Trong đó, gần 1/2 nguồn vốn được dành cho phát triển sản xuất.
Mô hình nuôi gà tại Tiên Yên |
Yên Than là xã miền núi có 9 dân tộc thiểu số, với 3.225 nhân khẩu, vốn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Năm 2016, xã được huyện phân bổ 1,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn phát triển SX hơn 200 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Được sự chỉ đạo của UBND huyện, xã đã triển khai vốn NTM một cách hiệu quả, tập trung vào hai mô hình, gồm cây dược liệu và chăn nuôi gà. Riêng cây dược liệu được giải ngân số tiền 167 triệu đồng, trồng trên diện tích 3ha, với 2 loại cây là thìa canh và cà gai. Để mô hình này phát triển hiệu quả theo hướng tập trung, xã đã thành lập HTX Dược liệu Tiên Yên gồm 27 thành viên, mục tiêu nhằm củng cố, bảo tồn, phát triển mô hình cây dược liệu một cách hiệu quả.
Trong năm 2017, theo Đề án phát triển SX của huyện, xã được phân bổ số tiền tương đương với năm 2016 để tập trung mở rộng vùng dược liệu lên 7ha; ngoài diện tích trồng cây thìa canh và cà gai, xã được huyện triển khai trồng cây trà vằng với diện tích 0,8ha. Cùng với đó, xã chỉ đạo các hộ dân chăn nuôi gà Tiên Yên, giúp người dân phát triển SX nâng cao thu nhập.
Cũng như Yên Than, hầu hết các xã của huyện Tiên Yên đều chú trọng xây dựng các dự án phát triển SX. Theo đó, Tiên Yên xây dựng 8 đề án hỗ trợ theo các vùng quy hoạch của tỉnh, huyện, như: Đề án phát triển đàn gà Tiên Yên, đàn bò lai Sind, cây dong riềng, trồng cây gỗ lớn, đàn vịt biển, nuôi trồng thuỷ sản... Những đề án này đã được HĐND huyện thông qua và các địa phương trong vùng quy hoạch sẽ đề xuất theo yêu cầu thực tế.
Đề án phát triển đàn gà Tiên Yên với quy mô 141.000 con gà thương phẩm, trong đó 45.000 con nuôi ở 15 trang trại, gia trại được tập trung nuôi ở hầu hết các xã trên địa bàn toàn huyện với tổng số 246 hộ gia đình tham gia. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng.
Để phát huy thế mạnh địa phương với những xã có diện tích đất đồi lớn, huyện đã quy hoạch để phát triển đàn bò lai Sind với quy mô số lượng 324 con. Vùng nuôi được quy hoạch tập trung ở các xã có ưu thế chăn thả gia súc như Tiên Lãng, Đông Ngũ, Hà Lâu..., nguồn vốn hỗ trợ là hơn 2,5 tỷ đồng.
Hiện nay, các đề án hỗ trợ sản xuất đã sẵn sàng, chỉ chờ quyết định của UBND tỉnh là huyện sẽ triển khai thực hiện. Mục tiêu năm nay của huyện là tập trung mọi nguồn lực đưa 3 xã gồm: Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng về đích NTM.
Ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Một trong những nổi bật của huyện trong Chương trình xây dựng NTM là nhân rộng các mô hình, dự án phát triển SX tập trung hiệu quả. Riêng năm 2016, trên địa bàn huyện đã thực hiện hỗ trợ 23 dự án phát triển SX cho hơn 1.100 hộ thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 33,4 tỷ đồng...
“Sắp tới huyện tiếp tục giải ngân hơn 8,8 tỷ đồng hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất cho các xã. Từ chỗ huyện chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, đến nay đã có 3 xã Đông Hải, Hải Lạng, Tiên Lãng cơ bản đạt chuẩn NTM, 2 xã Phong Dụ và Điền Xá thoát khỏi diện 135. Thời gian tới huyện sẽ dồn lực để 3 xã Đông Hải, Hải Lạng, Tiên Lãng hoàn thành các tiêu chí NTM theo đúng mục tiêu đề ra”, ông Ngàn cho hay.
Sau 5 năm, tổng nguồn vốn huy động cho NTM của Tiên Yên đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1.300 tỷ đồng, vốn huy động tín dụng 546 tỷ đồng, vốn xã hội hoá 184 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp 77.000 ngày công, hiến 123.000m2 đất để xây dựng hơn 350km đường giao thông các loại. 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; 100% số thôn có nhà văn hoá đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; 100% số thôn có hệ thống điện đạt yêu cầu của ngành điện và trên 99% số hộ sử dụng điện lưới an toàn, ổn định; 100% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 25/34 trường đạt chuẩn quốc gia. |