Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng chỉ thích đất thổ cư. Rừng vàng, biển bạc là nói trong sách vở, với cán bộ ngân hàng thành vô nghĩa. Chủ trang trại có trong tay hàng trăm ha rừng chăng nữa cũng không thể vay vốn trong khi chỉ thế chấp vài trăm mét đất thổ cư là các ngân hàng sẵn sàng giải ngân…
>> Kinh tế trang trại, tắc từ đồng vốn
Trăm ha rừng không bằng một lô đất ở
Xét về diện tích rừng, có lẽ ông Đào Công Hoa ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn phải đứng vào hàng ngũ chủ rừng lớn nhất nhì của tỉnh Bắc Giang. Trang trại trồng rừng của ông rộng mênh mông với trên 100 ha rừng cùng hàng chục ha cây ăn quả: bưởi, hồng, ổi và cam đường Canh…
Gần chục năm qua, ông đã đổ không ít công sức, tiền của để xây dựng nên một trang trại đẹp tựa như khu du lịch sinh thái. Đến thời điểm này, thật khó xác định giá trị của trang trại mà ông đang quản lý có thể là 20 tỉ hay 50 tỉ hoặc cao hơn nữa nhưng chỉ tính sơ riêng nguồn thu gỗ keo trên 100 ha rừng đang vào chu kì khai thác thì ông Hoa đã nắm chắc trong tay trên 6 tỉ đồng, chưa kể giá trị thu nhập của vườn cây ăn quả, hoạt động chăn nuôi.
Vậy nhưng, tuy có trong tay trang trại lớn ông Hoa cũng không thể thế chấp trang trại để vay vốn ngân hàng.
Để san ủi, làm đường, đầu tư cây giống, phân bón, trả lương công nhân… ông Hoa đã phải huy động toàn bộ nguồn vốn tự có của gia đình. Nhưng trang trại càng rộng nhu cầu đầu tư càng lớn. Tiền tỉ đổ vào đầu tư cho trang trại mà cứ như muối bỏ biển.
Trang trại rộng mênh mông, tựa như khu quần thể sinh thái của ông Hoa vẫn không thể thế chấp để vay nổi 500 triệu đồng
Năm 2012, ông Hoa muốn mở rộng thêm 3 ha diện tích trồng cam đường Canh và tiếp tục mở đường vào để khai thác gỗ rừng nên ông có nhu cầu sử dụng thêm khoảng 500 triệu đồng. Ôm giấy chứng nhận quyền sử dụng của trên 100 ha rừng gõ cửa từng ngân hàng để xin vay vốn nhưng đi đến đâu cũng chỉ thấy cán bộ tín dụng lắc đầu quầy quậy, mặc cho ông giải trình hết lý lẽ.
Cũng có cán bộ tín dụng nhiệt tình đến tận nơi thăm trang trại, về thăm nhà cửa đàng hoàng rồi quay ra tư vấn: Không có chế độ cho vay sổ rừng đâu bác ạ nhưng bác có thể dùng sổ đỏ thổ cư để vay vốn.
Ông Hoa có 2 căn nhà ở huyện miền núi Lục Ngạn, mỗi căn được khoảng 300 m2 đất thổ cư nhưng cán bộ tín dụng sẵn sàng cho vay 200 triệu đồng/căn. Thế chấp 2 căn nhà ông vay được tổng cộng 400 triệu đồng.
Điều ông Hoa thấy khác biệt với các cán bộ tín dụng là ở cách đánh giá, xác định giá trị tài sản. Hầu như toàn bộ tài sản của gia đình ông đều nằm ở trang trại chứ không phải 2 căn nhà trong thị trấn. Chỉ sau một chu kì khai thác rừng keo ông đã đủ tiền mua thêm hàng chục căn nhà như thế nhưng trong mắt các cán bộ tín dụng thì trang trại của ông lại chẳng có một chút giá trị nào.
Họ chỉ thích “túm” lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất ở và đó là cách duy nhất để ông có thể vay vốn ngân hàng.
Coi rẻ nghề nông?!
Vẫn biết rằng tư duy của cán bộ tín dụng là ăn chắc và việc thế chấp nhà ở phần nào còn có lợi cho bản thân hơn là phải thế chấp trang trại nhưng trong lòng lão nông Đào Công Hoa cảm thấy vô cùng bức xúc.
Trong mắt ông, đất ở chỉ là nơi để ở, phải là đất sản xuất mới thực sự có khả năng sinh lợi, phải có rừng mới thực sự có vàng. Thế nhưng, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng hoàn toàn không quan tâm đến đất sản xuất, đất rừng… Dường như cái nghề nông nghiệp vẫn còn bị coi rẻ ở xã hội này.
Chẳng thế mà khi làm thủ tục vay vốn, cán bộ tín dụng cứ một mực bắt ông khai lệch mục đích sử dụng thành “vốn để kinh doanh ngành hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát” trong khi chắc chắn là ông sẽ dùng tiền để đầu tư cho nông nghiệp.
Hàng ngày, trên truyền hình, trên báo chí vẫn ra rả nói rằng kinh tế suy thoái, cần đặt trọng tâm vào nông nghiệp, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, dành vốn tín dụng lãi suất thấp cho đầu tư nông nghiệp…
Thực tế ngược lại. Ông tự hỏi chính sách ưu tiên của Chính phủ ở đâu khi mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng không có giá trị vay vốn ngân hàng? Vốn tín dụng lãi suất thấp cho nông nghiệp ở đâu khi mà muốn vay vốn đầu tư cho nông nghiệp lại phải khai kinh doanh ngành hàng khác?
Là lão nông trồng rừng ở một huyện miền núi, ông Hoa không có cơ hội nói với Chính phủ rằng những người nông dân say mê và tâm huyết với nông nghiệp như ông chưa từng có cơ hội để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và những điều người ta đang nói ở Trung ương quá xa vời thực tiễn nên nông dân chỉ nghe mà không thấy động lòng.
Vay ngân hàng 400 triệu để đầu tư cho nông nghiệp, ông Hoa phải trả lãi suất xấp xỉ 15%/năm, tương đương với 60 triệu đồng/năm. Mức lãi suất này, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, chứng khoán còn đang kêu trời thì lợi nhuận của nông nghiệp liệu có kham nổi?
Nếu đầu tư trồng rừng và trả lãi dứt điểm hàng năm sau chu kì 6 năm, ông Hoa sẽ mất tổng cộng 760 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Mất trắng hơn chục ha rừng, gần gấp đôi khoản vay gốc. Nếu đầu tư vào cây ăn quả, lợi nhuận có thể cao hơn nhưng gặp lại nhiều yếu tố rủi ro như: rủi ro về giá, rủi ro về mùa vụ, sâu bệnh…
Lợi nhuận ít, rủi ro nhiều chính là lý do mà hầu hết các ngân hàng đều ngại cho vay đầu tư nông nghiệp, buộc cán bộ tín dụng cũng phải “lách” khi làm thủ tục cho vay.
Làm nông nghiệp khó thế, khổ thế nhưng người nông dân không làm nông nghiệp thì còn biết làm gì? Nông dân như ông Hoa chỉ còn biết oằn lưng gánh vác những thảm họa tín dụng do bong bóng BĐS, chứng khoán đem lại.
Để trụ vững, ông Hoa buộc phải tăng cường khả năng quản trị, tính toán thị trường cung, cầu hệt như các doanh nghiệp. Ví dụ, giá cam đường Canh mấy năm nay liên tục tăng cao từ 35 ngàn đồng/kg lên 45 ngàn đồng rồi tiếp tục leo tới 67 ngàn đồng/kg cắt tại vườn. Giá cam cao, người dân đua nhau trồng, các chủ vườn cũng khẩn trương mở rộng diện tích.
Chắc chắn chỉ trong vòng 4-5 năm nữa là sản lượng cam đường Canh ở Lục Ngạn sẽ tăng vọt, ảnh hưởng tới giá. Vậy nên khác với các chủ vườn ở Lục Ngạn, đang mở rộng diện tích bằng cách mua cây con về trồng, khi bắt tay vào trồng cam đường Canh ông Hoa đầu tư vốn mua hẳn những cây 3 năm tuổi có thể cho thu hoạch ngay.
Năm 2012, căn cứ vào tốc độ sinh trưởng của cây, ước tính vườn cam đường Canh của ông có thể cho 10 tấn quả, thu trên 600 triệu đồng. Nhưng ông Hoa không vội “gỡ vốn”. Ông tính cho cam ra quả trong năm thì cây sẽ dành toàn bộ dinh dưỡng nuôi quả, không phát triển nhánh. Sang năm sản lượng sẽ chỉ được 10-15 tấn quả là cùng.
Nhưng nếu bỏ qua một năm để cho cây phát triển hết sức thì sang năm vườn cam sẽ cho sản lượng 40 tấn. Lúc ấy nhân với mức giá hiện tại ông có cơ hội thu 2,4 tỷ đồng. Lợi hơn gấp 4 lần. Hoặc cho dù giá cam sang năm có giảm đi một nửa chỉ còn 30 ngàn đồng/kg thì doanh thu của ông vẫn đạt 1 tỷ 200 triệu đồng vẫn đảm bảo lợi nhuận của cả hai năm cộng lại.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Cũng không phải người nông dân nào cũng có khả năng quản trị như ông Hoa, dám chấp nhận vay lãi suất 15%/năm để mạo hiểm đầu tư cho nông nghiệp.
Đặt giả thiết, ông Hoa và những chủ rừng khác có thể tiếp cận được nguồn vốn trồng rừng ưu đãi của Chính phủ ở mức 8%/năm thì cả chu kì rừng gia đình ông chỉ phải trả lãi suất 180/400 triệu tương đương với giá trị 3 ha rừng. Lợi nhuận nhìn thấy rõ ràng hơn, khả năng hoàn trả vốn vay cũng chắc chắn hơn. Nhưng đó chỉ là giả thiết. Giá như!…
Tại Nghị trường Quốc hội, các ĐB đồng loạt nêu ý kiến đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ tín dụng trong sản xuất nông nghiệp. Đây không phải lần đầu, QH thảo luận về vấn đề này, cũng không hẳn Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ nông nghiệp, mà cơ bản là nhiều chính sách được đưa ra quá xa vời với thực tiễn sản xuất nên người nông dân vẫn thường phải tự “bơi”. Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ chưa thể phát huy hết năng lực sản xuất trong xã hội…