Đó là kết quả của một chiến lược tổng thể với nhiều giải pháp cụ thể. Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ cho biết trong quá trình đơn vị tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân và các đại lý vật tư nông nghiệp hay tuyên truyền trên các kênh thông tin như đài truyền hình, báo thì đều nói về tác dụng của mèo, lợi ích của việc nuôi mèo, tác hại của chuột để người dân hiểu, nhân nuôi thêm mèo và từ bỏ thói quen ăn thịt mèo.
Nếu như cách đây vài năm, đàn mèo của tỉnh Phú Thọ chỉ dao động khoảng 60 - 70.000 con thì nay đã tăng lên trên 88.000 con, nhiều nhà nuôi không chỉ một con mà vài ba con.
“Trước đây nhiều thửa ruộng ngô, rau bị chuột cắn tan nát hết, lúa cũng vậy, nhất là những đám ruộng ở gần làng, ven kênh mương, đường lớn, ven khu dân cư bị chuột phá hoại rất mạnh. Từ hồi đàn mèo gia tăng, số lượng chuột giảm nhiều, diện tích nhiễm và quy mô nhiễm đều giảm, mức độ bị hại cũng thấp hơn. Chúng tôi không đặt mục tiêu số lượng cụ thể cho đàn mèo tăng lên bao nhiêu thì dừng lại mà chỉ khuyến khích càng nhiều mèo càng tốt vì chuột vẫn còn phá hoại khá mạnh", ông Đạo thông tin.
Khác với các đợt diệt chuột tập trung chỉ tổ chức vào hai thời điểm trong năm, đàn mèo có tác dụng diệt chuột 365/365 ngày. Cũng theo ông Đạo, mèo bắt chuột để ăn theo bản năng, giúp giảm số lượng chuột. Thứ nữa, mùi phân mèo, mùi nước tiểu mèo, tiếng kêu của mèo có tác dụng xua đuổi, ức chế sự sinh sản của đàn chuột.
Mỗi năm Phú Thọ tổ chức 2 đợt diệt chuột tập trung, vụ xuân vào khoảng cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, vụ mùa vào khoảng cuối tháng 7 đến giữa tháng 8. Khi tổ chức các chiến dịch như vậy tỉnh dùng chủ yếu các nhóm thuốc chống đông máu để vừa an toàn, vừa bảo vệ đàn mèo bởi nếu lỡ ăn vào thì mèo cũng không bị ảnh hưởng, nhưng chuột ăn vào thì lại bị rỉ máu đường tiêu hóa và chết.
Phong trào diệt chuột được phát động trong các cấp, các ngành và toàn dân. Ở cấp huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các trạm trồng trọt và BVTV xuống địa bàn hướng dẫn các xã tổ chức thực hiện. Nhiều huyện, thành phố còn bố trí kinh phí hỗ trợ người dân mua thuốc diệt chuột như Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng, thành phố Việt Trì, Thanh Ba, Tân Sơn, Thanh Thủy...
Ở cấp xã, khi có sự chỉ đạo của tỉnh, huyện thì phát động chiến dịch diệt chuột tới các hội, đoàn thể, các khu đội sản xuất và từng hộ gia đình. Chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở, HTX nông nghiệp phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về các biện pháp diệt chuột, đồng thời bảo vệ đàn mèo.
Nhiều nơi không đợi kinh phí của Nhà nước hỗ trợ mà xã hội hóa công tác diệt chuột bằng cách huy động người dân đóng góp xây dựng quỹ diệt chuột theo diện tích canh tác đối với các hộ sản xuất nông nghiệp hoặc theo nhân khẩu đối với hộ phi nông nghiệp. Như vụ xuân năm 2024, người dân tỉnh Phú Thọ đã góp 375 triệu đồng vào để diệt chuột, bảo vệ mùa màng.
Một số xã tổ chức tốt trong chiến dịch diệt chuột tập trung như Vĩnh Lại, Phùng Nguyên của huyện Lâm Thao; Lương Lỗ, Mạn Lạn, Hoàng Cương của huyện Thanh Ba; Xuân Lộc của huyện Thanh Thủy; Dân Quyền, Dị Nậu, Hương Nộn của huyện Tam Nông; Tuy Lộc, Phú Lạc của huyện Cẩm Khê; Sông Lô, Phượng Lâu, Chu Hóa của thành phố Việt Trì... Nhờ vậy mà sức gây hại của chuột đã giảm mạnh cả về diện tích lẫn mức độ, chỉ còn 101ha và chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng của nông sản.
Trong việc diệt chuột, Phú Thọ đã kết hợp đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó vừa dùng biện pháp tự nhiên là phát triển đàn mèo để tạo thiên địch, vừa dùng biện pháp thuốc an toàn, diệt chuột tập trung từ trong khu dân cư, kho tàng, nhà máy, khu công nghiệp đến ngoài đồng ruộng, đồi nương. Việc chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh xuống huyện, xã, đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời đã khích lệ, động viên toàn dân tham gia.