Sáng ngày 17/10/2013, chị Nguyễn Thị Xuân (xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vào bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa chờ sinh trong điều kiện sức khỏe bình thường.
Rạng sáng 18/10, chị Xuân đau dữ dội và có biểu hiện bất thường. Gia đình đã nhiều lần xin kíp trực cho chị được mổ nhưng không được kíp trực đồng ý vì “Không có gì bất bình thường, không phải mổ”. 5 giờ 45 phút cùng ngày, chị Xuân tử vong cùng thai nhi.
Cái chết bất bình thường của mẹ con chị Xuân khiến gia đình và xã hội phẫn nộ. Và trong khi nguyên nhân cái chết chưa được cơ quan chức năng làm rõ, thì bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa đã “hỗ trợ mai táng” cho thân nhân của chị 150 triệu đồng.
Quá bức xúc trước cách hành xử của BV, hàng nghìn người dân đã đưa quan tài chị Xuân diễu khắp các con phố ở thị trấn Vạn Hà
Đây không phải là trường hợp duy nhất xẩy ra trên cả nước và đã được các bệnh viện đưa những số tiền lớn để “hỗ trợ”. Chỉ riêng trong tháng 9/2013 thôi, đã có 2 trường hợp như vậy.
Ngày 5/9, thai phụ Nguyễn Thị Vinh, 24 tuổi, mang thai 9 tháng, vào bệnh viện đa khoa thành phố Vinh chờ sinh nhưng rồi đã tử vong cùng thai nhi, được BV “hỗ trợ” 350 triệu đồng.
Ngày 8/9, thai phụ Vũ Thị Thủy vào bệnh viện phụ sản nhi Bình Dương chờ sinh nhưng rồi cũng tử vong, đã được BV “hỗ trợ” 600 triệu đồng với điều kiện sau đó gia đình “không được nhắc lại chuyện cũ”...
Những việc “hỗ trợ” này, cần đặt ra hai câu hỏi:
1- Nếu bệnh viện đã làm đúng quy định của ngành, bằng tất cả y đức, lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, mà sản phụ vẫn tử vong, nghĩa là trách nhiệm không thuộc về BV, thì căn cứ nào để BV “hỗ trợ” cho gia đình sản phụ những khoản tiền lớn như vậy? Nguồn tiền ấy ở đâu?
Nếu bất cứ bệnh nhân nào tử vong tại BV do những nguyên nhân khác như bệnh hiểm nghèo chẳng hạn, sau khi đã được BV hết lòng cứu chữa, cũng được BV “hỗ trợ” như vậy, thì tiền nào cho đủ?
2- Nếu có dấu hiệu của sự khuất tất, gây nên cái chết cho những sản phụ và thai nhi xấu số trên, thì phải chăng những khoản tiền lớn đó đã được các BV chi ra để “mua mạng người”, dưới chiêu bài “hỗ trợ”? Và nếu đúng như vậy, thì y đức ở những bệnh viện đó đã chạm đáy rồi.
Mạng người là vô giá. Thế nên dư luận xã hội hoàn toàn đồng ý với quan điểm của thân nhân chị Nguyễn Thị Xuân, là yêu cầu đến cùng việc làm rõ nguyên nhân cái chết của mẹ con chị: "Đừng nghĩ rằng mang tiền ra để có thể cầu xin sự tha thứ của gia đình chúng tôi. Ai gây nên cái chết oan uổng cho mẹ con chị ấy, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm” (lời anh Nguyễn Văn Hòa, em ruột chị Xuân, được Báo Người Lao Động dẫn).
Người đã chết không thể sống lại. Vấn đề tiếp theo phụ thuộc vào các cơ quan chức năng: Có khách quan, vô tư hay không trong việc làm rõ nguyên nhân cái chết này.
Cứ theo như sự phản ánh của thân nhân chị Nguyễn Thị Xuân như đã nói ở trên, thì hành vi của những người trong kíp trực đêm 17/10 đến 5 giờ 45 ngày 18/10 của BV đa khoa huyện Thiệu Hóa rõ ràng đã có dấu hiệu cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Vô ý làm chết người”, được quy định tại Bộ luật Hình sự, cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Nếu đủ yếu tố cấu thành các tội đó thì cơ quan pháp luật phải truy cứu đối với từ lãnh đạo BV đến những người trong kíp trực, buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó của mình, và sau đó phải bồi thường cho người thiệt mạng theo đúng quy định của luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước, chứ không thể cứ quẳng tiền ra theo kiểu chợ búa là xong.
Quan trọng hơn, là việc làm đó còn có tác dụng ngăn ngừa, để không còn những Nguyễn Thị Xuân tiếp theo.