Nhiều công trình hạ tầng nông thôn ở Quảng Ninh được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa
Lấy ngân sách Nhà nước dẫn dắt các nguồn lực xã hội, giao địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đầu tư xây dựng NTM... Nhờ đó, Quảng Ninh đang rất thành công trong việc huy động các nguồn lực cho chương trình này với trên 55 nghìn tỷ vốn xã hội hóa.
Nhìn từ Tiên Yên
Đầu năm 2015, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã cứng hoá 100% đường trục xã dài 7,8km. Cũng thời điểm đó, đường trục liên thôn của xã đã bê tông hoá được 10,2km.
Có được kết quả trên là do xã đã vận động người dân hiến đất và các DN, tổ chức xã hội tự nguyện hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, khi con đường đang khởi công, người dân lại hăng hái đóng góp 130 triệu đồng để làm đường điện chiếu sáng.
Một thành công nữa của Tiên Lãng là hoàn thành đường liên thôn Cống To dài 1,8km với tổng đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, đồng thời “đường điện thắp sáng thôn quê” trên tuyến đường này cũng đã hoàn thành từ xã hội hoá, giúp Cống To bừng sáng vào buổi tối.
Đây cũng là con đường khó nhất ở xã đã hoàn thành. Năm 2015, người dân xã Tiên Lãng đã hiến 15.714m2 đất để hoàn thành các tuyến đường liên thôn, nội thôn, ngõ xóm và giúp xã hoàn tất nâng cấp các hồ chứa nước Cây Chám, hồ Bà Lán, 2 hồ này có diện tích khoảng 15ha/hồ cung cấp lượng nước tưới tiêu cho 40ha đất nông nghiệp.
Không chỉ Tiên Lãng, hầu hết các xã, huyện của Quảng Ninh đều có những công trình hạ tầng được thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa. Theo Ban Xây dựng NTM tỉnh, trong tổng số trên 55 nghìn tỷ đồng đầu tư cho NTM từ 2011 - 2015, thì số vốn do người dân và DN đóng góp chiếm tới trên 22%.
Chung sức, đồng lòng
Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” đã huy động được sự tham gia rất tích cực của người dân, DN để thực hiện các nhóm tiêu chí giao thông, thuỷ lợi, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Mỗi đơn vị, lực lượng bằng cách của mình đã có sự tham gia rất hiệu quả tạo ra nguồn lực xây dựng NTM.
Cụ thể như: Các lực lượng vũ trang có phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng NTM”, đã phối hợp giúp đỡ các địa phương trên 120 nghìn ngày công, hỗ trợ trên 73 tỷ đồng đầu tư trên 242km đường bê tông, cấp phối, nạo vét gần 100km kênh mương và tổ chức khám chữa bệnh cho trên 18 nghìn lượt người.
Các đô thị hỗ trợ các huyện xây dựng NTM thông qua phong trào “Thành thị giúp đỡ nông thôn”, TP Uông Bí giúp đỡ huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long giúp đỡ huyện Ba Chẽ, TP Cẩm Phả giúp đỡ huyện Bình Liêu. Rồi công nhân lao động thì có phong trào “Công nông liên minh trong xây dựng NTM” và “DN đồng hành xây dựng NTM”...
Kinh nghiệm đặc biệt quý mà Quảng Ninh đã triển khai thực hiện thành công trong huy động nguồn lực cho xây dựng NTM là lôi cuốn được người nông dân vào cuộc, đưa họ trở thành chủ thể của NTM.
Điển hình như việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trước đây nông dân gần như đứng ngoài cuộc nhưng nay ngân sách chỉ là "mồi nhử" để tạo động lực cho người dân tham gia đóng góp kinh phí theo tỷ lệ 40/60, 30/70, 20/80 (tuỳ thuộc đặc thù từng khu vực).
Cũng vẫn việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, trước đây huyện, tỉnh làm chủ đầu tư, quyết định toàn bộ quy mô công trình, giám sát thi công, kiểm định chất lượng thì nay, nông dân tự bầu Ban quản lý, tự họp bàn đề xuất quy mô, tiến độ công trình, vừa tham gia đóng góp kinh phí, vừa trực tiếp tham gia thi công, vừa giám sát tiến độ, chất lượng...
Nhờ vậy, đến nay 100% xã của Quảng Ninh đều có đường ô tô đến trung tâm xã, đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; gần 100% đường liên thôn đã cứng hoá, trên 100km kênh mương, thuỷ lợi được tu sửa, cứng hoá, đảm bảo tỷ lệ tưới đạt 89,06% diện tích gieo trồng.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, khẳng định: Riêng đối với chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa như triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời chính sách khuyến khích ứng dụng KHCN, huy động nguồn lực, thu hút DN đầu tư vào SX, chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là những vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.
“Hàng năm, tỉnh dành một tỷ lệ ngân sách thoả đáng cho xây dựng NTM để đầu tư cho sản xuất và tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển SX, đời sống của người dân. Đặc biệt ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”, ông Đọc cho hay.
Từ 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ cần trên 56 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó xác định nguồn lực huy động từ trong dân, DN và vốn tín dụng sẽ vẫn là chủ yếu. Tỉnh đã xác định nguồn vốn đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn này cũng sẽ chỉ là “mồi nhử”, từ đó huy động được các nguồn lực từ xã hội để vừa tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vừa đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo bước chuyển về “chất” xây dựng NTM. |