| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối sổ đỏ và 'vướng lệnh' không cho chuyển mục đích sử dụng đất lúa

Thứ Hai 24/10/2016 , 08:05 (GMT+7)

Một số hộ nông dân vùng Đồng Tháp Mười tuy nắm trong tay số lượng ruộng đất lớn, nhưng phần lớn sổ đỏ là của người khác đứng tên. Mặt khác, hiện do trồng lúa lợi nhuận thấp, nông dân đua nhau bỏ lúa nuôi trồng thủy sản, nhưng về nguyên tắc...

Rắc rối sổ đỏ

Tôi tìm đến huyện Tân Hưng, nơi có diện tích SX lúa đứng đầu tỉnh Long An với 38.000 ha, nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười vốn nổi danh mùa khô nắng cháy cả đồng, còn mùa lũ về nước ngập trắng xóa nhưng lại là nơi nông dân tích tụ ruộng đất lớn nhất.

Ông Trần Hùng Tráng ở ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, một nông dân nổi tiếng làm ăn giỏi ở địa phương với 110 ha đất lúa, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, trong đó chỉ có 10 ha tự khai phá, còn lại đều được ông mua với giá qui bằng vàng y, có thời điểm chỉ có 3 cây/ha, cao nhất 6 cây.

14-34-13_h1
Ông Trần Hùng Tráng sản xuất 110 ha lúa nói đang “mất phương hướng” do những năm gần đây giá lúa xuống thấp
 

Ông tự nhận mình chỉ học đến lớp 7, nhưng có máu ham làm giàu nên hễ có bao nhiêu tiền đều đổ vào mua ruộng đất. Nhưng vốn dĩ không quen cửa công quyền nên đến nay có khá nhiều diện tích có bằng khoán (sổ đỏ) là tên của người khác.

Ông kể, 7 năm trước ông mua 10 ha đất ruộng của ông Ba Cúc với giá 3 cây vàng/ha, chỉ viết giấy tay ra chính quyền xác nhận.

Theo Luật đất đai sửa đổi năm 2013 qui định về mức hạn điền, từ ngày 1/7/2014 nhà nước cho phép hộ gia đình, cá nhân được tích tụ 30 ha, đến cuối tháng 9/2016, theo chỉ dẫn, ông lên Chi nhánh VP đăng ký đất đai huyện Tân Hưng (nằm trong phòng TN-MT) làm thủ tục sang tên trước bạ từ chủ cũ sang chủ mới. Mặc dù đi lại như con thoi từ xã đến huyện, nhưng đến nay gần cả tháng trời mà thủ tục vẫn chưa xong.

14-34-13_h1_1
Ông Tráng đến Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Tân Hưng liên hệ xin sang nhượng sổ đỏ có diện tích 10 ha nhưng cả tháng vẫn chưa xong do phải đo đạc lại
 

– Vậy có vướng mắc gì? Tôi hỏi.

- Theo yêu cầu của cán bộ địa chính, họ phải đi tiến hành đo đạc lại. Hiện nay đã đo vẽ xong, chi phí tạm tính từ 900 ngàn đến 1,2 triệu đồng/thửa đất. Ngày 12/10/2016, họ tiếp tục hẹn tui đến VP làm việc nhưng còn lâu mới xong.

Tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Ngân, GĐ Chi nhánh VP đăng ký đất đai, PV NNVN đặt câu hỏi: Sau khi chủ cũ sang nhượng, các thửa đất ghi trên sổ đỏ so với hiện trạng thực tế không thay đổi thì tại sao phải bắt chủ mới đo đạc lại, hơn nữa cả hai chủ cũ và mới đều không yêu cầu đo lại? “Cái này để tôi kiểm tra và sẽ trả lời sau”, ông Ngân đáp.

Ông Nguyễn Dũng, ấp Kênh Mới, tích tụ 40 ha, cũng có 16 ha mua từ năm 2013 đến nay chưa thể sang tên do cán bộ địa chính nhận tiền mà không chịu làm. “Trước đây tui có liên hệ với ông Th, cán bộ địa chính xã nhờ làm dịch vụ cho nhanh. Ông Th đến tận nhà tạm ứng trước 6 triệu đồng gọi là lệ phí đo đạc, nay ông này đã chuyển công tác về xã Vĩnh Châu B khiến tui nản bỏ luôn”, ông Dũng nói.

14-34-13_h2
Ông Nguyễn Dũng sang nhượng sổ đỏ thông qua dịch vụ là cán bộ địa chính xã nhưng mấy năm vẫn không xong
 

Theo ông Chủ tịch xã Nguyễn Vũ Linh, địa phương có 4.300 ha đất trồng lúa 2 vụ ĐX và HT, phần lớn manh mún, bình quân khoảng 0,55 ha/hộ, trong đó có 7 hộ tích tụ từ 20 ha trở lên.

14-34-13_h5
Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B: “Lao động trẻ nòng cốt của xã bỏ đi hết, còn lại là mấy người già cả làm ruộng”
 

Tuy nhiên, đất đai sang nhượng chủ yếu viết tay, các “Hai lúa” lại thiếu cập nhật thông tin về Luật Đất đai, có tâm lý sợ mua đất vượt mức hạn điền sẽ bị đóng phạt nên không chịu chuyển quyền sử dụng đất.
 

“Hai lúa” mất phương hướng!

Vẫn theo ông Linh, vụ ĐX 2015-2016 NS lúa toàn xã bình quân 6,5 tấn tươi/ha, bán giá 4.500-5.600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 7-10 triệu đồng; vụ HT năm 2016 NS thấp hơn, đạt 5 tấn/ha, bán giá 4.800-5.600 đồng/kg, lợi nhuận chỉ có 3-5 triệu đồng/ha. Cộng cả năm nay, người trồng lúa thu lợi nhuận chừng 15 triệu đồng/ha/năm.

“Xã có 8.000 nhân khẩu, nhưng hằng năm có trên 700 nhân khẩu nam, nữ trong nhóm lao động nòng cốt bỏ đi nơi khác, nên công làm ruộng thiếu trầm trọng. Trước đây là 180 ngàn đồng/ngày công, nay tăng hơn 200 ngàn cũng không có.

Các ông “Hai lúa” nhiều đất, dù cho cày bừa, sạ hàng, thu hoạch bằng cơ giới nhưng vẫn phải sử dụng thường xuyên công lao động trong việc tỉa dặm, bón phân, xịt thuốc nên chi phí tăng lên rất nhiều”, ông Linh chia sẻ.

Thế nên, ông Tráng không mấy vui khi tôi hỏi về tình hình làm ăn. Ông cho biết đã mất phương hướng SX từ 3, 4 năm nay do làm ruộng không có lợi. Hiện ông gom lại 90 ha, còn lại bán bớt để có dòng tiền đầu tư, trong đó xây dựng trạm bơm điện làm dịch vụ tưới tiêu, còn cứ chăm bẵm vào cây lúa là không có ăn.

14-34-13_h3_1
Hệ thống bơm điện lấy nước từ kênh vào ao để nuôi cá tra giống
 

“Tui chuyển qua trồng nếp IR 4625, VD 20 để bán cho Trung Quốc giá 5.500 đồng/kg, bà con trong vùng chạy theo trồng nếp ráo, còn trong lúc này, tư thương ép giá lúa không tới 4.000 đồng/kg”, ông Tráng bức xúc nói.

Cũng theo ông Tráng, cách đây 1 tháng, có một doanh nghiệp Hàn Quốc đặt vấn đề thuê đất ruộng giá 15 triệu đồng/ha/năm trong thời hạn 5 năm để trồng chuối xuất khẩu. Ông đồng ý cái rụp cho thuê hết 90 ha, nhưng với điều kiện sau khi hết hợp đồng, bên thuê phải trả lại đất như nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay không thấy họ quay lại.

Ông Nguyễn Dũng thì tận dụng triệt để số diện tích ruộng 4 ha (trong tổng số 40 ha đất lúa) nằm cặp mé kênh để đào ao nuôi cá tra giống. “Tui làm lén chứ chính quyền có cho phép đâu!”, ông tiết lộ.

14-34-13_h4
Ông Dũng cho cày đắp bờ ruộng lúa để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa ĐX 2016-2017
 

Ông cho biết, nuôi cá tra giống phải mất chi phí khoảng 80 triệu/ha cho việc đào ao, đắp bờ cùng với 20 triệu đồng làm hệ thống bơm điện để đưa nước vào ao.

“Vừa rồi, tui nuôi 1 ao chỉ trong vòng 2 tháng xuất được 20 tấn (50 con/kg) bán giá 37 ngàn đồng/kg, lãi ròng 80 triệu đồng. Một năm nuôi 4 vụ/4 ao, có thể lãi cả tỷ. Nếu giá cả thuận lợi, trong năm 2017 hy vọng sớm thu hồi vốn. Nhưng mình nuôi cá bột ương nở ra, hên xui dân Mỹ không ăn thì cá giống nhũn, lúc đó không biết sao à nghen”, ông nói.

14-34-13_h6
 

Có một số hộ nông dân ở địa phương có khả năng tích tụ ruộng đất từ 10-50 ha bằng hình thức thuê từ các chủ đất ít hoặc không có lao động. Tuy nhiên, bây giờ trồng lúa “chay” không có lợi mà cần phải kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Thực tế cho thấy, một số nông dân địa phương đang phá ruộng đào ao nuôi cá tra giống do lợi nhuận cao (riêng xã Hưng Điền B đã mất trên 40 ha lúa - PV), nhưng về nguyên tắc thì nhà nước lại cấm không cho chuyển mục đích sử dụng.

Hơn nữa, giá điện phục vụ nông nghiệp cần phải được ưu tiên, nếu tính ngang ngửa với giá điện kinh doanh là không hợp lý. Trước kia một hộ nhiều ruộng chạy máng nước có 32 triệu đồng/tháng, nay tăng 86-92 triệu đồng thì khó mà chịu nổi.

(Ông Trần Tấn Tài, Phó phòng NN-PTNT huyện Tân Hưng).

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm