Phòng chống rét cho gia súc |
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, ngày 5/2, rét đậm, rét hại vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nền nhiệt độ trung bình đo được phổ biến từ 10-11 độ C, cá biệt nhiệt độ đo được lúc 6h sáng tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vẫn -0,8 độ C, Sapa (Lào Cai) -0,6 độ C, xuất hiện băng giá; Tuần Giáo (Điện Biên) 1,1 độ C; Đồng Văn (Hà Giang) 2,2 độ C...
Dự báo rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có nguy cơ băng giá. Tuy nhiên ngày 6/2, các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra từ trưa về chiều trời sẽ hửng nắng và khô ráo, sau đó từ ngày 8/2 sẽ ấm dần lên, rét đậm, rét hại dự báo sẽ kết thúc từ ngày 8/2.
Theo báo cáo của các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đầu năm 2018 đến nay, rét đậm, rét hại đã làm 2.671 con gia súc bị chết, trong đó đợt rét đậm, rét hại từ 27/1/2018 đến nay đã làm trên 450 con gia súc bị chết. Một số địa phương đã có gia súc chết rét nhiều như Cao Bằng (215 con), Hòa Bình (115 con).
Đối với thủy sản, trao đổi với NNVN, các địa phương có vùng nuôi thủy sản lớn tại phía Bắc cho biết chưa ghi nhận thủy sản thiệt hại do rét đậm, rét hại. Ông Nguyễn Đức Văn, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, mặc dù đây là đợt rét đậm, rét hại rất khốc liệt với nhiệt độ dưới 10 độ C kéo dài khoảng một tuần trở lại đây, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận tình trạng cá bị chết do rét.
Tích lũy thức ăn cho gia súc |
Theo anh Văn, HTX Mắt Rồng có 65 xã viên và diện tích nuôi trên 200 ha, trong đó cá vược là đối tượng nuôi chủ lực, hiện đang còn một lượng lớn cá chuẩn bị thu hoạch phục vụ Tết. Đây là loài cá chịu rét kém, đã từng bị chết rét rất nặng nề tại nhiều địa phương trong các năm trước. Vì vậy năm nay, các hộ nuôi của HTX đã chuẩn bị rất kỹ các phương án chống rét cho cá trước dự báo có rét đậm rét hại kéo dài, nhất là biện pháp dâng cao mực nước ao để giữ ấm cho cá.
Tại Hải Dương, ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Dương cho biết: Hiện toàn tỉnh có hơn 11 nghìn ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong đó có nhiều đối tượng nuôi có khả năng chịu rét kém như cá chim, rô phi, rô đồng... Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do rét gây ra trước đây, Chi cục đã liên tục có văn bản tới các vùng nuôi trọng điểm trong tỉnh, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người nuôi triển khai các biện pháp chống rét cho thủy sản.
“Tận dụng 2 đợt lấy nước đổ ải (đợt 1 từ ngày 16/1/2018 đến 19/1/2018 và đợt 2 từ ngày 28/1/2018 đến ngày 4/2/2018), các vùng nuôi đã thanh thủ lấy nước dâng cao vào các ao nuôi. Vì vậy mặc dù những ngày qua xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài nhưng hiện các vùng nuôi chưa ghi nhận thiệt hại nào” – ông Tình cho biết.
Ảnh: Lê Bền |
Năm 2016, đợt rét đậm, rét hại kéo dài cuối tháng 1/2016 đã từng gây thiệt hại rất nặng nề cho người nuôi thủy sản tại nhiều tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh..., đặc biệt là các đối tượng nuôi chịu rét kém như rô phi, cá vược. Trước đó vào năm 2011 và 2008, rét đậm, rét hại kỷ lục cũng đã từng “xóa sổ” nhiều vùng nuôi thủy sản tại các tỉnh phía Bắc.