Lòng tốt của Nguyễn Bá Cường được nhiều người trân trọng
Không có gì giật gân để thỏa mãn sự tò mò, mà clip ngắn được chia sẻ cho nhau để biểu lộ sự cảm phục.
Chàng trai sửa giày tên Nguyễn Bá Cường, thường gọi là Beo. Dụng cụ hành nghề của Beo rất khiêm tốn, chỉ một cái thùng gỗ cũ kỹ với vài ba thứ đơn giản để khâu lại đôi giày rách, đóng lại đế giày gãy.
Vậy thôi! Mỗi tháng thu nhập của Beo khoảng 3 triệu đồng. Một nghề bình thường, nếu không muốn nói là lẫm lũi và vất vả, có gì đáng ngạc nhiên đâu nhỉ?
Cứ thong thả, đi ngang qua đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu gần khu vực chợ Bàn Cờ, bạn sẽ khựng lại khi thấy Beo ngồi đó, với tấm biển ghi nguệch ngoạc: “Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị”.
Không phải một chiêu tiếp thị đâu, đừng dùng thành kiến để phán xét. Xã hội hôm nay dẫu có hàng vạn chiêu trò rẻ rúng để kiếm danh kiếm lợi, thậm chí lắm kẻ cơ hội còn làm vẩn đục cả môi trường từ thiện, nhưng trường hợp của Beo hoàn toàn khác.
Beo không biết gì về makerting, Beo cũng không có mưu cầu gì, Beo chỉ nghĩ đơn giản: “Mình thấy người ta cực khổ quá, mình cũng nghèo nhưng mình biết sửa giày, nên mình giúp người ta thôi!”.
Beo 18 tuổi, nhưng gầy gò và đen nhẻm. Dấu vết nhọc nhằn hiện rõ trên cơ thể Beo nhưng đôi mắt Beo rất trong sáng và nụ cười Beo rất hiền hậu.
Cha của Beo làm nhạc công cho đám cưới, còn mẹ của Beo ở nhà chăm sóc bà ngoại đau bệnh. Beo học đến lớp 6 thì nghỉ, vì “tự thấy không học nổi”.
Beo quyết định kiếm cái nghề để phụ giúp gia đình. Người thầy của Beo cũng là một thợ sửa giày trong xóm.
Nhớ ơn người truyền nghề, Beo ghi lời thầy vào cánh cửa xộc xệch của cái thùng gỗ cũ kỹ: “Sống là phải biết lao động, mới thành công. Trong cuộc sống, sống thật thà mới thành người được quý trọng!”.
Một câu châm ngôn bình dị, được viết bằng kiểu chữ vụng về, mà vẫn mang lại một cảm giác thanh cao và đẹp đẽ.
Bởi lẽ, câu châm ngôn ấy không nhằm phô diễn lý lẽ gì, mà được cộng hưởng với thái độ lạc quan và ấm áp nhân tình của Beo!
Beo có vất vả không? Có chứ, Beo ngồi sửa giày dưới cái nắng như thiêu như đốt của phương Nam để có được từng đồng tiền lẻ.
Beo có bao giờ tủi thân không? Có chứ, Beo thiếu trước hụt sau nếu so sánh với bạn bè đồng trang lứa vẫn đang được phụ huynh cung phụng các thứ đắt đỏ ở đô thị nhộn nhịp nhất cả nước.
Những người chập chững vào đời ở độ tuổi như Beo, ở hoàn cảnh như Beo, rất dễ bị sa ngã vì manh động, vì hiếu thắng, vì mặc cảm.
Thế nhưng, Beo hoàn toàn khác. Beo chân thành đắn đo để nhường việc tiếp tục đi học cho em trai. Beo chân thành mong muốn những người lam lũ như cô bán vé số, như chú đạp xích lô hay bác khiếm thị có được đôi giày lành lặn mà không phải mất tiền.
Beo biết nghĩ cho mọi người xung quanh, và Beo đã trưởng thành vượt bậc.
Cái dáng nhỏ thó của Beo mỗi ngày cặm cụi bên lề đường khói bụi, nhắc nhở chúng ta điều chi?
Beo không có thành công vượt bậc, Beo cũng không có hành động cao siêu. Sự lặng lẽ và sự lương thiện của Beo giúp những con người đang bị cuốn trôi giữa dòng đời ngùn ngụt bon chen và lạnh lùng, bỗng dưng có được dăm phút giây thấu hiểu thêm về sự tử tế.
Nhiều năm rồi, người Việt cứ nắc nỏm một thói quen ứng xử mà truyền thông gọi là “vô cảm”. Vô cảm trước thua thiệt của người khác, vô cảm trước được mất của láng giềng, và rộng hơn là vô cảm trước thịnh suy của dân tộc.
Ai cũng chỉ khư khư lo nồi canh niêu cơm nhà mình. Tuy nhiên, với trường hợp của Beo, cộng đồng vẫn trìu mến và thân thương. Sống cho mình và không quên sống cho người khác.
Sự tử tế đến từ hè phố, rất khiêm tốn, rất đơn sơ mà có sức lay động bao nhiêu trái tim có cùng nhịp đập trân trọng giá trị làm người!