Trước thời điểm Bộ Tài chính đưa lên website dự thảo Nghị định kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài thì tại Cổng thông tin Điện tử Chính phủ đã diễn ra một cuộc tọa đàm bàn về việc có nên hợp pháp hóa nghề mại dâm để quản lý hay không!
Thực tế thì cả cờ bạc và mại dâm đều đang bị cấm ở Việt Nam, người kinh doanh hai “dịch vụ” này đều có thể bị xử lý hình sự. Thế nhưng trước yêu cầu hội nhập cũng như yêu cầu hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ AIDS, không thể né tránh mãi việc phải bàn chuyện hợp pháp hóa hai loại hình “dịch vụ” này để quản lý và tăng thu.
Cụ thể, khi nguồn vốn FDI đang giảm mạnh thì các nhà đầu tư nước ngoài lại liên tục đưa ra các đề xuất mới về đầu tư lĩnh vực casino, như tập đoàn LasVegas Sands hứa hẹn đầu tư hai khu nghỉ dưỡng phức hợp với tổng vốn có thể lên tới 6 tỷ USD. Hoặc tập đoàn Genting (Malaysia) hé lộ kế hoạch đầu tư khu liên hợp vui chơi giải trí tổng hợp, có cả casino, với vốn đầu tư trên 4 tỷ USD.
Ngoài lý do thu hút đầu tư, một thực tế khác khó tránh né là tại biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh), là hàng chục casino được mọc lên chỉ để đón khách Việt gây ra sự khó xử vô cùng cho phía ta: cấm không được mà để yên thì ngoại tệ chảy máu hàng ngày!
Một thực tế khác: Sau khi Quốc hội quyết định không đưa gái bám dâm vào cơ sở chữa bệnh, cộng với thực trạng người bán dâm bây giờ còn góp mặt cả những người có nghề nghiệp, có thu nhập khá (như người mẫu), nhiều chuyên gia đã lên tiếng ngay lập tức.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói thẳng “đừng nghĩ mình là biệt lập, đặc thù” mà nên “sớm xây dựng luật để quản lý vấn đề này”. Bà Khuất Thu Hồng nói nếu công nhận nó là một hiện thực xã hội, thì “trước mắt là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng tránh lây nhiễm HIV”. Bác sĩ Thu Giang cho rằng “không thừa nhận thì chúng ta đang thấy hậu quả là tình trạng lây nhiễm HIV đang tăng nhanh”!
Hai câu chuyện xảy ra cùng thời điểm, do hai cơ quan thuộc Chính phủ đăng cai, đủ thấy tính cấp bách của vấn đề. Tính cấp bách đó là nếu tiếp tục cấm như cũ, tư duy quan điểm như cũ thì có nghĩa là tình hình cũng… như cũ: chảy máu ngoại tệ và mất vốn FDI là nhãn tiền; tỷ lệ nhiễm HIV tăng nhanh là nhãn tiền. Cho nên không còn lựa chọn khác, cứ phải đưa ra bàn để tìm cách khắc phục.
Nếu cho rằng “nhạy cảm” mà không bàn thì có ngày hậu quả rất lớn.