| Hotline: 0983.970.780

10 câu hỏi đáp rất hữu ích về dịch bệnh nCoV

Thứ Sáu 31/01/2020 , 16:19 (GMT+7)

Sau khi bị gián đoạn hiện website của Bộ Y tế đã hoạt động trở lại, cơ quan này liên tục cập nhật số liệu và cẩm nang để người dân tìm hiểu, đối phó dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona (nCoV) mới gây ra với số người nghi nhiễm ngày càng tăng nhanh, trưa 31/1, nhiều ý kiến phản ánh khi họ truy cập Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, địa chỉ http://moh.gov.vn đã không thực hiện được.

Hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin khác nhau về dịch viêm phổi Corona, người dân được khuyến cáo truy cập vào trang web của Bộ Y tế để nắm thông tin chính thống, nhưng sự cố của website này khiến việc tiếp cận thông tin của nhiều người gặp khó khăn.

Nguyên nhân ban đầu có thể là do lưu lượng truy cập vào website này tăng cao trong nhiều ngày qua và tăng mạnh vào sáng ngày 31/1, dẫn đến quá tải. Theo số liệu của SimilarWeb, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế có lưu lượng truy cập trung bình khoảng 300 - 400 nghìn mỗi tháng. Trong thời điểm đầu năm 2020, lượng truy cập vào website này đã tăng gần 30%.

Trước đó Bộ Y tế đã công bố số điện thoại đường dây nóng: 19003228. Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh của độc giả khi gọi vào số đường dây nóng thì cước phí tính là 5.000đ/1 phút và cho rằng với mức phí như vậy là quá cao so trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên toàn cầu.

Tỉnh Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền cho người dân về dịch viêm phổi do virus Corona.

Hiện website của Bộ Y tế đã hoạt động trở lại bình thường. Cơ quan này cũng kêu gọi chia sẻ Cẩm nang 10 câu hỏi đáp để chủ động phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới.

Câu hỏi 1: Coronavirus 2019 là gì?

Trả lời: Coronavirus 2019 (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 2019-nCoV là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Ngoài chủng coronavirus mới phát hiện này, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

Câu hỏi 2: Nguồn gốc 2019-nCoV từ đâu?

Trả lời: Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của 2019-nCoV. Virus corona là một betacoronavirus, giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà.

Câu hỏi 3: Cơ chế 2019-nCoV lây lan như thế nào?

Trả lời: Vi-rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Câu hỏi 4: 2019-nCoV có giống với vi-rút Mers-CoV hoặc SARS không?

Trả lời: Không. Coronavirus là một họ virus lớn, một số virus gây bệnh ở người và virus lây truyền giữa các loài động vật, bao gồm lạc đà, mèo và dơi. 2019-nCoV mới xuất hiện gần đây không giống với coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hoặc coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, các phân tích di truyền cho thấy virus này xuất hiện từ một loại virus liên quan đến SARS. Hiện nay, những cuộc điều tra đang diễn ra để tìm hiểu thêm.

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH

Câu hỏi 5: Làm thế nào để tôi giúp bảo vệ bản thân?

Trả lời: Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

- Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

Những người từ Trung Quốc trở về

- Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

Những người đến Trung Quốc

- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này.

- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

Câu hỏi 6: Tôi phải làm gì khi có lịch đi lại, du lịch?

Trả lời:

1. Tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở

- Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên.

- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

2. Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV

- Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho.

- Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.

- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng

3. Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách

- Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.

- Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.

- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.

4. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm

- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt

- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế

5. Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng

- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

Câu hỏi 7: Tôi có thể liên hệ thông báo thông tin bằng cách nào? 

Trả lời: Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do nCoV 2019: 19003228.

Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.

Câu hỏi 8: Những triệu chứng và biến chứng 2019-nCoV có thể gây ra là gì?

Trả lời: Theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Câu hỏi 9: Làm thế nào để kiểm tra một người có nhiễm 2019-nCoV hay không?

Trả lời: Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Ngày 28/1/2020, Bộ Y tế đã có văn bản 362/BYT-KCB gửi Bệnh viện, Sở Y tế, y tế các bộ, ngành thực hiện việc tiếp nhận, thu dung, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona với phân tuyến khu vực cho các Bệnh viện, Viện cụ thể. 

Câu hỏi 10: Các chuyên gia y tế chăm sóc sức khỏe và các cơ sở y tế cần làm gì? 

Trả lời: Về nguyên tắc điều trị bệnh, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Ngày 16/1/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. 

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất