| Hotline: 0983.970.780

Về nơi nông thôn có cuộc sống chẳng kém gì thành phố

Thứ Năm 22/03/2018 , 06:30 (GMT+7)

Cách đây khoảng 1 -2 thập niên, người ta thường lấy lí do hạ tầng, dịch vụ, giáo dục tại các thành phố lớn tốt để bon chen sinh sống, làm việc tại các khu đô thị chật trội, khói bụi, ồn ào. Nhưng nay thời thế đã khác...

Nhưng nay thời thế đã khác, nhiều vùng nông thôn dịch vụ phát triển, trong khi vẫn giữ được môi trường trong lành nên nhiều người đã lựa chọn lập nghiệp tại quê hương.

13-28-18_mot-goc-x-ky-phu
Một góc làng quê xanh sạch đẹp tại Ký Phú

Ký Phú là một trong những xã ATK (an toàn khu) nằm phía đông bắc dãy Tam Đảo thuộc địa phận huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Trong quá khứ, Ký Phú từng là xã nghèo bởi người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và phát triển cây chè trung du. Cũng như nhiều vùng quê khác, đa phần thanh niên, người trẻ tại vùng quê này đều chọn con đường ly hương làm thuê vì cuộc sống mưu sinh.

Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, khi Samsung đầu tư nhà máy và khu công nghiệp tại TX Phổ Yên nằm kế bên, thu hút hàng trăm nghìn lao động và các doanh nghiệp phụ trợ tới làm việc, cuộc sống, tư duy của người trẻ đã thay đổi rõ rệt. Rất nhiều người đang đi làm ăn xa chọn cách quay trở về quê hương để đầu tư, khởi nghiệp với số vốn lên tới cả chục tỷ đồng.

Nói không quá, Ký Phú hiện là xã có dịch vụ, hạ tầng, môi trường tốt nhất huyện Đại Từ hiện nay. Nhờ tọa lạc trên vị trí khá bằng phẳng, có tỉnh lộ ĐT261 chạy qua, có hồ Gò Miếu và hồ Núi Cốc cung cấp nước và điều hòa khí hậu, lại nằm trong tiểu vùng khí hậu Vườn Quốc gia Tam Đảo nên không khí quanh năm trong lành.

Có mặt tại trung tâm xã Ký Phú hiện nay, không ai nghĩ đây là một xã ATK ở khu vực miền núi phía Bắc. Không chỉ hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, mà hầu như ở thành phố hiện nay có dịch vụ gì xã Ký Phú có dịch vụ đó.

Theo đó, buổi sáng, khi các thanh niên vừa lên xe của Samsung để đến nhà máy làm việc cũng là lúc các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học lên xe ô tô du lịch tới trường. Dịch vụ đưa đón học sinh đến lớp, do một vài cá nhân trong xã đứng ra đầu tư từ vài năm nay. Mỗi tháng các bậc cha mẹ chỉ cần bỏ ra khoảng 200 nghìn đồng là có người đưa đón con đi đến nơi về đến chốn như tại các trường dân lập, quốc tế tại Hà Nội.

Buổi chiều, tại khu sân vận động của xã, các cán bộ, công chức, thanh niên, công nhân được nghỉ làm ca tối bắt đầu tụ tập tại sân cỏ nhân tạo giao lưu bóng đá sôi động như sân vận động các trường đại học lớn tại Hà Nội. Ngay bên cạnh sân bóng đá, công trình bể bơi hiện đại đạt chuẩn đang được gấp rút triển khai và dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.


Người dân vui chơi tại sân cỏ nhân tạo xã Ký Phú

Buổi tối, các cụ hội người cao tuổi gặp nhau ở các nhà văn hóa thôn tập thể dục dưỡng sinh "kinh lạc thao". Cuối tuần, các bậc phụ huynh có thể dẫn con cháu tới khu vui chơi trong nhà như: nhà phao, cầu trượt, đu quay, tô tượng hay sân trượt patin quy mô không thua kém các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn là bao.

Đặc biệt, việc giúp một xã miền núi như Ký Phú tiến gần hơn với các thành phố lớn chính là điện thoại thông minh và internet. Với sự đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, hiện nay internet đã được kéo đến hầu hết các xóm, bản. Những bàn tay bấy lâu nay chỉ quen hái chè, cấy lúa, trồng khoai đã biết chụp ảnh, lướt web, đọc báo và đặc biệt live stream facebook cho con cái, họ hàng ở xa biết được từ việc nhỏ nhất xảy ra hàng ngày tại quê nhà.

Ngoài việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, rất nhiều gia đình tại Ký Phú cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống các cửa hàng xe đạp điện, xe máy, máy tính, điện tử, đồ gia dụng, siêu thị mini, ảnh viện áo cưới… phục vụ nhu cầu ngày một tăng cao của người dân.

Theo thống kê, hiện trên đại bàn xã Ký Phú đã và đang có trên 20 doanh nghiệp, HTX đăng ký hoạt động, gấp khoảng 10 lần so với cách đây 5 năm. Người dân tại nông thôn nay đúc kết rằng, bây giờ có tiền mà sống ở quê mới thực sự là hạnh phúc!

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.