| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 03/10/2013 , 10:33 (GMT+7)

10:33 - 03/10/2013

Chống thiên tai chống cả… nhân tai!

Hồ thủy lợi Vực Mấu (Nghệ An) bất ngờ mở 5 cửa tràn để xả lũ đã khiến thị xã Hoàng Mai bị nhấn chìm trong biển nước...

Tin tức về thiệt hại của cơn bão số 10 đối với các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình, Quảng Trị… còn đang liên tiếp đưa về, thì việc hồ thủy lợi Vực Mấu (Nghệ An) bất ngờ mở 5 cửa tràn để xả lũ đã khiến thị xã Hoàng Mai bị nhấn chìm trong biển nước. Thiệt hại về tài sản và mùa màng của dân không biết bao nhiêu mà tính cho hết.

Thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 1.150 hộ dân các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lâm, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu) bị ngập. Có nơi ngập sâu từ 1,5 đến 2m, buộc hơn 600 hộ dân phải di dời đến nơi cao hơn. Mưa lớn cũng phá hỏng hoàn toàn hơn 1.500 ha hoa màu, thiệt hại trên 400 ha nuôi trồng thủy sản, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã bị ngập, khiến các hộ dân chỉ có thể di chuyển bằng xuồng máy và thuyền thúng.

Trả lời báo giới, ông Hồ Ngọc Mai, GĐ Cty Thủy lợi Bắc (đơn vị quản lý và khai thác hồ thủy lợi Vực Mấu), thản nhiên cho biết, tối 30/9, khi mực nước trong hồ đạt cao trình 20,5 m, dưới mức báo động 1, Cty đã bắt đầu cho mở một cửa để xả lũ. Sau đó, thấy mưa quá to và nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh nên đơn vị đã chỉ đạo cho xả toàn bộ 5 cửa. Ông Mai cũng cho rằng, đã có thông báo gửi các phường, xã biết việc xả lũ để dân đối phó. Tuy nhiên do lượng mưa quá lớn cộng với thủy triều dâng cao, nước thoát chậm nên đã gây ngập lụt.


Xả lũ khẩn cấp khiến thị xã Hoàng Mai bị nhấn chìm trong biển nước

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuy, Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai, cho hay, việc tính toán mức nước xả lũ là chưa chính xác. Đây là một hồ thủy lợi lớn, với dung tích phòng lũ đạt 110 triệu m3 nước, nằm ngay trên “đầu” TX nên rất nguy hiểm.

Chuyện xả lũ các hồ, đập, đặc biệt là các hồ thủy lợi, thủy điện không còn là điều gì mới lạ. Còn nhớ, cách đây không lâu, kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpốk 4A thuộc Cty CP Thủy điện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã bất ngờ vỡ hai bên, cuốn trôi hàng chục ha lúa và hoa màu của người dân.

Nhưng, người có trách nhiệm của chính quyền lại buông 1 câu: Nguyên nhân vụ vỡ kênh là do nước lũ đột ngột chảy về từ phía sông Sêrêpốk. Đơn vị thi công không kịp kéo phay chèn cống dâng nước lên để xả lũ, vì thế nước đã chảy qua cống dẫn nước (đoạn thuộc thôn 1, buôn N’Drếch A), chứ không phải bị vỡ. Thiệt hại cũng chỉ khoảng 2 sào lúa và 1 sào bắp.

Lời giải thích này cho thấy việc thiệt hại của người dân dù thế nào cũng là đương nhiên xảy ra, còn thiệt hại nhiều hay ít cũng là do… may rủi.

Trước đó, vụ ba công nhân bị nạn do lũ từ thủy điện La Hiêng 2 (Phú Yên) tràn vào đường hầm hay vụ vỡ đập thủy điện La Krêl 2 là những ví dụ về sự “thí mạng” của người dân cho vấn đề an toàn hồ đập.

Những hồ đập đã, đang và sẽ xả lũ, đe dọa tính mạng của hàng chục ngàn hộ dân sống ở vùng hạ lưu đến nay trách nhiệm chưa rõ thuộc về bộ nào.

Hiện cả nước có hơn 6.500 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 11 tỷ m3 nước, trong đó có hơn 560 hồ chứa lớn, còn lại đều là loại hồ chứa nhỏ. Chất lượng của hầu hết các hồ chứa nhỏ đều đáng báo động vì không đảm bảo, đã được xây dựng từ vài chục năm nay, trong khi trình độ khảo sát thiết kế hạn chế, đập thi công bằng vật liệu tại chỗ và đắp thủ công. Sau nhiều năm khai thác, các hồ chứa vừa và nhỏ hầu như bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tại nhiều hồ chứa, cống lấy nước đã mất khả năng vận hành, không tràn xả lũ được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

Điều đáng bàn hiện nay là việc giao trách nhiệm quản lý các hồ chứa như thế nào cho các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ ràng nên khi sự cố xảy ra, trách nhiệm không biết đổ cho ai...

Những nguy cơ từ sự mất an toàn hồ đập đã được cảnh báo từ lâu. Thiệt hại cả về người và của từ những vụ xả lũ là điều được nói tới rất nhiều, ngay cả trên diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, sau mỗi sự cố xảy ra, “quả bóng trách nhiệm” vẫn theo đà lăn, được “đá” từ nơi này sang nơi khác. Và cuối cùng, ngoài việc chống thiên tai, người dân phải chống cả “nhân tai” nữa.