| Hotline: 0983.970.780

Sông Thoa một thuở: [Bài 1] Tôm cá ngày chưa xa

Thứ Tư 15/01/2025 , 05:31 (GMT+7)

Quảng Ngãi Nhiều người la oai oái khi lội xuống nước bị cua xanh kẹp cẳng. Chèo ghe trên sông phải thủ thế, đề phòng cá cồi lao khỏi nước đâm sầm vào mặt...

Nắng mai trải vàng trên sông Thoa, dòng nước lấp lánh lững lờ xuôi về hạ nguồn. Tôi đứng bên chân cầu Hải Tân bắc ngang dòng sông nối hai phường Phổ Quang và Phổ Minh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) ngắm sông nước bao la. Khung cảnh vắng lặng bất thường, khác với nhiều lần tôi từng đến nơi này.

Ngư dân ngụp lặn đào trùn nước năm 2012: Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Ngư dân ngụp lặn đào trùn nước năm 2012: Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

"Săn thần dược" nơi đáy sông

Bao lần đi dọc sông Thoa, máy ảnh trên tay tôi ghi lại những khoảnh khắc sống động về cuộc mưu sinh của người dân đôi bờ. Nhiều người cặm cụi cào dăn dắt, loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ tựa hến, sinh sống nơi đáy sông. Chiếc vợt gồm những thanh tre gắn vào nhau cột với lưới dày, cán dài chừng sải tay người lớn.

Miệng vợt gắn thanh thép mỏng sục vào lớp cát mịn màng lẫn bùn non làm vẫn đục làn nước trong xanh. Lũ cá nhỏ lượn lờ tìm mồi hoảng sợ chạy loạn xạ. Vài phút sau, đôi tay làn da nhăn nheo nhấc vợt lên khỏi mặt nước, đổ dăn dắt lẫn những viên sỏi nhỏ vào chiếc thau nhựa cột dây nối với eo lưng kéo theo bên cạnh. Chừng nửa thau, họ kéo đến đổ vào ghe nhỏ neo gần đấy rồi tiếp tục công việc, phần dưới cơ thể ngập trong làn nước lạnh.

Trưa nắng, tôi gặp người phụ nữ lom khom đãi dăn dắt dưới bóng cây râm mát bên bến sông. Trong chiếc rổ thưa đan bằng nan tre vót mỏng là mớ dăn dắt lẫn sỏi đá vừa cào nơi đáy sông. Đôi tay chị bưng rổ quay tròn theo chiều kim đồng hồ khá điệu nghệ. Sóng dợn nhẹ làm xao động làn nước trong xanh. Chị lựa lấy phần dăn dắt rồi hắt chiếc rổ trả những viên sỏi đá láng bóng rơi tõm xuống đáy sông. Chừng nửa giờ đồng hồ, chị ngơi tay, nghỉ trong chốc lát, mắt ngời lên niềm vui khi nhìn thành quả sau cả buổi lao động nhọc nhằn.

Sau khi đãi sạch, chị đổ dăn dắt vào bao rồi chở đến bán cho thương lái trong vùng. "Làm nghề này vất vả nhưng bù lại mỗi bữa kiếm được dăm ba trăm ngàn để trang trải cuộc sống gia đình. Vậy nên nhiều người cũng cào dăn dắt như vợ chồng tôi. Tiểu thương mua dăn dắt rồi cho vào chảo nấu trong nước sôi. Sau đó đãi lấy phần thịt để bán cho người dân trong vùng và chuyển đến tiêu thụ ở những nơi khác...", chị cho biết.

Hoàng hôn bao phủ xóm làng, tôi cùng anh Phạm Văn Mịnh, cán bộ Đài truyền thanh phường Phổ Quang, ghé quán bên sông hứng gió chiều mát rượi. Chị chủ quán đon đả chào mời, giới thiệu món ngon chế biến từ những giống loài thủy sản đánh bắt ở sông Thoa được thực khách xuýt xoa khen ngợi khi thưởng thức. Lát sau, chị đặt lên bàn đĩa dăn dắt trộn khổ qua trông thật bắt mắt, đậm đà hương vị làng quê.

Chị bày cách chế biến: "Khổ qua bỏ ruột, xắt mỏng luộc sơ trong nước sôi cùng ít đường và vớt ra rổ cho ráo nước. Cho thịt dăn dắt cùng khổ qua, ớt và tỏi băm nhỏ, rau thơm, muối, ít nước mắm cùng dầu phộng khử hành tím vào thau nhựa, thêm tí nước cốt chanh rồi trộn đều. Tiếp đến, thêm rau thơm cùng ớt xắt mỏng lên trên rồi múc ra đĩa, ăn kèm bánh tráng nướng giòn...".

Tôi cùng anh Mịnh bẻ bánh tráng xúc dăn dắt cùng khổ qua, rau thơm đưa vào miệng rồi chậm rãi thưởng thức. Khổ qua luộc sơ trong nước đắng dịu hòa cùng vị ngọt của thịt dăn dắt và đường quyện với vị cay của ớt lẫn vị mặn từ muối, mắm thấm vào từng tế bào vị giác. Nhấp ngụm bia Dung Quất thơm dịu chợt thấy sảng khoái vô cùng.

"Khách đến đây thường kêu dăn dắt xào hay trộn khổ qua, uống vài chai bia, vừa ngon và rẻ..." chị cho biết. "Không chỉ dăn dắt, sông Thoa còn có hến và dọp (hến kình) sống ở đáy sông. Thịt của những loài này chế biến thành nhiều món ăn ngon và rất bổ. Nhiều người kháo nhau, thịt dăn dắt và hến là thần dược đối với cánh mày râu, ông ăn bà khoái...", anh Mịnh bật mí.

Một ngư dân cào dăn dắt ở sông Thoa hồi năm 2019. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Một ngư dân cào dăn dắt ở sông Thoa hồi năm 2019. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

"Thần dược" vùng hạ nguồn sông Thoa thuở trước còn có trùn nước (sá sùng, địa sâm...) được nhiều người ưa chuộng vì bổ dưỡng. Ngày nọ, tôi cưỡi xe máy chạy chầm chậm trên bờ đê trong nắng chiều phai. Gió từ biển qua cửa Mỹ Á ngược dòng tạo nên gợn sóng nhấp nhô làm lay động cỏ dại chìm nổi trong nước.

Nhiều người ngụp lặn, ẩn hiện như đang chơi trò trốn tìm ngày còn thơ bé. Lát sau, họ trồi đầu lên trên mặt nước để thở. Họ đeo kính lặn, tay cầm cuốc cán ngắn lặn xuống đào bới nơi đáy sông. Sau những nhát cuốc vội vàng, bàn tay nhanh nhẹn chộp con trùn nước đang tìm cách thoát thân. Trùn nước bắt được cho vào áo thun mặc trên người buộc sợi dây bên dưới tránh rơi rớt. Con vật lớn hơn ngón tay cái và dài chừng 30cm với làn da nhơn nhớt ngọ nguậy trên thân thể. Khi trùn khá nhiều trong áo, họ lội vào bờ với làn da tím tái vì lạnh, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm đen sau bao ngày dãi dầu mưa nắng. Sợi dây buộc cuối áo được nới lỏng, những con trùn nước to hơn ngón tay cái rơi xuống cát ngo ngoe như muốn tìm hang trú ẩn.

"Hồi trước trùn nước nhiều lắm. Nhiều người cầm cuốc dạo tìm và đào bới những chổ nước thủy triều vừa rút. Trùn nước ngày càng ít đi thì họ ngụp lặn để đào. Có người đào giỏi ngày kiếm hơn 10 ký trùn tươi, bán được trên 1 triệu đồng. Trùn nước bổ dưỡng lắm. Rượu ngâm trùn nước ông uống bà khen, mồi trùn nước ông ăn bà khoái. Người bị đau cảm, cơ thể mệt mỏi, ăn cháo trùn nước nấu với gạo và nén là khỏe liền...", ông Vũ Văn Sỹ, Chi hội trưởng Cựu chiến binh tổ dân phố Du Quang, nhà ở bên sông, cho biết.

Cua kẹp cẳng, cá đâm sầm vào mặt

Đãi dăn dắt bên bến sông năm 2019. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Đãi dăn dắt bên bến sông năm 2019. Ảnh: Võ Thanh Kỳ.

Sớm mai, ông Sỹ và ông Phạm Văn Luận (60 tuổi, ở tổ dân phố Du Quang, phường Phổ Quang) ngồi trong căn nhà nhỏ hướng ra dòng sông lộng gió. Họ rì rầm kể chuyện đánh bắt cá, tôm, cua ở hạ nguồn sông Thoa thuở trước. Khi ấy, ở Bến Chùa (gần chân cầu Hải Tân) cua xanh nhiều vô kể. Thủy triều rút cạn, cua bò lổm ngổm trên nền cát mịn màng lẫn bùn non màu nâu xám. Triều dâng, chúng ẩn thân trong làn nước lạnh. Những người chưa quen, lội xuống nước miệng la oai oái vì bị cua kẹp cẳng đau điếng.

Ông Luận và nhiều người chỉ bắt những con cua lớn từ 3 lạng trở lên đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo nuôi sống gia đình. "Cua xanh chế biến món ăn ngon lắm nên giá bán khá cao. Trước đây thả lưới cũng thường dính nhiều tôm sú to lắm, có con nặng đến lạng rưỡi. Chúng tôi thả lưới không bắt cá hay tôm hoặc cua nhỏ, để chúng sinh sôi. Mỗi đêm chỉ đánh bắt vài tiếng đồng hồ, nhiều bữa mưa gió thì ở nhà. Do vậy, nguồn thủy sản mới hồi phục để còn đánh bắt lâu dài. Bây giờ thì...", ông bỏ lửng câu nói.

Ngày xa, cá ở sông Thoa nhiều vô kể, là nguồn thực phẩm quan trọng nuôi sống người dân trong vùng. Cá nhiều nên dùng phương tiện đánh bắt thô sơ cũng trúng đậm. Cư dân ven sông có những lối bắt cá khá độc đáo. Họ cùng nhau đốn tre và chặt cành duối đan những chiếc chà rận khá lớn neo trên sông (tựa cắm chà của cư dân Nam bộ) dẫn dụ cá vào trú ngụ. Dăm bảy ngày, họ cùng nhau kéo lồng vào gần bờ bắt cá làm rộn rã khúc sông quê.

Mọi người nói cười vui vẻ khi bắt được những con cá to đang vùng vẫy, tìm cách thoát thân. Gặp bữa lũ chim cồng cộc đậu trên ngọn cây bên sông kêu vang, cá hoảng sợ chui trốn vào trong chà nên bắt được khá nhiều. Họ còn "dọa cá nhảy vào ghe" vô cùng kì thú. Đó là, họ cột chặt ba chiếc cọc đứng rồi giăng lưới dọc giữa ghe chứ chẳng cần buông xuống nước. Xong xuôi, nhiều người cùng nhau chèo ghe song song với gương mặt rạng ngời, cười nói rộn ràng vang động cả khúc sông. Những đôi tay rắn chắc đập sào xuống nước khiến cá giật mình nhảy loạn xạ, tìm cách thoát thân khỏi nơi nguy hiểm. Thế là chúng mắc vào lưới hay rơi xuống lòng ghe trước khi bị bắt cho vào giỏ tre sẫm màu vì mưa nắng. Những cơn mưa ở thượng nguồn luôn được mọi người mong đợi, hứa hẹn đánh bắt bội thu.

Đêm sau mưa, họ đóng cọc, giăng lưới và treo chiếc đèn bão tỏa ánh sáng vàng rồi chống sào chèo nhẹ. Ghe lướt êm trên mặt nước. Cá hai bên nhảy vọt lên bị lưới cản và rơi xuống lòng ghe. Người chèo ghe thủ thế kẻo cá tông vào người, đâm sầm vào mặt. "Những con cá cồi (cá đối lớn) to bằng bắp vế nhảy cao, vượt qua cả lưới giăng ở trên ghe. Bắt cá kiểu đó thích thú lắm...", ông Sỹ nhớ lại.

Giờ đây, hạ nguồn sông Thoa vẫn con nước đầy vơi theo nhịp thủy triều nhưng buồn hiu hắt bởi vắng người mưu sinh. Bên sông, tiếng thở dài nghe đắng đót cõi lòng.

Sông Thoa, chi lưu dòng Vệ giang, khởi nguồn giữa hai huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức. Khi vào địa phận Đức Phổ (vùng đất phía nam Quảng Ngãi), dòng sông này góp thêm nước của ba dòng Trà Câu, sông Trường và Lò Bó trước khi ra biển qua cửa Mỹ Á. Thuở trước, nguồn thủy sản vô cùng dồi dào, phong phú, hiện diện trong bữa cơm của cư dân đôi bờ và cả những phiên chợ xa.

"Lúc trước, tôi làm cán bộ Đài truyền thanh và Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam phường Phổ Quang nên chỉ tranh thủ cào dăn dắt vài tiêng ban đêm nhưng cũng kiếm được chừng năm trăm nghìn đồng. Những người có sức khỏe, cào giỏi thì mỗi ngày thu cả triệu. Hành nghề lưới thì hàng ngày mỗi người kiếm được vài ba trăm ngàn. Bây giờ nguồn thủy sản cạn kiệt. Buồn lắm!...", anh Mịnh tâm tình. 

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cây mai vàng 60 năm tuổi được rao bán gần 6 tỷ đồng

An Giang Cây mai vàng có tuổi đời hơn 60 năm, với các thông số ấn tượng: Hoành thân 2,5m, tán rộng 5m và chiều cao lên đến 3,5m, được rao bán gần 6 tỷ đồng.