Dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo, tăng cường bình đẳng giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sở NN-PTNT Quảng Bình là đối tác chính trong việc triển khai các hoạt động.
Thâm canh lúa cải tiến SRI tăng thu nhập cho nông dân |
Vụ ĐX 2016 - 2017, Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình được Sở NN-PTNT giao thực hiện hợp phần sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến thuộc dự án FLOW/EOWE tại các xã An Thủy (huyện Lệ Thủy), Tân Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh). Các địa phương đã triển khai mô hình trên diện tích 460ha, với sự tham gia của 1.862 hộ dân. Tại các điểm mô hình, hầu hết các hộ nông dân (trên 50% trưởng nhóm là nữ) đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật SRI, sử dụng giống xác nhận P6, VN 20 với lượng giống gieo 5kg/sào.
Theo ông Nguyễn Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình, lúa trong mô hình có khả năng chống chịu với sâu bệnh cao nên chi phí cho công tác BVTV cũng thấp hơn so với ruộng lúa ngoài mô hình (tiết kiệm gần 40%). Việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm có hiệu quả hơn so với canh tác lúa truyền thống (giảm 3 lần).
Chị Nguyễn THị Thanh (xã Tân Ninh) tham gia mô hình với diện tích 4 sào cho biết, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thiếu nước. Hạn chế tối đa hiện tượng lúa đổ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi. “Phương pháp SRI lợi nhuận 1 sào (500m2) cao so với ruộng sản xuất thông thường gần 200.000 đồng (tương đương gần 4 triệu đồng/ha). Từ hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp người phụ nữ có thêm thu nhập và có tiếng nói trong gia đình”, chị Thanh bộc bạch.
Việc áp dụng đồng bộ hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường (giảm lượng khí phát thải N2O, khí CH4), cho sản phẩm sạch, chất lượng cao... Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình đề nghị Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nhân rộng.