Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long (giữa) thăm gian hàng OCOP
Hội nghị đối thoại đã có gần 70 lượt kiến nghị, trong đó có 16 lượt kiến nghị tại hội trường liên quan đến cơ chế, chính sách; tín dụng; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm...
Ông Ngô Quang Minh, GĐ Cty Sữa An Sinh (TX Đông Triều), cho biết: “Chương trình OCOP đã cung cấp cho người tham gia từ kiến thức, SX, thương hiệu tới khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia, các DN, HTX, cơ sở SX gặp không ít vướng mắc.
Do đó, để chương trình tiếp tục đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị tham gia, nhất là việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP với các DN, siêu thị, trung tâm thương mại lớn ngay trên địa bàn tỉnh”.
Còn ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái), chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với các tổ chức, đơn vị, cơ sở SX tham gia chương trình OCOP, nên các đơn vị đều tập trung đưa ra các kiến nghị.
Các kiến nghị đều được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương trực tiếp trả lời. Đơn cử như kiến nghị hỗ trợ chi phí in ấn bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm tỏi đen, trà chùm ngây của HTX chúng tôi, lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở KH-CN đã kịp thời giải đáp thoả đáng ngay tại hội nghị”.
Với tinh thần thẳng thắn, các kiến nghị của DN, HTX, cơ sở SX đều được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có ý kiến giải đáp thẳng thắn, trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm, lãnh đạo TP Hạ Long khẳng định: Hạ Long hiện là địa bàn có sức tiêu thụ các nông sản rất lớn và ngày càng gia tăng với gần 35 vạn dân và gần 2 vạn du khách lưu trú hằng ngày.
Hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống tạo ra nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm. Bởi vậy, các DN, HTX, các cơ sở SX nên nắm bắt các cơ hội này để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Về việc vay tín chấp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh nêu rõ, hiện các thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cho vay thấp, nguồn vốn dồi dào, song điều quan trọng là các DN, HTX, cơ sở SX phải có tình hình tài chính minh bạch, phương án SX khả thi...
Thấu hiểu và chia sẻ, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã động viên các DN, HTX, cơ sở. “Đơn cử như vấn đề vốn, yêu cầu trong quý I/2017, các sở, ngành, địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh và các ngân hàng thương mại tổ chức hội nghị gặp gỡ, kết nối với các DN, HTX, cơ sở SX để trực tiếp tháo gỡ, mở rộng quan hệ tín dụng, tiếp cận vốn vay.
Việc đưa ra những đáp án cụ thể với tinh thần cầu thị, nghiêm túc sẽ giúp cho các đơn vị kịp thời có các định hướng để ổn định, phát triển”, ông Hậu yêu cầu.
Theo ông Hậu, thời gian qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các DN, HTX, như: Xây dựng hệ thống quản lý từ tỉnh đến huyện, ban hành bộ công cụ, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm...
Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XIII, đã thông qua chính sách khuyến khích phát triển SX hàng hoá nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, hình thành vùng SX nông nghiệp tập trung, định hướng người dân SX theo hướng hàng hoá quy mô lớn.