| Hotline: 0983.970.780

Ca kịch truyền thống hình thành tồn tại ra sao hàng trăm năm qua?

Thứ Hai 25/11/2024 , 09:41 (GMT+7)

Tính từ 'Tây Vương Mẫu hiến bàn đào', tác phẩm mang đủ hình hài của vở diễn được lịch sử ghi nhận, đến nay hý kịch Việt đã trải qua hơn 700 năm thăng trầm.

Người Á Đông thường gọi sân khấu kịch nghệ là hý kịch. Lý do là chữ hý có nghĩa gốc là vui đùa, đùa giỡn và các môn nghệ thuật biểu diễn từ ca, vũ, nhạc cho tới sân khấu đều mang tính giải trí. Ảnh: Việt Dũng.

Người Á Đông thường gọi sân khấu kịch nghệ là hý kịch. Lý do là chữ hý có nghĩa gốc là vui đùa, đùa giỡn và các môn nghệ thuật biểu diễn từ ca, vũ, nhạc cho tới sân khấu đều mang tính giải trí. Ảnh: Việt Dũng.

Người Á Đông thường gọi sân khấu kịch nghệ là hý kịch. Lý do là chữ có nghĩa gốc là vui đùa, đùa giỡn và các môn nghệ thuật biểu diễn từ ca, vũ, nhạc cho tới sân khấu đều mang tính giải trí.

Còn trong cuốn chuyên khảo Hý kịch Việt Nam ngàn năm đồng vọng, nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng lại sử dụng từ hý kịch với hàm ý chỉ sân khấu ca kịch truyền thống của người Việt, với ba bộ môn sân khấu quan trọng nhất đó là tuồng (hát bội), chèo và cải lương.

Tác giả cũng cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ về quá trình hình thành, phát triển và những bước thăng trầm của hý kịch Việt Nam; những yếu tố đặc sắc riêng có của mỗi bộ môn sân khấu đã giúp chúng vượt qua thử thách để tồn tại cho đến này nay.

Quá trình hình thành sân khấu Việt Nam

Trong cuốn sách, từ việc nghiên cứu 80 đầu sách - tiếng Việt (67) và ngoại văn (13), cùng những di vật của quá khứ, tác giả Bùi Quang Thắng đã dẫn dắt chúng ta khám phá lịch sử hàng nghìn năm của hý kịch Việt Nam (từ ca vũ thời Đông Sơn đến sân khấu ca kịch truyền thống thời hiện đại) với những hình thức diễn xướng và những sự kiện, quy mô khác nhau.

Cuốn sách bắt đầu bằng việc đề cập đến ca vũ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn (cách nay từ 2.000 đến 2.700 năm). Tác giả cho biết dựa vào những lưu dấu trên những hình khắc các đoàn vũ công ca vũ trên mặt các trống đồng, những khối tượng tròn thể hiện nhóm người ngồi trước nhà sàn đánh trống đồng, cho thấy sinh hoạt diễn xướng thời kỳ này đã có tổ chức. Bên cạnh đó, ngoài mục đích giải trí, diễn xướng thời kỳ này còn gắn với lễ thức, với ý niệm về sự thiêng.

Trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc tiếp theo, tác giả cho biết có rất ít tư liệu chép về ca vũ nước nhà. Sang thời Đinh - Tiền Lê cuối thế kỷ 10 đầu thế kỷ 11 (968-1010), sử liệu cũng không ghi lại sự kiện diễn xướng nào trong giai đoạn này, ngoại trừ một vài lần đề cập đến trò nhại và ghi chép về một ưu nhân (kép hát, kép trò) thời Lê Long Đĩnh.

Đến ca vũ thời Lý thế kỷ 11 - 13, tác giả cho biết đã có những sự kiện quy mô và xứng danh đào kép. Thời kỳ này, ca vũ nước nhà bị ảnh hưởng của ca vũ Ấn Độ qua ngả Chiêm Thành; nhiều vị vua nhà Lý am tường âm nhạc; lực lượng ca công, nhạc công đông đảo... Đặc biệt, thời kỳ này bắt đầu manh nha sân khấu kịch nghệ với những trò diễn mà người diễn trò đã nhập vai diễn diễn tả nhân vật.

Tiếp đó, đề cập đến Ca vũ thời Trần, thế kỷ 13 – 14, tác giả cho biết, so với các triều đại trước, thư tịch chép về ca vũ chi tiết hơn rất nhiều. Thời kỳ này cũng đánh dấu một mốc dấu quan trọng khi lần đầu tiên vở diễn Tây Vương Mẫu hiến bàn đào - tác phẩm sân khấu mang đầy đủ hình hài của một vở diễn hoàn chỉnh, lần đầu tiên được ghi nhận trong chính sử nước ta và được Đại Việt sử ký toàn thư ghi là truyện hý, tức hát truyện.

Thời kỳ này, sử sách cũng ghi nhận sự ra đời của Chèo bội và tục diễn trò chèo đò trong đám tang ra đời từ đám rước linh cữu của vua Trần Nhân Tông năm 1310.

Gánh hát Nam Định trong lễ Tứ tuần Đại khánh của Hoàng đế Khải Định. 

Gánh hát Nam Định trong lễ Tứ tuần Đại khánh của Hoàng đế Khải Định. 

Sang tới thời Hậu Lê đầu thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 18, sân khấu nước ta bước vào ba trăm năm suy thoái do những chính sách hà khắc đối với nghề diễn xướng.

Tác giả sách cho biết, trong giải đoạn này, do những xung đột trong ý thức hệ giữa triều đình trọng Nho giáo và dân gian vốn ảnh hưởng sâu sắc của Phật, Lão, nên các phường chèo bội với trò diễn chèo đò dẫn vong là đối tượng chịu những chính sách cấm đoán của nhà Lê. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, chèo bội vẫn được duy trì trong môi trường làng xã gắn với hoạt động lễ tang, lễ chay.

Không những thế, cuối thế kỷ 18, ở Đàng Ngoài, chèo bội đã vượt qua khuôn khổ văn hóa tang lễ để bước vào không gian văn hóa lễ hội, với các tích chèo truyện đa dạng hơn. Nói cách khác là từ tư gia, sân chùa, chèo bội chuyển sang hát chèo sân khấu đình làng với các vở diễn mang màu sắc thế tục.

Còn ở Đàng Trong, dựa trên nền tảng ca vũ nhạc dân tộc và sân khấu hát truyện có từ thời Trần, hát tuồng, hay hát bội - được xem là kịch chủng riêng - ra đời và ngày càng phổ biến.

Sức sống của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt

Theo tác giả sách Bùi Quang Thắng, sang thế kỷ 19, với sự ưu ái của các vua Nguyễn, hát tuồng bước vào thời kỳ đỉnh cao và trở thành quốc kịch của người Việt. Ảnh: Việt Dũng.

Theo tác giả sách Bùi Quang Thắng, sang thế kỷ 19, với sự ưu ái của các vua Nguyễn, hát tuồng bước vào thời kỳ đỉnh cao và trở thành quốc kịch của người Việt. Ảnh: Việt Dũng.

Cũng theo tác giả sách, sang thế kỷ 19, với sự ưu ái của các vua Nguyễn, hát tuồng bước vào thời kỳ đỉnh cao và trở thành quốc kịch của người Việt. Trong hoàng thành có nhà hát hoàng gia Duyệt Thị Đường, có những soạn giả chuyên soạn những vở tuồng ngự. Xem hát tuồng trở thành thú tiêu khiển đặc biệt của giới quan lại, Nho gia.

Không những thế, tuồng dân gian cũng phát triển rất mạnh trong môi trường văn hóa làng xã. Hát tuồng trở thành sân khấu đầu tiên hiện diện trên khắp cả ba miền Trung - Nam - Bắc. Hầu hết những tác phẩm kinh điển trên sân khấu tuồng đều ra đời thế kỷ 19, như tuồng ngự / cung đình có: Vạn bảo tường trình, Quần Phương tập khánh, Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Triệu Đình Long cứu chúa…; tuồng dân gian có: Nghêu Sò Ốc Hến, Trương Đồ Nhục, Xuân Đào cắt thịt…

Bên cạnh những tác phẩm tiêu biểu, sân khấu tuồng còn phát triển nên nhiều các soạn giả tên tuổi và kép hát nổi tiếng như Bùi Hữu Nghĩa, Ngụy Khắc Đản, Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Đào Duy Từ, Nhưng Nguyên, Nhưng Đá…

Cũng trong thời kỳ này, ở vùng đất Gia Định, hát tuồng rất phổ biến và thường được gọi là hát bội. Hát bội ở Gia Định rất phát triển dưới thời Tả quân Lê Văn Duyệt và trong cộng đồng người Hoa. Năm 1899, một gánh hát bội ở Sài Gòn còn được đưa sang Pháp biểu diễn trong khuôn khổ triển lãm Thế giới Paris.

Cũng trong thế kỷ 19, nhờ những chính sách cởi mở với nghề hát xướng của triều Nguyễn mà chèo phát triển rất mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ và lan tận vào Thanh Hóa. Chỉ trong khoảng 100 năm kể tử cuối thế kỷ 18 cho đến hết thế kỷ 19 đã có hàng trăm vở chèo ra đời cùng hệ thống làn điệu phong phú. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Từ Thức lấy vợ tiên, Kim Vân Kiều….

Sang nửa đầu thế kỷ 20, hý kịch Việt Nam kế thừa thời kỳ đỉnh cao của hát tuồng - quốc kịch của người Việt để tiếp tục cải cách, phát triển dần dần. Ảnh: Việt Dũng.

Sang nửa đầu thế kỷ 20, hý kịch Việt Nam kế thừa thời kỳ đỉnh cao của hát tuồng - quốc kịch của người Việt để tiếp tục cải cách, phát triển dần dần. Ảnh: Việt Dũng.

Sang nửa đầu thế kỷ 20, hý kịch Việt Nam kế thừa thời kỳ đỉnh cao của hát tuồng - quốc kịch của người Việt để tiếp tục cải cách, phát triển dần dần. Bên cạnh đó cải lương - một hình thức sân khấu mới cũng được hình thành từ sinh hoạt nghệ thuật đờn ca tài tử với ca ra bộ (kết hợp lời ca với điệu bộ để mình họa nội dung), sau đó có những bước đột phá...

Tác giả cũng cho biết hý kịch Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến ngày nay, với nhiều bước thăng trầm có lúc tưởng như bị đào thải. Nhưng nhờ những yếu tố đặc sắc riêng có của mỗi bộ môn sân khấu đặc biệt là yếu tố ca hát, đã đưa các bộ môn sân khấu vượt qua mọi thử thách để tồn tại cho đến ngày hôm nay, như một lời khẳng định mạnh mẽ cho sức sống trường tồn của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt.

Tác giả sách viết “Bước vào thế kỷ 21 siêu hiện đại, khi mà nghệ thuật biểu diễn nói chung và sân khấu nói riêng đã ít nhiều biến tướng thành ngành công nghệ giải trí showbiz, thêm vào đó, sức mạnh của xu hướng toàn cầu hóa cũng đang khiến bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc dần mai một thì một điệu chèo rộn rã, một câu Hát Nam man mác hay một câu Vọng cổ chứa chan tình vẫn có một vị trí không thể thay thế trong những tâm hồn Việt. Những khúc thức tâm tình nước Nam ấy, cũng như những tiếng tình tang thuở xưa vẫn là những tọa độ văn hóa đủ sức neo lại tâm thức dân tộc giữa dòng biến dịch khôn cùng”.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Quảng Ninh thưởng tiền vệ Nguyễn Hai Long gần 500 triệu đồng

Với thành tích xuất sắc trong đội hình đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, tiền vệ Nguyễn Hai Long được tỉnh nhà Quảng Ninh thưởng lớn.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.