| Hotline: 0983.970.780

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Thứ Tư 15/01/2025 , 09:58 (GMT+7)

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.

Ngôi nhà đá tự xây trong thung Hiên của anh Trịnh Văn Đàm. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ngôi nhà đá tự xây trong thung Hiên của anh Trịnh Văn Đàm. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Gặp lại “người rừng”

Bởi nó bây giờ đã rất khác lạ, nhộn nhịp khách du lịch vào ra. Dãy núi Quèn Thờ là nóc nhà của thành phố Tam Điệp, đường vào ngoằn ngoèo phải qua mấy cái cổng trời để rồi mở ra những thung lũng xanh ngời, những hồ nước mênh mông, những đàn hươu, đàn dê, đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng.

Anh Tạ Xuân Anh kể cách đây chừng 20 năm khi lần đầu vào thung Hiên (phường Nam Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) nơi anh Trịnh Văn Đàm khai hoang và thả dê trong đó. Thung hoang sơ đến mức hú một lúc lâu anh mới giật mình khi thấy có một người rẽ lau lách bước ra, da đen xì, tóc dài chấm vai, râu rậm như thổ phỉ. Thế nhưng càng trò chuyện thì anh càng thấy anh Đàm hiền lành và dễ gần.

Mười năm về trước khi tôi đến thung Hiên gặp anh Đàm viết bài “Thung lũng trong mơ” thì anh vẫn đen và gầy như thế nhưng tóc đã không còn dài chấm vai, chỉ dựng đứng lên vì nắng gió. Vậy mà hôm nay gặp lại anh đã béo tốt, ra dáng ông chủ của khu du lịch sinh thái lắm.

Một nhà hàng mới được dựng ngay bờ hồ nhưng ngôi nhà đá nhỏ năm nào vẫn còn nguyên. Màu thời gian nhuốm lên nó bao lớp rêu phong cổ tích. Chúng tôi kê cái ghế gỗ ngồi dưới bóng cây sung già trước hiên nhà mà trò chuyện trong tiếng chim bồ câu gù trên mái ngói, giữa một sớm mùa đông sương bay, khói tỏa.

Anh Trịnh Văn Đàm cho nai ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trịnh Văn Đàm cho nai ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy có mỗi 2 con nai trong chuồng nên tôi hỏi bầy hươu 50-60 con đang ở đâu. Anh Đàm chỉ tay về phía dãy núi trước mặt. Trên đường vào thung trong để tìm hươu chúng tôi len lỏi qua một rừng sưa đỏ trên 7 vạn cây trồng 4-5 năm nay. Đi mãi mà không thấy bóng dáng một con hươu nào, chỉ thấy núi rừng rợn ngợp, cứ sâu hun hút, cứ xanh thăm thẳm.

Thung Hiên được bao phủ bởi những vách núi cao dựng đứng nên chỉ cần làm một cái cổng chắn ở lối vào là anh Đàm có thể thả hươu trong đó mà không sợ chúng trốn mất. Đang đi anh bỗng cúi xuống đất nhặt lên một nắm hạt đen đen, bảo đó là phân hươu. Đối với tôi phân dê hay phân hươu cũng chẳng khác gì hạt dẻ, giống nhau cả nhưng với anh Đàm thì có sự khác biệt rõ ràng, phân hươu hạt tròn, còn phân dê hạt dài như hạt lạc.

Chỉ vào một đám đất cạnh đó, anh bảo có con hươu đực mới nằm. Vết này là vết chân nó đạp, vết này là vết lưng nó cọ, vẫn còn vài sợi lông vương ở đây. Chỉ vào một cái cành cây mới bị gãy, anh bảo con hươu đực vừa báng sừng ở đó vì ngứa sừng. Thả từ đầu năm đến cuối năm lên núi như vậy đến khi những con hươu đực chuẩn bị bật nắp trên đầu để ra lộc mới, không còn hăng khoản “yêu nhau” nữa mà chỉ thèm ăn để tích lũy chất cho việc mọc nhung thì anh Đàm mới đặt chậu khoai, sắn trước cửa rừng nhử. Cứ mỗi ngày chậu thức ăn lại được kéo gần về phía chuồng rồi cuối cùng là một hàng rào được thiết kế như cái hom giỏ để nhẹ nhàng lùa cả đàn hươu bố, hươu mẹ lẫn hươu con mới đẻ trên rừng vào.

Anh Trịnh Văn Đàm bên rừng sưa đỏ 4-5 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trịnh Văn Đàm bên rừng sưa đỏ 4-5 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy nhiên vẫn có những con hươu đực do đã quen với lối sống hoang dã nhất định không chịu về chuồng nên chẳng thể cắt được nhung. Để quá ngày nhung sẽ hóa thành sừng, tự rụng ở trên rừng, dù tiếc nhưng anh cũng đành phải chịu. Khác với hươu nuôi thường cho hai lứa nhung mỗi năm, hươu thả hoang chỉ cho một lứa nhung tuy nhiên chất lượng lại vượt trội, được nhiều khách tìm mua với giá 1,7-1,8 triệu đồng/lạng. 

Gần 20 năm nuôi hươu anh Đàm nhận thấy không bao giờ chúng ngủ cùng một chỗ mà di chuyển liên tục để tránh nằm phải phân của chính mình. Vào mùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 8 hươu đực tìm tới  những vũng nước tự làm hố bùn để nằm, tạo ra một mùi hôi rất mạnh nhằm dụ tình hươu cái.

Đây cũng chính là thời gian mà thú tính trong hươu đực dâng lên cao nhất, sẵn sàng đánh nhau tranh ngôi đầu đàn để toàn quyền sở hữu đám hươu cái. Nếu ở trong chuồng chúng sẽ đánh nhau đến chết vì không có đường lùi. Nếu thả trên núi thì con thất bại sẽ phải bỏ chạy, không dám đến gần đàn nữa nhưng con chiến thắng cũng không dám đuổi theo xa vì sợ con khác sẽ thừa cơ lẻn vào “yêu trộm” với một nàng hươu trong đàn.

Anh Trịnh Văn Đàm kiểm tra một cục phân hươu trong thung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trịnh Văn Đàm kiểm tra một cục phân hươu trong thung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bình Minh Đỏ ở ngôi nhà đá

Thời gian trôi tựa bóng câu qua cửa sổ. Thấm thoắt mà đã 31 năm kể từ ngày anh Đàm gửi cái xe đạp cũ ở đền Quèn Thờ vì đã cụt đường, khoác ba lô đi bộ mấy cây số vào thung Hiên. Lúc đó trên đất bụi lau to như gian nhà, dưới hồ cỏ củi nấu ken dày đến nỗi có thể đứng lên được.

Anh dựng một túp lều mái tranh, vách kết bằng thân lau, để ngày ngày vác cuốc đi phá đất hoang. Không chỉ mồ hôi mà còn máu của anh đã đổ xuống, thấm vào từng gốc lau trong thung thì mới vỡ được một ít đất để trồng sắn. Có sắn anh mua mấy con lợn về nuôi nhưng chẳng đủ tiền để dựng chuồng nên tối chúng ngủ lang trong các hang đá. Lúc lợn lớn, do không có đường vào anh phải nhờ người cùng khiêng mấy cây số ra chỗ có đường để bán.

Năm 1994 chính quyền lâm thời thôn Quèn Thờ gồm toàn những người khai hoang được thành lập nhưng mãi đến năm 1995 mới được xã Đông Sơn công nhận và đổi tên thành thôn 12. Năm 1997 anh Đàm lấy vợ. Không thể chấp nhận tổ ấm của mình chỉ là một mái lều tranh nên anh cùng với bố vác búa lên núi đập đá về tự xây nhà. Đá thì sẵn, vôi thì vác từng bao từ chỗ có đường vào thung dài mấy cây số nhưng cát thì quá nặng không thể vác được nên họ đành phải trộn vôi với đất làm vữa để xây.

Bốn lần xây là bốn lần đổ cuối cùng căn nhà bằng đá bé như một cái chuồng trâu cũng được hoàn thành. Ngôi nhà giữa thung lũng hoang vắng trở thành của hiếm giữa nơi nơi thôn quê đang bị đô thị hóa nên mới đây được đoàn làm phim Bình Minh Đỏ chọn làm bối cảnh cho ngôi nhà của cô Châu - một nữ lái xe Trường Sơn thời chống Mỹ…

Một góc của thung Hiên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của thung Hiên. Ảnh: Dương Đình Tường.

10 năm trước tôi không thể chụp ảnh vợ anh Đàm được và lần này cũng thế, chị vẫn ngại ngùng nhất định không cho. Hỏi thì anh Đàm cười, bảo bức ảnh duy nhất mà họ chụp chung là tấm ảnh cưới năm 1997 và nó đã hỏng từ lâu rồi. Họ có 3 người con, lúc nhỏ chúng ở nhà với ông bà ở xã Đông Sơn cho tiện việc học hành, còn vợ chồng anh vẫn miệt mài thả dê, thả hươu trong thung Hiên, sống kiểu “người rừng”.

Mấy năm gần đây, thấy cảnh ở Quèn Thờ đẹp quá nên anh Trịnh Văn Đàm, Trịnh Văn Tiến và Vũ Văn Năm đã bàn nhau cùng phát triển du lịch sinh thái. Mặt thung Hiên dốc về một phía thành ra mùa mưa bị ứ nước, anh Đàm phải thuê máy về múc chỗ trũng làm hồ, đắp đất lên chỗ cao. Qua hai năm đào đắp như thế 3 cái hồ mỗi cái rộng 1 ha được thành hình. Rồi con đường nội bộ chạy vòng quanh hồ, hai bên trồng những khóm tre gợi nhớ về làng quê Bắc Bộ cũng được làm xong. Những hạng mục tiếp theo sẽ là các căn nhà dễ lắp ráp dễ tháo dỡ, kề đó là vườn rau, là chuồng gà, chuồng chim câu, là giếng nước. Khu du lịch sinh thái của anh Đàm bắt đầu đón khách từ năm 2021 hiện ổn định với doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Nhà hàng mới mở ở thung Hiên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà hàng mới mở ở thung Hiên. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Nếu là một người muốn hưởng thụ thì tôi đã bán cái thung Hiên rộng 20 ha này với giá hàng chục tỷ đồng rồi nhưng tôi muốn để lại cho các thế hệ sau, chứ thế hệ mình có khi cũng không được hưởng thành quả, ví dụ như 6-7 vạn cây sưa đỏ mới trồng ấy, phải 30-40 năm sau mới khai thác được. Niềm vui của tôi là khi hoàn thành được một khối lượng công việc nào đó chứ không phải là kiếm được bao nhiêu tiền. Động lực ấy giúp cho tôi làm việc mà không thấy mệt, thấy nản", anh Đàm tâm sự.

Chuyện của anh “Năm dê” anh “Tiến Lý”

Khi tôi đến mấy chục cái ô tô lớn nhỏ đang đậu chật bãi khu du lịch sinh thái của anh Vũ Xuân Năm hay còn gọi là “Năm dê” tại Quèn Thờ. Trên sân khấu là một đoàn ca sĩ, vũ công đang biểu diễn trước hàng trăm khán giả. Phải chờ đến khi chính tay anh lo xong việc lên mâm cho khách tôi mới có cơ hội hỏi chuyện, dưới tảng đá mà tương truyền năm xưa vua Quang Trung đã ngồi đánh cờ để nghĩ ra kế đại phá 29 vạn quân Thanh. Anh bảo, buổi này cơ sở đón 400 khách của một công ty tổ chức tiệc cuối năm nhưng chưa phải đông nhất bởi có những buổi đón tới 1.000 khách.

Khu du lịch của anh Vũ Xuân Năm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu du lịch của anh Vũ Xuân Năm. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Là một người con Ninh Bình tôi muốn góp sức cho quê hương trong việc phát triển du lịch sinh thái. Quèn Thờ thủa trước đẹp như một đóa hoa hồng nhưng lại rất lắm gai bởi không đường, không điện, không sóng điện thoại nên tôi phải bỏ tiền ra cải tạo đường, kéo điện về, xây dựng các cơ sở hạ tầng cho du lịch với 6 bungalow, 1 nhà cộng đồng, làm các tiểu cảnh để checkin, làm nơi tổ chức tiệc ăn cho cả ngàn khách với các món đặc sản từ dê núi đá. Tôi cũng đang cho làm sân thể thao, bể bơi và liên kết với 100 hộ dân ở Quèn Thờ để đưa giống cho họ nuôi rồi thu mua lại sản phẩm.

Nông nghiệp là ngành phụ trợ cho nhà hàng. Nếu không có nông nghiệp tốt thì sẽ không có nguyên liệu tốt cho hệ thống 15 nhà hàng dê của tôi đang mỗi ngày tiêu thụ 30-40 con dê, vài trăm gói cơm cháy, 50-70 lít rượu đào. Xã Đông Sơn có hàng trăm ha đào phai, trước đây chơi hoa xong người dân thường bỏ phí quả nhưng tôi đã nghĩ ra cách ngâm rượu đào để làm nên một sản phẩm OCOP 4 sao.

Anh Vũ Xuân Năm bên sản phẩm cơm cháy và rượu đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Xuân Năm bên sản phẩm cơm cháy và rượu đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quèn Thờ có khí hậu và chất đất rất đặc biệt nên những nông sản ở đây từ con dê, con gà, con cá đến lá rau đều rất chất lượng. Khi xưa vua Quang Trung chọn Quèn Thờ làm nơi hậu cần cho đoàn binh lính hành quân thần tốc ra Bắc bằng cách cứ thay phiên cáng nhau đi, thành ra đến đây thì chắc mỗi người chỉ còn nặng trên dưới 40 kg. Thế mà nghỉ ngơi, ăn uống tại Quèn Thờ một thời gian họ đã phục hồi được sức khỏe và đại phá 29 vạn quân Thanh. Tôi đang xúc tiến việc thuê rừng để làm du lịch sinh thái kết hợp với trồng những cây có giá trị kinh tế cao như quế, trà hoa vàng, sưa đỏ…”, anh “Năm dê” trải lòng.

Đối diện với cơ sở du lịch của anh “Năm dê” là cơ sở du lịch của anh Trịnh Văn Tiến - Giám đốc HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp. Anh kể, năm 2017 khi mình bắt đầu mày mò làm du lịch nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn như chưa biết chọn sản phẩm gì, tổ chức vận hành, quảng bá ra sao… Bởi thế anh mới đi khắp nơi “dò la” xem người ta làm du lịch thế nào để rồi từ đó tìm ra con đường riêng của mình là du lịch nông nghiệp gắn với thắng cảnh, với di tích lịch sử Quèn Thờ. Hiện trang trại của anh có 200 con hươu, trên 100 con dê, 70 con cừu, 10 con ngựa, 3 ha ao thả cá và hàng trăm cây ăn quả các loại, lợi nhuận mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.

Một trong những chuồng hươu của anh Trịnh Văn Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một trong những chuồng hươu của anh Trịnh Văn Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản năm nào đã phát triển lên thành HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp với 26 thành viên. Điều thú vị là trong HTX lại có 2 doanh nghiệp gồm công ty Quang Minh của anh Năm và Công ty Cổ phần Nông sản và Du lịch Tiến Lý của anh Tiến làm đầu tàu để dẫn dắt. Nếu như anh Năm có 15 cửa hàng chuyên dê thì anh Tiến có trên 10 bếp ăn tập thể, họ đã tổ chức liên kết với các hộ trồng trọt, chăn nuôi trong thôn tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín, đưa thẳng nông sản vào bếp ăn, nhà hàng hay làm quà cho khách, giúp nâng cao gấp rưỡi, gấp đôi giá trị.

“Luật đất đai mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã “cởi trói” cho những người nông dân như chúng tôi bởi trong đó quy định rõ đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích chứ không chỉ để sản xuất như trước nữa nên có thể xây dựng các homestay để làm du lịch được.

Hiện ba chúng tôi đang liên kết để phát huy lợi thế của nhau. Anh Đàm đất rộng nhất có lợi thế về camping và dã ngoại. Anh Năm đất nhỏ hơn nhưng tiềm lực kinh tế tốt, có lợi thế về xây dựng các điểm cho khách checkin cũng như homestay. Còn tôi với hệ thống các chuồng trại, ao hồ có lợi thế về nông nghiệp trải nghiệm như bắt cá, hái rau, chăn cừu, chăn dê và xây dựng một bảo tàng nông nghiệp.

Anh Trịnh Văn Tiến bên sản phẩm nhung hươu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trịnh Văn Tiến bên sản phẩm nhung hươu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Với người dân trong thôn, do trình độ và vốn có hạn nên phải tập hợp lại, người nuôi gà, nuôi cá, người thả dê, thả cừu, người trồng dược liệu, trồng rau, trồng cây ăn quả. Tính cộng đồng ở chỗ là nhiều gia đình làm, nhiều hình thức làm, không chèn ép mà cùng tôn nhau lên trong đó HTX đóng vai trò điều hành, phát huy sức mạnh tập thể và xuất khẩu tại chỗ nông sản.

Chẳng cần phải mang nông sản đi đâu khi mỗi năm có khoảng 50.000 khách đến đây, dịp lễ Tết thậm chí 5.000-6.000 khách/ngày đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm, đem lại doanh thu cho HTX hàng chục tỷ đồng. Trong thời gian tới HTX cũng muốn liên kết với các doanh nghiệp có vốn, có kinh nghiệm du lịch, có sẵn tệp khách hàng để mở rộng quy mô”, anh Tiến ấp ủ về một kế hoạch trong tương lai gần với tôi như vậy.

Mô hình du lịch cộng đồng ở Quèn Thờ của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp là sản phẩm OCOP 4 sao về du lịch đầu tiên của tỉnh Ninh Bình vào năm 2020. Mô hình này có 3 khu: khu A hướng đến phục vụ nhóm khách du lịch, học sinh đến trải nghiệm, khu B dành cho những khách có nhu cầu chụp ảnh check-in và nghỉ dưỡng cao cấp, khu C phục vụ khách có nhu cầu cắm trại, vui chơi giải trí ngoài trời. 

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.