Nhằm sớm có giải pháp tổng thể phục vụ ứng phó với DTLCP về lâu dài, hôm nay (29/3), Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp cùng các đơn vị nghiên cứu, viện, trường và đông đảo các DN trong ngành SX thuốc thú y tại Việt Nam bàn các định hướng cho việc nghiên cứu, SX vacxin DTLCP tại Việt Nam.
Theo Cục Thú y, mặc dù đến nay, thế giới chưa có vacxin DTLCP được đưa ra SX thương mại, tuy nhiên, cũng đã và đang hé mở nhiều hi vọng mới về nghiên cứu, SX vacxin đối với loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
Bộ NN-PTNT tin tưởng Việt Nam có nhiều triển vọng có thể tự SX được vacxin DTLCP |
Cụ thể năm 2017, các nhà khoa học của phòng thí nghiệm tham chiếu DTLCP của Châu Âu đặt tại Tây Ban Nha đã phân lập được một chủng virus DTLCP có độc lực thấp từ lợn rừng tại Latvia. Chủng virus độc lực thấp này thuộc nhóm genotype II không có đoạn gen HAD (haemadsorbing) gây xuất huyết ở lợn nhiễm bệnh, và được đặt tên là chủng virus Lv17/WB/Rie1. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chủng virus này để tiêm truyền cho 02 lợn nuôi trong phòng thí nghiệm. Kết quả, lợn được gây nhiễm có triệu chứng của bệnh DTLCP ở thể nhẹ, có phát hiện virus trong máu và đồng thời lợn có đáp ứng miễn dịch cao. Số lợn này sau đó 2 tháng tiếp tục được công cường độc bằng virus DTLCP độc lực cao, kết quả chúng được bảo hộ và chống lại được chủng virus độc lực cao.
Bên cạnh đó, hiện một số Cty và viện nghiên cứu cũng đang nghiên cứu SX vacxin DTLCP để đưa ra thương mại như Cty Zoetis, Boeghringer, CEVA và một số viện như IRSA, USDA-ARS. Trong đó, Cty CEVA đã và đang SX vacxin véc-tơ được cấy đoạn gen của virus DTLCP. Theo đại diện của Cty, khả năng trong vòng 1 năm nữa, sẽ có vacxin để khảo nghiệm ngoài thực địa. Hiện, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ động liên hệ, hợp tác với các đối tác này trong nghiên cứu để tìm ra loại vacxin phù hợp với điều kiện, tình hình và đặc thù của virus DTLCP đang lưu hành tại Việt Nam (có thể hợp tác cùng nghiên cứu, hợp tác chuyển giao công nghệ, SX, mua công nghệ SX...).
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, virus DTLCP sẽ còn lưu hành, tồn tại lâu dài tại Việt Nam. Vì vậy, một trong những giải pháp nhằm từng bước thích ứng lâu dài với dịch, đó là phải xây dựng một nền chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó nghiên cứu SX vacxin (trước mắt là phục vụ cho phòng chống DTLCP tại nước ta) là một giải pháp phải thực hiện. Đây là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ về lâu dài đối với ngành chăn nuôi lợn có quy mô lên tới 8 tỉ USD/năm, tăng trưởng 5-7%/năm hiện nay của Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam hiện cũng đã có sẵn những nền tảng cơ bản để tiến tới nghiên cứu SX vacxin DTLCP, cả về điều tra dịch tễ, phân lập virus, cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở và tin tưởng về tính khả quan của chiến lược SX và từng bước chủ động nguồn vacxin DTLCP ngay tại Việt Nam. |