| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 08/04/2013 , 10:14 (GMT+7)

10:14 - 08/04/2013

Cái giá của sự “độc quyền”!

Người dân phải chịu thiệt 4-5 triệu đồng khi mua một lượng vàng miếng sau khi NHNN “quốc hữu hóa” và “độc quyền” thương hiệu vàng miếng SJC.

Người dân phải chịu thiệt 4-5 triệu đồng khi mua một lượng vàng miếng bởi giá vàng trong nước liên tục duy trì trạng thái cao hơn giá thế giới sau khi NHNN “quốc hữu hóa” và “độc quyền” thương hiệu vàng miếng SJC.

Theo số liệu của một số hãng tin uy tín thế giới như Reuters hay BusinessInsider, Việt Nam nhập khẩu tới 95% lượng vàng tiêu thụ trong nước. Theo lý thuyết, việc phụ thuộc gần như toàn bộ vào nguồn cung từ bên ngoài sẽ khiến giá giao dịch của mặt hàng này "song hành" cùng diễn biến trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, cũng giống xăng dầu, một mặt hàng có tỷ trọng nhập khẩu lớn, giá vàng trong nước đang "một mình một hướng" và không ăn nhập so với thị trường quốc tế.


Ảnh minh họa

Thực tế, tình trạng giá vàng trong nước "lệch pha" so với thế giới đã diễn ra từ năm 2012, khi thương hiệu vàng miếng SJC được nhà nước “quốc hữu hóa” và “độc quyền” sản xuất. Hiện tại, mức chênh lệch này dao động quanh mức 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, có thời điểm, chênh lệch giữa hai thị trường lên đến gần 5 triệu đồng/lượng khiến người dân không khỏi bất bình.

Đứng trước tình trạng đó, NHNN – cơ quan quản lý mặt hàng này cho biết sẽ tổ chức các cuộc đấu thầu vàng miếng nhằm mục tiêu tăng nguồn cung cho thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Nếu không tính phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra hôm 28/3, có thể coi rằng NHNN đã thành công bước đầu với hai phiên đấu thầu liên tiếp hôm 4/4 và 5/4.

Cụ thể, trong phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra hôm 28/3, chỉ có 2.000 lượng/tổng số 26.000 lượng vàng chào thầu được giao dịch thành công bởi mức giá sàn mà NHNN đưa ra cao hơn tới 400.000 đồng/lượng so với giá giao dịch của thị trường trong nước cùng thời điểm.

Trong 2 phiên đấu thầu kế tiếp, tình hình dường như đã được cải thiện khi mức giá chào thầu được điều chỉnh giảm đáng kể, thấp hơn khoảng 60.000 – 70.000 đồng/lượng so với giá trên thị trường tại cùng thời điểm. Cả hai phiên đấu thầu này đều được đánh giá là thành công khi 25.700/26.000 lượng vàng được hoàn thành giao dịch.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng thành công của hai phiên đấu thầu kể trên đã phần nào tác động đến thị trường trong nước, đồng thời kỳ vọng những tác động tích cực hơn khi những phiên đấu thầu tiếp theo được thực hiện.

Tuy nhiên, hiệu quả của kế hoạch này đến đâu và liệu NHNN có thể kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới hay không vẫn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ!

Thực tế cho thấy, trong một thị trường mang tính chất độc quyền thì người “cầm đằng chuôi” trong việc “hét giá” là kẻ bán chứ không phải người mua. Bởi thế, nếu NHNN vẫn duy trì vai trò độc tôn của một thương hiệu vàng miếng thì những hành động hiện nay như tích cực tổ chức các phiên đấu thầu để tăng nguồn cung cho thị trường hay đưa ra nhiều quy định cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng “vàng hóa” sẽ không thể phát huy tác dụng như cam kết đã đưa ra.

Còn nhớ, khi ra quyết định “quốc hữu hóa” và “độc quyền” thương hiệu vàng miếng SJC, NHNN đã đưa ra nhiều lý giải để trấn an thị trường và giải tỏa sự nghi ngờ của người dân đối với một biện pháp quản lý đi ngược xu hướng chung của toàn thế giới là tiến tới thị trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhìn vào những diễn biến thực tế trên thị trường nội địa, có lẽ không nhiều người có thể thừa nhận tính đúng đắn của các quyết định kể trên. Nói một cách khác thì sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá thế giới và những thiệt thòi mà hàng triệu người dân đang phải gánh chịu chính là cái giá phải trả cho sự độc quyền của một “ông lớn” trên thị trường vàng miếng.