| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 07/08/2013 , 10:30 (GMT+7)

10:30 - 07/08/2013

Từ chối sự minh bạch?

Ở Việt Nam, từ trước đến nay vẫn luôn tồn tại sự bất minh trong việc xác định giá thành, chi phí sản xuất, phân phối điện.

Như NNVN đã thông tin trong số báo hôm qua (6/8), trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 5/8, trước rất nhiều câu hỏi của các phóng viên về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 6 tháng đầu năm đã cân đối được tài chính, tổng doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ. Tại sao EVN vẫn xin tăng giá điện?

Hay trước đó, tại buổi họp báo ngày 30/7, người phát ngôn Chính phủ là ông Vũ Đức Đam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu việc tăng giá điện phải lấy ý kiến người dân, DN. Vậy nhưng bất ngờ Bộ Công thương ban hành Thông tư 19 cho phép tăng giá điện 5% từ ngày 1/8, Bộ đã lấy ý kiến người dân hay chưa?


Ảnh minh họa

Hoặc một vấn đề muôn thuở là Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, EVN công khai, minh bạch giá điện với nhân dân. Có phải Bộ đã làm trái chỉ đạo của Chính phủ? Giá điện Việt Nam có phải đang cao hơn một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar, Indonesia hay không?

Tuy nhiên, giải đáp các bức xúc, Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa, người phát ngôn của Bộ này, chỉ đứng lên nói rằng: “Vừa rồi có rất nhiều câu hỏi liên quan đến giá điện và ảnh hưởng tăng giá điện đến các hộ sản xuất và sinh hoạt. Tôi xin phép tại họp báo không trả lời nữa”. 

Bà Thoa giải thích thêm rằng, những vấn đề về giá điện đã được các cơ quan chức năng trả lời nhiều trên báo chí.

Phản ứng của bà Thoa khiến báo chí một phen chưng hửng.

Đành rằng, theo quy chế phát ngôn, người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí.

Tuy nhiên, với yêu cầu của người dân là sự minh bạch về giá điện, tại sao bà Thứ trưởng vẫn từ chối? Có ý kiến cho rằng, thái độ “cắt cầu giao tiếp” của bà Thứ trưởng phải chăng là từ chối sự minh bạch với nhân dân?

Cần phải nói thêm rằng, ở Việt Nam, từ trước đến nay vẫn luôn tồn tại sự bất minh trong việc xác định giá thành, chi phí sản xuất, phân phối điện. Ngoài ra, ngay cả quy trình ban hành thông tư tăng giá điện cũng bị bỏ qua.

Cụ thể, Thông tư 19 về điều chỉnh giá điện của Bộ Công thương ban hành ngày 31/7, đáng nhẽ sau ít nhất 15 ngày mới có hiệu lực thì ngay ngày hôm sau, 1/8 điện đã vội vã tăng. Tại sao phải gấp rút đến quá mức như vậy?

Điện đánh úp dân, đại diện nhà đèn xuất hiện trên truyền hình, báo chí chỉ trả lời chung chung và đều đi kết luận: tăng giá là tất yếu mà đáng nhẽ phải tăng sớm hơn và nhiều hơn mới đúng.

Ngày 4/8, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thổ lộ “tâm trạng khó tả” của mình về giá điện và rồi đến ngày 5/8, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng xin miễn trả lời báo chí vì đã hết nhẽ về giá điện!

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện và các chi phí khác, đặc biệt trong phí y tế, giáo dục sẽ khiến chỉ số CPI tháng 8 tăng mạnh khoảng 1% so với tháng 7, cao hơn mức dự báo 0,6-0,7% mà Tổ điều hành thị trường của Bộ Công thương tính toán. Và diễn biến này sẽ tương tự đối với tháng 9 với mức tăng 1-1,5%.

Trong khi đó, lực cầu tiêu dùng vẫn yếu kém, qua trọng hơn, niềm tin của người tiêu dùng đổ vỡ có thể khiến dòng tiền lưu thông trên thị trường suy giảm, kéo theo các mục tiêu khôi phục nền kinh tế trở nên quá xa vời.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm