Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, giá xăng dầu tăng ở mức kỷ lục, giá điện tăng 5%, giá sữa tăng 5-20%, giá gas tăng… Tất cả những nguyên, nhiên liệu thiết yếu của đời sống dân sinh, là đầu vào của cả nền kinh tế, đều tăng chóng mặt.
Và, người dân đương nhiên sẽ đối diện với một mặt bằng giá mới đã và sẽ hình thành trong tương lai gần. Còn đương nhiên hơn, túi tiền của họ cũng vơi đi nhiều ít.
Lý giải cho lý do tăng giá, các “ông lớn” là điện, xăng dầu… đều cho rằng, đó là nguyên nhân khách quan nằm ngoài sự mong đợi của ngành, nào là chi phí đầu vào lớn, nào giá thế giới tăng cao...
Những nguyên nhân này nội tại của mỗi ngành đều không thể giải quyết được mà phải cả xã hội cùng chung vai góp sức gánh vác. Lẽ thường, đại đa số người dân là đối tượng phải gánh vác nhiều hơn cả.
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 4/8, người đứng đầu ngành Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tâm sự rằng, cứ mỗi lần phải điều chỉnh giá điện, tăng giá xăng dầu, thì ông đều có “tâm trạng rất khó tả”, nhưng không thể không tăng giá do tình hình tài chính của ngành điện, ngành xăng dầu càng ngày càng khó khăn.
Thực tình thì việc quyết định tăng giá điện, xăng là việc cực chẳng đã, phải khó khăn lắm mới đưa ra được quyết định này. Ngay cả đến những tập đoàn, những DN đầu mối, cũng phải “cân nhắc kỹ càng, cẩn trọng” trước khi đề xuất với Bộ Công thương về đề nghị tăng giá, bởi dân ta còn nghèo, kinh tế đất nước còn rất khó khăn.
Nhưng, không tăng không được (?!).
Có lẽ cũng bởi đó mà ông Bộ trưởng có “tâm trạng khó tả”. Nhiều ý kiến tỏ ra “thông cảm” với vị Bộ trưởng, bởi dù gì thì ông cũng là vị tư lệnh của ngành kinh tế sát sườn với quyền lợi của dân, mà phàm cái gì phạm đến quyền lợi đều nảy sinh mâu thuẫn.
Nhưng, khi ông Bộ trưởng có “tâm trạng khó tả”, thì người dân nói chung đơn giản hơn, họ đều có “tâm trạng dễ tả”, đó là BỨC XÚC.
Bức xúc bởi một lẽ, đứng về phía các tập đoàn, DN đầu mối, từ trước đến nay, mỗi khi gặp khó khăn về tài chính, hoặc giá đầu vào tăng, họ đều ngay lập tức đề nghị Bộ chủ quản giải quyết bằng cách tăng giá. Và tất cả những đề nghị trên dễ dàng được các vị tư lệnh ngành chấp thuận một cách kịp thời. Đó là điều hạnh phúc với người đề nghị.
Còn đối với người dân? Vấn đề muôn thủa là họ luôn là đối tượng phải gánh trách nhiệm khi các mặt hàng tăng giá. Tư lệnh ngành nào sẽ là người lo cho họ, che chắn và bảo vệ khi họ gặp khó? Xăng, điện... hễ cứ hắt hơi sổ mũi là tìm mọi cách để… moi túi người dân và đều được chấp thuận?
Họ kêu lỗ thì ngành quản lý cũng phải tỏ rõ quan điểm xem lỗ vì cái gì, xem chi phí của họ có đúng không, đã thực sự tiết giảm để chống lỗ chưa…? Hay họ cứ chi tiêu mát trời ông địa, đầu tư ngoài ngành thua lỗ, khi hết tiền là gào lên đòi tăng giá và đều được đồng ý...!
Cùng cảm xúc, nhưng tâm trạng của Bộ trưởng và người dân trái ngược làm sao!