Giữa thời ca sĩ ngại ra đĩa vì lỗ thì “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” của nhạc sĩ Đỗ Bảo ghi dấu kỷ lục. Lần đầu tiên trên thị trường âm nhạc, một đĩa nhạc xịn “cháy hàng”.
“Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” chuyển từ trong TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chưa kịp lên kệ đã hết. Giá cũng khá cao so với nhiều đĩa nhạc khác: 100 nghìn đồng/đĩa, nhưng cầu vẫn cao hơn cung.
Người bán hàng tại một cửa hàng của Hồ Gươm Audio ở Hà Nội cho biết, mấy ngày cuối tuần qua, ngày nào cũng có hàng chục lượt người vào hỏi mua đĩa “Chuyện của mặt trời”. Cửa hàng phải nhập đĩa về liên tục để kịp bán cho khách.
“Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” có mặt trên sạp vào ngày 15/8 tại TP Hồ Chí Minh, vài ngày sau mới có mặt tại Hà Nội. Tuy nhiên, cả tháng trời trước khi album thứ 3 này của Đỗ Bảo được phát hành, trên mạng xã hội, qua các trang thông tin điện tử, công chúng đã bàn tán và háo hức chờ đợi sản phẩm này - một sản phẩm được kết hợp bởi Đỗ Bảo và Hà Trần.
12 ca khúc, giản dị như tất cả những sản phẩm âm nhạc khác của Đỗ Bảo, như lời anh chia sẻ, giống như những lời hỏi han nhau của những người lâu rồi mới gặp, về những cái mới, về công việc, cuộc sống và những điều nho nhỏ khác…
Bật mí về cái tên khá ấn tượng của album, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho hay: “Chúng ta có cần mặt trời không? Mặt trời cần gì ở chúng ta? Tôi thì không dám chắc chắn gì về những câu chuyện đó nhưng tôi chỉ thấy một điều là con người bây giờ sống với ảo tưởng quá nhiều đến mức thành tệ nạn.
Họ đua nhau mua cái xe, cái iphone để làm dáng, đua nhau nói chữ này chữ kia cho hợp mốt hay đua nhau khoe khoang trong khi thực chất chẳng tạo ra của cái vật chất gì đáng kể cho đời, thiếu vắng sự sáng tạo thực chất, chỉ toàn những sản phẩm tái chế, gạt gẫm nhau.
Sự sáng tạo sản xuất của mình có vẻ rõ nhất ở người nông dân, mà thu về rất ít so với chi tiêu ra thế giới. Cái sự bất cân đối đó là vì con người ảo tưởng. Ngày nay bạn thấy không, mấy ai còn ngước mắt nhìn bầu trời, con người bận quá và quên đi cái ánh sáng ấy, lãng quên đi những giá trị nền tảng mang tính bất biến.
Như thế có gì đó giống như một sự vô ơn, khước từ đạo lý, lơ lửng mà không biết vì sao vẫn lửng lơ. Tôi sáng tác nhạc hay Hà Trần ca hát, làm âm nhạc chúng tôi phải nhạy cảm hơn người khác chút ít, chúng tôi muốn đàn hát về những điều đó, chẳng phải nhằm cứu thế giới, mà chỉ giống như chuyện trò với khán giả những gì chúng tôi suy nghĩ bằng sự tôn trọng và tự trọng.
Ai thấy thế nào thì chia sẻ với chúng tôi như thế. Ví dụ như khi tôi viết câu “chuyện tôi yêu là chuyện nhìn trước ngó sau của một người bước qua đường” chẳng hạn, vì tôi thấy một điều nhộn, buồn cười, rằng hàng ngày chúng ta vẫn phải đành yêu lấy cái tư thế oái oăm của chúng ta.
Bây giờ sang đường mà không ngó trước nhìn sau thì xe cán ta chết ngay đúng không? Trong mọi chuyện khác cũng thế, đó là cái tư thế con người chẳng ra làm sao cả, nó trái tự nhiên và cần được hát lên để chúng ta cùng cười, cùng nghĩ xem chuyện của chúng ta tiếp theo phải là chuyện gì”.
Giữa thời thị trường băng đĩa âm nhạc đang khá “cực đoan”, đĩa xịn khó lòng trụ vững so với đĩa lậu, các ca sĩ làm liveshow nhiều hơn, thì Đỗ Bảo đều đặn vài năm lại ra đĩa.
Không biết vì cái tên khán ấn tượng của album hay vì đây là sự kết hợp của hai nghệ sĩ có đẳng cấp mà đĩa bán chạy như tôm tươi. Nhưng chắc chắn, Đỗ Bảo là cái tên đảm bảo cho những sản phẩm âm nhạc có chất lượng bởi sự kỹ lưỡng trong đầu tư cho mỗi sản phẩm của anh.
Đỗ Bảo chia sẻ: “Từ trước đến nay, mỗi album tôi làm cách nhau khoảng 4 năm và trong chuỗi thời gian đó, mất 1-2 năm để sáng tác, thu âm album nhưng mất thời gian còn lại để suy nghĩ, tích lũy các ý tưởng”.
Đỗ Bảo cũng trăn trở với môi trường hiện nay, đa số mọi người còn phải lo những nhu cầu tối thiểu như ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, nghệ thuật là điều cuối cùng mà người ta nghĩ tới. Ca sĩ, nghệ sĩ cũng phải tìm thấy “lãi” mới làm, nhưng với Đỗ Bảo, làm không phải để tính lãi.
Bởi nếu để kiếm tiền, thời gian đầu tư cho đĩa nhạc, anh có thể làm việc khác nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu ai cũng nghĩ đến kiếm tiền, thì nghệ thuật sẽ đi về đâu. Hơn nữa, được làm nghệ thuật nghĩa là “được làm điều mình thích và mình dám bỏ ra nhiều năm để làm điều mình thích. Tôi làm âm nhạc nếu so như trồng cây lấy quả thì tôi đã bỏ ra một thời gian dài trồng một cái cây và rồi nó ra được một cái quả và lại là cái quả đúng như mình muốn. Tôi thấy rất thích vì đấy là điều tôi muốn làm.
Thứ 2, cái tôi làm ra nó đóng góp được gì đó vào đời sống chung. Tôi cũng không chú tâm vào việc thu lợi, tôi cảm giác thoải mái nên tôi hài lòng”, Đỗ Bảo chia sẻ.