Vừa qua một số doanh nghiệp chế biến bột giấy trong nước đề nghị tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ băm dăm từ 0% lên 20%. Thông tin này khiến nông dân trồng rừng hết sức lo lắng bởi hiện tại giá cả mặt hàng này đang rất ế ẩm.
Sau khi kiểm tra thực tế ở một số địa phương trồng rừng, Bộ Tài chính đã đi đến quyết định, chưa tăng thuế suất xuất khẩu dăm gỗ mà vẫn giữ nguyên mức 0%. Phán quyết của Bộ Tài chính đã giúp người trồng rừng ở các tỉnh Bắc Trung bộ thở phào.
Giữa tháng 4/2012, 3 Cty gồm Cty CP Giấy An Hòa; Cty liên doanh TNHH Trồng và chế biến cây nguyên liệu giấy xuất khẩu Cát Phú; Cty TNHH nguyên liệu giấy Dung Quất đều có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tăng thuế xuất khẩu (XK) dăm gỗ lên 20% nhằm hạn chế nguồn dăm gỗ XK.
Sau đó, ngày 18/6/2012, Bộ Tài chính có công văn số 8088/BTC-CST nêu rõ: “Kể từ ngày 01/01/2012 trở đi, mặt hàng dăm gỗ không thuộc nhóm 44.04 tại Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 157/2011/TT-BTC và mức thuế suất xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ là 0% (là mặt hàng không được quy định cụ thể tên trong Biểu thuế xuất khẩu). Thủ tục hoàn thuế xuất khẩu nộp thừa cho các lô hàng dăm gỗ xuất khẩu từ ngày 01/01/2012 trở đi đã áp dụng mức thuế suất 5% thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 24 của Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010”.
Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất của các doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan có liên quan để xem xét, xử lý. Nguyên nhân việc đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ của doanh nghiệp là do việc thu mua nguyên liệu khó khăn, nguồn nguyên liệu không đủ sản xuất, buộc phải nhập khẩu bột giấy từ nước ngoài với giá thành cao, gây mất cân đối cán cân thương mại.
Năm 2011, lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 5,4 triệu tấn, thu 300 triệu USD, nhưng ngược lại, Việt Nam phải nhập khẩu lượng bột giấy tương đương 700 triệu USD.
Trái ngược với quan điểm của các doanh nghiệp chế biến giấy, Cty FPA Bình Định lại có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị “Không tán thành đề xuất hạn chế xuất khẩu dăm gỗ". Theo doanh nghiệp này, việc hạn chế xuất khẩu dăm gỗ sẽ gây khó khăn cho người trồng rừng, làm giảm diện tích trồng rừng. Bởi vì cây trồng để bán gỗ dăm là những cây sinh trưởng nhanh, khi thu mua tận dụng được hết cành ngọn, có lợi cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Còn một DN xuất khẩu gỗ dăm ở Nghệ An cho biết: “Hiện nay mức giá thu mua nguyên liệu gỗ dăm đã ở mức chạm đáy (chưa đến 1.000 đồng/kg), không thể giảm hơn được nữa. Đơn giá xuất khẩu đã thương thảo với đối tác nước ngoài, nay thuế tăng lên 20% thì họ sẽ từ chối. Trước đây chỉ tăng từ 0% lên 5% mà đã không thể xuất hàng được, lên 20% thì chỉ có ngừng giao dịch mà thôi”.
Như vậy, việc quyết định chưa tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ của Bộ Tài chính hiện nay là phù hợp với thực tế. Việc thay đổi chính sách thuế liên quan đến dân sinh, môi trường như mặt hàng dăm gỗ cần có sự cân nhắc thận trọng. |
Cũng theo doanh nghiệp này, khi tăng thuế suất lên 20%, liệu các nhà máy trong nước có thu mua hết số lượng gỗ do người dân trồng được với giá tương tự hiện nay hay không? Nếu không đủ năng lực thu gom, sẽ dẫn đến hiện tượng nguyên liệu dồn ứ, gây lãng phí nghiêm trọng và người dân sẽ từ bỏ trồng cây nguyên liệu. Thực tế cho thấy một số nhà máy khi mới đi vào sản xuất cam kết thu mua hết nguyên liệu cho dân với giá thỏa thuận có vẻ rất “hoành tráng” nhưng sau một thời gian hoạt động lại “đem con bỏ chợ” làm người trồng rừng càng thêm khốn đốn.
Ông Nguyễn Văn Trung, hộ trồng rừng ở xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện nay giá thu mua cây keo, bạch đàn đã quá thấp, chúng tôi không thể giảm giá được nữa. Nếu vì lí do thuế xuất khẩu tăng cao mà giá thu mua xuống thấp, chúng tôi sẽ không bán. Vì rừng cây của chúng tôi để thêm dăm ba năm nữa cũng không sao. Còn về lâu dài mà giá không lên, trồng cây nguyên liệu dăm gỗ không có lời thì chúng tôi sẽ chuyển sang trồng cây khác”.