| Hotline: 0983.970.780

Nên cụ thể việc chuyển đổi

Thứ Tư 07/08/2013 , 10:30 (GMT+7)

Lâu nay dân mình thích dùng từ chuyển đổi và từ cơ cấu lại. Nói thế có vẻ nhẹ nhàng hơn, ít trách nhiệm hơn. Theo chúng tôi, ta cứ dũng cảm nhìn thẳng vào các vấn đề: Làm sai thì phải làm lại. Cơ cấu sai thì phải sắp xếp lại. Tính toán sai thì phải xem xét lại cho rõ ràng.

Từ sự kiện bác nông dân Huỳnh Văn Sơn viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, báo chí càng rộ lên vấn đề chuyển đổi đất trồng lúa.

Nhiều vị lãnh đạo ngành Nông nghiệp đã có ý kiến. Tôi theo dõi kỹ vấn đề này. Rõ ràng, từ trên xuống dưới đang có phần lúng túng.

Đây là hệ quả của việc thiếu lắng nghe và bảo thủ trong một thời gian dài. Bà con nông dân cần “miếng” chứ đâu có cần “tiếng”! Ta cứ ngây ngất với danh hiệu “xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới” để rồi cuộc sống của nông dân cứ tụt dần. Đến nay, nhiều nơi khốn khổ. Chắc Quốc hội phải bàn tới vấn đề này…

Theo tôi, lúc này chúng ta bớt đi những lời trách móc, chê bai mà hãy tập trung vào việc đề xuất các biện pháp hay, các cách thức tốt để giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nhưng điều đầu tiên phải nói là: Không được coi thường cây lúa. Lúa là cây lương thực chủ yếu của chúng ta. An toàn lương thực là vấn đề sống còn của đất nước. Vì vậy, chúng ta chỉ nên bàn tới việc chuyển đổi cây trồng trên những diện tích trồng lúa không đạt hiệu quả cao hoặc những diện tích sản xuất lúa để xuất khẩu mà lại bị lỗ.

Hiện tượng bỏ trồng lúa tràn lan như hiện nay không hẳn đã là lỗi của cây lúa. Có thể do giống, do kỹ thuật canh tác, do trách nhiệm của người sản xuất, do yếu kém trong khâu hợp đồng và chỉ đạo, ...


Chuyển đổi đất lúa như thế nào cho hiệu quả là việc cần tính toán

Vì vậy, không phải chuyện chuyển đổi là cách làm duy nhất. Nâng cao năng suất và chất lượng của cây lúa vẫn là vấn đề rất quan trọng. Những vùng trọng điểm, có điều kiện thâm canh cho cây lúa thì nên tập trung vào vấn đề này. Còn những nơi xác định là sẽ phải chuyển đổi cần thực hiện từng bước chắc chắn và phải có lộ trình lâu dài.

Tuy nhiên, chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi sang cây gì, con gì thì hiện nay chúng ta vẫn còn… ú ớ lắm! Người ta cứ nói theo nhau, nói cho xong việc như: “Chuyển đổi sang trồng ngô, trồng đậu”. Ngô, đậu là những đối tượng rất nên phát triển. Nhưng nơi nào nên trồng, trồng giống nào, kỹ thuật ra sao, bảo quản thế nào là việc mà người chỉ đạo phải lo trước một bước. Đừng để bà con ùa vào rồi lại… khóc dở, mếu dở!

Thực tế hiện nay, người ta nhập ngô, nhập đậu tương từ nước ngoài về lại có giá rẻ hơn mua ở Việt Nam mà chất lượng cũng tốt. Vậy dùng kỹ thuật nào, chính sách nào để áp dụng vào đây? Đó là việc của Bộ, Chính phủ…

Với góc nhìn của chúng tôi, ngoài ngô và đậu ra, ta còn rất nhiều đối tượng khác nên mau chóng nghiên cứu để đưa vào sản xuất. Lợi thế của đất nước chúng ta là có tiềm năng sinh học rất lớn. Phát huy tiềm năng sinh học là phát huy thế mạnh của đất nước. Do đó, cần có một diễn đàn rộng lớn để mọi người đều có thể đóng góp ý kiến của mình cho nền nông nghiệp nước nhà.

Không nên cẩu thả, không nên coi thường ý kiến từ các nơi khác. Ta nên có cách nhìn năng động hơn và thực tiễn hơn. Các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, ngoài ngành nông nghiệp và cả các nông dân sản xuất giỏi đều có thể đóng góp những ý kiến hay cho chúng ta.

Cứ nhìn sang Thái Lan, ta thấy có nhiều cách làm khác ta. Họ cởi mở hơn, thoải mái hơn và hiệu quả hơn. Gạo của họ ngon hơn gạo của ta. Hoa quả của họ bán dễ hơn hoa quả của ta. Công nghệ chế biến nông sản của họ hay hơn ta. Thế nhưng nông dân của họ không vất vả như nông dân ta.

Tôi cứ ấm ức trong lòng: Quả me của Thái Lan làm sao ngon được bằng quả sấu và quả trám của ta. Thế nhưng người Thái Lan đã chế biến quả me ra hàng loạt sản phẩm được cả thế giới ưa chuộng. Tôi sang Pháp, sang Mỹ, sang Úc, sang Nga… đều được ăn những sản phẩm từ me của Thái Lan. Sao ta mãi không chế biến được thứ gì như họ?

Tôi nghe nói Bộ NN-PTNT đã tiến hành đề tài tạo giống cam không hạt từ vài chục năm nay. Chắc là đề tài đã kết thúc và được nghiệm thu (có lẽ cũng được xếp vào loại xuất sắc). Tuy nhiên khi ra chợ, thấy khó tìm được một quả cam không hạt của Việt Nam. Vậy, nông dân được hưởng gì từ những đề tài nghiên cứu?

Nếu chúng ta không quyết tâm làm thực, làm đến nơi đến chốn thì rất khó hội nhập. Cây ăn quả là một tiềm năng tuyệt vời của đất nước mình, cần xốc lại chỉn chu và đầu tư thích đáng để nó vươn ra thế giới, chắp cánh cho nông dân Việt Nam. Có anh nông dân chỉ trồng chanh không hạt mà thu tới bạc tỷ.

Nhiều nước mong có được bưởi da xanh của Việt Nam, thanh long của ta kém gì thanh long của Thái Lan? Xoài, chuối, dứa, nhãn, vải, hồng xiêm… có xuất ngoại được không? Công ty Vinamit đưa mít sấy Việt Nam đi khắp thế giới. Tôi mơ quả na của mình sẽ được chế biến thành các loại mứt phết trên bánh mỳ.

 Thiên đường hoa quả Việt Nam dứt khoát phải vươn lên, nhưng không phải như cách làm hiện nay mà phải có một cuộc cách mạng trong chỉ đạo.

Ai đã tới thăm Công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt chắc đều có cảm tưởng tự hào về hoa của Việt Nam. Kỹ sư Nguyễn Đình Sơn không được đào tạo về ngành nông nghiệp nhưng ông đã tự mày mò học hỏi để gây dựng nên một công ty khổng lồ, có tiếng vang ra cả thế giới.

Ông đã đưa hoa của Việt Nam đi khắp nơi và được bạn bè năm châu ưa chuộng. Hàng vạn kỹ sư của đất nước ta có nên lấy đó làm một bài học không?

Ở Tây Nguyên chúng ta đang hối thúc tái canh cà phê. Đó là vì cả một thời gian dài, chúng ta quên mất việc phải trồng lại chúng. Nay có tới hàng trăm nghìn ha cà phê lụ khụ, mang trên mình năng suất thấp kém. Nó dứt khoát phải thay. Nhân dịp này ta có nên cân nhắc lại diện tích trồng cà phê hay không?

Hiện tại, diện tích cà phê đã vượt ngưỡng, Tây Nguyên không còn đủ nước tưới cho chúng. Vì vậy chúng tôi kiến nghị hãy thay một phần diện tích cà phê sang các đối tượng khác, trong đó có cây bơ và cây mắc ca. Những đối tượng này chúng tôi đã thử nghiệm, chúng phát triển tuyệt vời trên đất Tây Nguyên.

Một vài ví dụ nêu ra để chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại cách đi hiện nay của Việt Nam. Ta vẫn nên xếp cây lúa đứng vào hàng thứ nhất, nhưng sau nó còn rất nhiều đối tượng cây trồng khác cần được phát huy. Đó là chưa nói tới cây rau, cây công nghiệp, cây dược liệu, thế mạnh về chăn nuôi và thủy sản.

Ngoài ra, việc trồng nấm và các công nghệ chế biến cũng đầy tiềm năng. Vì vậy, khi bàn tới chuyển đổi trong nông nghiệp xin quí vị nhìn rộng hơn, bao quát hơn và mạnh dạn hơn.

Lâu nay dân mình thích dùng từ chuyển đổi và từ cơ cấu lại. Nói thế có vẻ nhẹ nhàng hơn, ít trách nhiệm hơn. Theo chúng tôi, ta cứ dũng cảm nhìn thẳng vào các vấn đề: Làm sai thì phải làm lại. Cơ cấu sai thì phải sắp xếp lại. Tính toán sai thì phải xem xét lại cho rõ ràng.

Biết sai mà sửa là điều rất đáng khen. Nên rộng đường dư luận để chúng ta xác định được những bước đi vững chắc.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm