Việc Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quy tắc ứng xử của công chức ngành này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng các ngành nghề khác trong xã hội có cần ban hành những bộ quy tắc tương tự hay không?
Bộ quy tắc ứng xử của ngành Hải quan quy định khá chi tiết về chuẩn mực ứng xử của công chức Hải quan đối với các cơ quan, doanh nghiệp và với người dân. Những quy tắc được quy định bao gồm: trách nhiệm cá nhân; tuân thủ pháp luật; chuẩn mực ứng xử trong cơ quan, đơn vị; chuẩn mực ứng xử với các cơ quan, doanh nghiệp và người dân; chuẩn mực ứng xử tại nơi cư trú; môi trường làm việc; sử dụng các tài sản và dịch vụ công.
Ảnh minh họa
Trước đó, “Mười điều kỷ cương của công chức Hải quan Việt Nam” cũng đã được ngành này ban hành từ năm 2004 để chấn chỉnh kỷ cương của cán bộ trong ngành.
Sau khi Tổng cục Hải quan công bố quyết định kể trên, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra xung quanh bộ quy tắc này. Một số người cho rằng quy định của Tổng cục Hải quan là thừa thãi, vì đây thực chất đều là những hành động ứng xử thông thường mà mỗi công chức nhà nước đều có trách nhiệm thực thi.
Một số ý kiến khác thì nhận định, việc làm này không khả thi, vì thực chất thì những điều này hầu hết mọi người đều biết. Người có ý thức sẽ thực hiện nghiêm túc dù không bị gò ép vào quy định còn những kẻ vô ý thức thì có ban hành quy định cũng chẳng để làm gì.
Thế nhưng, nhìn từ vụ việc đang diễn ra rùm beng trên các phương tiện truyền thông là việc đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đăng bài viết trên blog cá nhân có những lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và danh dự của người đồng nghiệp Dương Trung Quốc thì nhiều người không khỏi giật mình rằng: ban hành các quy tắc ứng xử như trên là việc làm nhỏ nhưng lại hết sức cần thiết.
Sau khi bài viết xúc phạm đại biểu Dương Trung Quốc của ông Phước được phê phán kịch liệt trên các mặt báo, đông đảo bạn đọc và các quan chức nhà nước đều chung nhận xét rằng những lời lẽ trong đó là đáng xấu hổ cho một người mang danh đại diện của nhân dân.
Tới thời điểm này, sau gần một tuần kể từ khi bài viết được đăng tải trên blog cá nhân và bị dư luận phản đối gay gắt, ông Phước đã nhận sai, gỡ bỏ bài viết trên blog và lên tiếng xin lỗi đại biểu Dương Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự sửa sai của ông Phước rõ ràng là chưa đủ vì ông này đã xúc phạm đến không chỉ một đại diện khác của nhân dân mà còn trực tiếp quay lưng lại với sự kỳ vọng và niềm tin của các cử tri TP.HCM đã bỏ phiếu bầu cho ông.
Không ít người dân cho rằng, hành động của ông Phước bắt nguồn từ sự thiếu văn hóa ứng xử của chính ông này, hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ việc ông Phước “lộng ngôn” là Quốc hội có quy chế riêng nhưng lại thiếu quy định về quy tắc ứng xử của đại biểu Quốc hội. Hành vi này cũng chưa từng có tiền lệ nên khó có căn cứ để xử phạt hay kỷ luật người vi phạm.
Trong trường hợp này, nếu Quốc hội hay các cơ quan, ban ngành khác có quy tắc ứng xử, dành cho các thành viên của mình như ngành Hải quan thì có thể sẽ giúp những người đang làm trong các ngành này ý thức rõ hơn về các hành vi ứng xử của mình và tránh những sai lầm tương tự.
Hơn thế nữa, việc ban hành các bộ quy tắc ứng xử, hoặc các quy định, chế tài về những hành vi ứng xử không văn hóa cũng sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ bề xử lý khi xảy ra chuyện như vụ việc nghị Phước lớn tiếng xúc phạm nghị Quốc vừa qua.