này dễ hơn vì cơ quan quản lý chủ động xây dựng được tiêu chí của người mua nhà. Bộ trưởng thông tin thêm, Nghị định về nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ và sẽ ban hành trong thời gian gần. Việc kiểm soát đầu cơ với các dự án nhà thương mại sẽ được tăng cường, nhắm vào các sàn giao dịch những quy trình vay của nhà đầu tư đối với việc mua lại nhà.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.