| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch trái cây: Chỉ còn chờ ý kiến của Bộ

Thứ Sáu 30/03/2012 , 12:19 (GMT+7)

PGS.TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khẳng định: Quy hoạch trái cây sắp hoàn thành, giờ chỉ cần xin ý kiến của lãnh đạo Bộ nữa là sẽ có quy hoạch.

PGS.TS Phạm Văn Dư

Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) với NNVN. Ông Dư đưa ra bản báo cáo gửi Thứ trưởng Bùi Bá Bổng về việc “Rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung” rồi nói: “Giờ chỉ cần xin ý kiến của lãnh đạo Bộ nữa là sẽ có quy hoạch, Thủ tướng cũng đã có Quyết định mới về hỗ trợ phát triển VietGAP ký đầu năm nay rồi!”.

 

>> Quyết định mới của thủ tướng về phát triển VietGAP
>> Ngành trái cây đang đi... lộn đầu
>> Chợ đầu mối trái cây quốc gia chết yểu
>> Mon men ra ''biển lớn'' đã... nát bươm !
>> Đánh vật với tiêu chuẩn

PGS.TS Phạm Văn Dư cho biết: Bộ NN-PTNT trong vài năm gần đây chủ trương tất cả các sản phẩm nông lâm thủy sản của VN đều phải đi theo định hướng an toàn, khuyến cáo đi theo VietGAP vì nó vừa nhẹ nhàng, vừa phù hợp với tình hình sản xuất trong nước. Ở phía Nam một số DN, HTX thực hiện tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế) nhìn chung về rau thì thực hiện khá, còn trái cây, một số sản phẩm như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi… gặp khó khăn khi hàng năm phải đăng ký lại và mất một khoản tiền khá lớn. Thị trường XK sản phẩm GAP của các DN còn yếu và người tiêu dùng trong nước vẫn chưa có sự phân biệt sản phẩm GAP hay không nên giá bán còn thấp.

Vì thế, Bộ NN-PTNT đang có sự xâu nối định hướng về VietGAP trên nền tảng chung để nông dân đi theo hướng đó. Bộ yêu cầu các địa phương phải có quy hoạch vùng trái cây đến cấp xã để trong tương lai có sự đầu tư phát triển mạnh lên. Hiện tại Thủ tướng cũng đã ban hành gói chính sách về hỗ trợ phát triển VietGAP (có hiệu lực từ tháng 2/2012). Tình hình chung về định hướng, chính sách là như thế, nhưng quan trọng bây giờ là phải làm sao giải quyết khâu thị trường, làm sao kết nối mạnh với thị trường thì mới đảm bảo bền vững.

Sau khi rà soát, về cơ bản quy hoạch ngành trái cây VN sẽ định hình thế nào, thưa ông?

Qua đi thực tế ở 10 tỉnh, thành và 13 báo cáo của các địa phương gửi về, chúng tôi nhận thấy một số tỉnh có quan tâm đến công tác quy hoạch vùng trồng cây ăn trái. Diện tích cây ăn trái chủ lực được các địa phương quy hoạch trên 146.000ha, chiếm 36% tổng diện tích cây ăn trái của toàn vùng bao gồm 14 loại như: Cây có múi (bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi đường lá cam, quýt hồng, quýt đường, cam mật, cam sành, chanh); xoài (cát Hòa Lộc, cát Chu, Châu Nghệ, xoài khác); nhãn (da bò, xuồng cơm vàng); sầu riêng; chôm chôm; thanh long; vú sữa Lò Rèn; măng cụt; dâu Hạ Châu; khóm; mãng cầu; nho; táo và chuối.

Tuy nhiên, các địa phương chỉ quy hoạch đến cấp huyện mà chưa chi tiết đến cấp xã. Họ có chọn ra cây chủ lực nhưng lại chọn khá nhiều loại cây, dàn trải, chưa tập trung, thiếu sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật canh tác. Có một số tỉnh không là trọng điểm về cây ăn trái, chỉ trồng được một vài loại cây thì đầu ra lại tương đối thuận lợi nên có sự tập trung đầu tư và phát triển từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, dễ thành công.

Ví dụ: Kiên Giang là tỉnh vùng biển, lợi thế nông nghiệp của tỉnh này là hải sản, cây ăn quả không phải thế mạnh. Cây chuối của huyện U Minh Thượng phát triển tự phát, được trồng trên các bờ đê, không phải là sản phẩm chính nhưng sinh trưởng và phát triển rất mạnh, cho sản phẩm đạt yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng nên đã được công ty Vinamit bao tiêu sản phẩm; Cây xoài của tỉnh An Giang đã và đang được Cty CP BVTV An Giang đầu tư phát triển và chế biến tiêu thụ sản phẩm; Đặc biệt cây thanh long (Bình Thuận) đã và đang phát triển mạnh, đầu ra tương đối thuận lợi, đã xuất khẩu đi nhiều nước.

Sản xuất phải gắn với thị trường. Vậy bản quy hoạch sẽ giải quyết nút thắt cơ bản này thế nào, thưa ông?

Đúng là chuyện thị trường đang quá khó. Hướng sắp tới chúng ta cần đẩy mạnh là phải XTTM, mở rộng thị trường. Ai cũng biết sản phẩm trái cây ăn tươi nên phải có công nghệ bảo quản tốt, đảm bảo VSATTP mới vào được các thị trường xa và khó tính. Chúng ta cũng phải thúc đẩy mở rào cản thương mại, kiểm dịch thực vật và có thị trường rộng mở thì mới tạo động lực thúc đẩy hình thành các vùng nguyên liệu lớn.

Các địa phương cũng phải có chính sách hỗ trợ các DN tham gia ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các đô thị có mức tiêu thụ sản phẩm trái cây lớn như Hà Nội, TPHCM phải có chính sách ký kết với các vùng trồng trái cây trọng điểm để đưa sản phẩm đạt chuẩn VietGAP hay GlobalGAP với mức giá tốt, phân biệt rõ ràng thì mới khuyến khích nông dân tham gia sản xuất sạch, an toàn.

Về trách nhiệm thị trường cụ thể, theo tôi bộ phận XTTM của các bộ, ngành, địa phương phải có nhiệm vụ giới thiệu trái cây VN ra nước ngoài, thông qua các Đại sứ quán, hội chợ để quảng bá; địa phương có chính sách hỗ trợ đưa các DN ra nước ngoài để chào mời, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Cục BVTV phải dỡ rào cản tại các thị trường XK trọng điểm.

Tôi tin tưởng rằng nông dân mình có thể làm được tất cả VietGAP, GlobalGAP nhưng quan trọng nhất là bán ở đâu? Tôi chỉ nêu một ví dụ thế này: Dịch chổi rồng trên cây nhãn hoành hành không hẳn là do không trị được bệnh, mà do người nông dân không có đầu ra, giá bán lại thấp nên bảo họ bỏ cả chục triệu đồng ra để xử lý bệnh trên mỗi ha làm sao được. Giải quyết được nút thắt này, ắt sẽ có những chuyển biến lớn. Tôi tin là vậy!

 Xin cảm ơn ông.
 

Còn về vấn đề phát triển VietGAP, tôi cho rằng hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu mang tính định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên vẫn còn nhiều bất cập, còn rất nhiều chuyện phải bàn và làm trong thời gian tới. Còn như ở Thái Lan, họ làm ThaiGAP rất hiệu quả và rất mạnh cả gần 20 năm nay nên có nền tảng sản xuất tốt và có thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước. 
Nhưng VN mới chỉ thực hiện GAP vài năm nay nên thời gian tới làm sao để đưa tinh thần sản xuất theo VietGAP đến với từng người thì mới có sự chuyển biến lớn được. Hiện một số chính sách vừa được Chính phủ ban hành để hỗ trợ cho việc thực hiện VietGAP trên nông sản chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả. (PGS.TS Phạm Văn Dư)

Xem thêm
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn

Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.