| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ cây vụ đông, chuẩn bị sớm cho vụ đông xuân 2024 - 2025

Thứ Tư 20/11/2024 , 18:35 (GMT+7)

Quảng Ninh Cùng với tích cực bám sát sản xuất vụ đông, thành phố Uông Bí và nông dân đang sớm chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch hại vụ đông xuân 2024 - 2025.

Vụ đông xuân năm 2024 - 2025 dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra bất kỳ như hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại... ảnh hưởng đến sản xuất.

Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa bão vào tháng 9/2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều diện tích cây trồng bị ngập, thiệt hại, nông dân gặp nhiều khó khăn về vốn để mua vật tư. Tồn dư sâu bệnh do áp lực về thời vụ, thời gian xử lý đất không thực hiện được, nguồn sâu bệnh có thể tích lũy từ vụ trước chuyển sang gây hại cho cây trồng ở thời kỳ cây con. Các đối tượng gây hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cắn gié, bệnh khô vằn… thường xuất hiện không theo quy luật hàng năm khiến công tác dự tính dự báo và phòng trừ gặp nhiều khó khăn.

Hiện nông dân Quảng Ninh đang tích cực chăm sóc cho cây trồng vụ đông. Ảnh: Cường Vũ.

Hiện nông dân Quảng Ninh đang tích cực chăm sóc cho cây trồng vụ đông. Ảnh: Cường Vũ.

Hiện nay, các phường, xã trên địa bàn thành phố Uông Bí đã đang tích cực sản xuất cây vụ đông, song các sinh vật hại vẫn có khả năng tồn tại trên những cây ký chủ trên đồng ruộng không sản xuất vụ đông như như gốc rạ, lúa chét, cỏ bờ và bụi cây, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch hại cho vụ đông và các vụ tiếp theo nếu không được xử lý triệt để và hiệu quả.

Để ngăn chặn dịch hại chuyển từ vụ mùa sang vụ đông xuân 2024 - 2025, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp thành phố Uông Bí khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch cần cày ải, lật gốc rạ và phơi ải ruộng hoặc ngâm ruộng giữ nước, tuyệt đối không để lúa chét tồn tại trên đồng ruộng. Thực hiện bón 15 - 20kg vôi/sào để cải thiện đất, thu gom và xử lý triệt để các tàn dư cây trồng, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương và các khu vực quanh ruộng.

Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp thành phố Uông Bí cho biết đầu vụ đông xuân 2024 - 2025, Trung tâm sẽ chú trọng hướng dẫn bà con tiến hành các biện pháp diệt ốc bươu vàng bằng phương pháp thủ công, sinh học và hóa học để hạn chế dịch hại gây thiệt hại cho cây trồng.

Ngành nông nghiệp Quảng Ninh sẽ sớm chuẩn bị các phương án triển khai hiệu quả sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025 tới đây. Ảnh: Cường Vũ.

Ngành nông nghiệp Quảng Ninh sẽ sớm chuẩn bị các phương án triển khai hiệu quả sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025 tới đây. Ảnh: Cường Vũ.

"Thời điểm đầu vụ là lúc thích hợp nhất để áp dụng các biện pháp phòng trừ diện rộng nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuột và ốc bươu vàng gây hại nặng. Trong đó, tập trung diệt chuột vào giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ (khi đồng trắng) và từ đầu vụ đến giữa vụ sản xuất. Ở những nơi chuột gây hại nặng có thể kết hợp các biện pháp như hàng rào cản, bẫy sập, bẫy bom hoặc dùng thuốc sinh học và hóa học; sử dụng các loại bẫy thủ công tại các cửa hang, cạnh đường đi hoặc ở nơi chuột thường xuyên hoạt động. Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp sinh học như nuôi thiên địch của chuột (chó, mèo, rắn) và các chế phẩm sinh học, kết hợp biện pháp hóa học với các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng", ông Toàn khuyến cáo.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tăng cường phổ biến, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng phương pháp; thực hiện "3 giảm, 3 tăng" (giảm lượng hạt giống gieo trồng; giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng gạo, tăng hiệu quả kinh tế) và quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); khuyến khích bà con tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuyên dùng, phân sinh học để vừa tiết kiệm phân bón, giảm chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường đất...; bố trí cơ cấu giống cây trồng, thời vụ hợp lý, quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các địa phương cần chú trọng vệ sinh đồng ruộng, khơi thông mương máng thủy lợi trước vụ đông xuân. 

Các địa phương cần chú trọng vệ sinh đồng ruộng, khơi thông mương máng thủy lợi trước vụ đông xuân. 

Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Quảng Ninh), để đảm bảo các điều kiện chống rét trên cây trồng trong mùa đông xuân 2024 - 2025, Chi cục khuyến cáo người dân không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ dưới 15 độ C. Đối với rau màu, tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khoẻ mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Những ngày có sương muối, giá buốt cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng.

Đối với cây giống lâm nghiệp trong vườn ươm, cần có các biện pháp che chắn chống rét cho cây khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, hằng ngày vào sáng sớm và chiều tối tưới nước giữ ẩm cho cây. Các đơn vị, địa phương chủ động tích nước các hồ chứa, sửa chữa các trạm bơm, máy bơm và nạo vét kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng…

Với những biện pháp trên, nếu được triển khai thực hiện đồng bộ, sẽ giúp bảo vệ năng suất và chất lượng cây trồng trong vụ đông xuân 2024 - 2025, đồng thời giảm thiểu nguy cơ dịch hại bùng phát trên diện rộng.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...