Ngày 19/11, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung – Tây nguyên tổ chức hội thảo mô hình sản xuất giống lúa TBR97 vụ mùa 2024 trên địa bàn xã Chư Don (huyện Chư Pưh).
Mô hình thực hiện trên diện tích 5 sào tại cánh đồng Thơ Ga, đã thu hút được rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chư Don và các vùng lân cận tham gia.
Lần đầu tiên huyện Chư Pưh đưa giống lúa chất lượng cao TBR97 vào mô hình trình diễn nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận và áp dụng giống lúa mới vào sản xuất, phù hợp với tập quán, nhu cầu, điều kiện canh tác của nông dân tại địa phương. Đồng thời, nhằm thay đổi cơ cấu giống lúa kém hiệu quả lâu nay bà con nông dân vẫn sử dụng như tập quán canh tác sạ dày, tự để giống lại cho vụ sau. Mặt khác, việc đưa giống lúa chất lượng cao TBR97 vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh, qua quá trình triển khai mô hình cho thấy, giống lúa TBR97 thích nghi tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Mô hình triển khai đã hỗ trợ giống lúa mới thay thế dần các giống lúa cũ đã thoái hoá góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm sâu bệnh hại trên ruộng lúa. Tuy nhiên, với tập quán canh tác cũ sạ dày, bón phân không hợp lý, không tuân thủ lịch thời vụ của bà con nông dân cũng là hạn chế lớn với việc canh tác của bà con hiện nay.
Từ mô hình trình diễn, giống lúa TBR97 cho năng suất cao trung bình từ 7,5 tấn/ha, chất lượng gạo khá. Như vậy nếu áp dụng theo quy trình IPM, ICM ngay từ đầu vụ còn có thể cho năng suất cao hơn, bà con sẽ thu được lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư, hạn chế ô nhiễm đất, môi trường do bón nhiều phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật các loại.
Là hộ dân trực tiếp tham gia mô hình trình diễn giống lúa TBR97, anh Kpă Khiên (thôn thơ ga, xã Chư Don) cho biết, trước đây bà con sản xuất theo phương thức cũ, gieo sạ từ 18 đến 20kg/sào. Sau khi sử dụng giống lúa TBR97, gia đình được hướng dẫn gieo sạ chỉ 12kg/sào.
Sử dụng giống lúa mới TBR97, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại so với các vụ trước, Trong vụ vừa qua, gia đình chỉ sử dụng 2 lần phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá và sâu đục thân ngoài ra không sử dụng thuốc phòng trừ bệnh. Giống lúa TBR97 cho năng suất đạt hơn 7 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với sử dụng các giống cũ chỉ đạt khoảng 4,5-5 tấn/ha, dẫn đến không có hiệu quả về kinh tế.
“Tôi thấy mô hình sử dụng giống lúa mới TBR97 có hiệu quả kinh tế cao, dễ dàng để nhân rộng trên địa bàn. Chính vì vậy, tôi đề nghị các cấp, ban, ngành của huyện Chư Pưh và xã Chư Don triển khai áp dụng rộng rãi trong sản xuất để người dân được hưởng lợi”, anh Khiên chia sẻ.
Ông Võ Thành Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Don cho biết, lâu nay người dân gieo sạ với mật độ rất dày từ 20-22kg/sào vừa tăng chi phí đầu tư và khiến cho cây lúa dễ bị dịch bệnh. Khi đưa mô hình giống lúa TBR97 vào trình diễn, người dân được khuyến cáo chỉ gieo sạ từ 12-15kg/sào nên đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh đó, người dân cũng nên thay đổi thói quen bằng cách phân bón 3 lần/vụ, thay vì 2 lần như trước. Đồng thời, cải tạo đất thật tốt bằng cách sử dụng các loại phân chuồng, phân ủ hoai... trước khi xuống giống.
“Giống lúa TBR97 đã cho thấ hiệu quả về năng suất, chất lượng. Hy vọng trong thời gian tới, công ty tiếp tục hỗ trợ những giống lúa chất lượng cao để nhân rộng trên địa bàn. Qua đó, tiến tới xây dựng sản phẩm gạo OCOP mang thương hiệu của địa phương”, ông Hưng chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Trình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh cho biết, từ những kết quả thực tế mà mô hình đã đạt được, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đến các thôn làng nhằm chủ động mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống lúa mới chất lượng cao thay thế dần các giống lúa cũ để nâng cao năng suất, chất lượng.
Đồng thời, tiếp tục nhân rộng sản xuất cánh đồng lúa một giống, cùng thời vụ để nhằm thay đổi dần tập quán canh tác của bà con nhất là gieo lượng giống quá dày, sử dụng phân bón chưa hợp lý.