Chiều 13/8, Tổ công tác 3430 của Bộ NN-PTNT tổ chức họp giao ban, đánh giá tình hình hoạt động sau 2 tuần được thành lập.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngay từ lúc mới thành lập, Tổ công tác 3430 đã sớm làm việc trực tuyến với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, ngày 31/7, Tổ làm việc trực tuyến với UBND Thành phố Hà Nội để trao đổi, nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp, đánh giá nhu cầu lương thực thực phẩm và xây dựng kịch bản cụ thể cho Hà Nội; tổ chức thực hiện việc kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa Hà Nội và các địa phương trên cả nước.
Ngày 6/8, Tổ trưởng phân công Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản làm việc trực tuyến với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và hệ thống các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán lẻ trong toàn quốc.
Ngày 10/8, Tổ làm việc trực tuyến với các doanh nghiệp, hiệp hội lớn về cung ứng lương thực, rau màu, thực phẩm, thịt, thủy sản khu vực phía Bắc. Buổi làm việc có sự tham gia trực tuyến và đóng góp rất nhiều ý kiến của hơn 50 đại biểu, là đại diện từ 8 hiệp hội và doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, 11 đại diện lĩnh vực chăn nuôi, 10 đại diện lĩnh vực trồng trọt.
Ngày 11/8, Tổ làm việc trực tuyến với UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và có sự tham dự của ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam để nắm bắt tình hình lưu thông hàng hóa nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới.
Ngày 12/8, Tổ làm việc trực tuyến với UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để nắm bắt năng lực sản xuất, cung ứng và thống nhất chỉ đạo sản xuất đảm bảo nguồn cung, lưu thông nông sản, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và phương án cung ứng cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Song song với hình thức làm việc trực tuyến để đẩy nhanh tốc độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Tổ công tác 3430 đã kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số vùng nguyên liệu sản xuất, cơ sở chế biến, chăn nuôi, giết mổ các địa bàn lân cận thành phố.
Vào ngày 1/8, Tổ khảo sát thực tế vùng nguyên liệu, cơ chế chế biến và làm việc với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) để nắm bắt tình hình sản xuất, thu mua, chế biến, lưu thông hàng hóa nông sản.
Qua đó, DOVECO cam kết đảm bảo nguồn cung, chuỗi sản xuất, chế biến rau củ quả tại các vùng nguyên liệu trên phạm vi phía Bắc và phía Nam; sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội và các tỉnh thành phố trên cả nước; cam kết cung cấp đầy đủ rau quả tươi, rau củ chế biến với giá hợp lý, chất lượng cao, không để xảy ra khan hiếm cục bộ lương thực, thực phẩm.
Ngày 4/8, Tổ làm việc với Tập đoàn C.P để nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến và phân phối các mặt hàng thực phẩm cho khu vực phía Bắc.
Công ty cam kết cung cấp đầy đủ các sản phẩm chăn nuôi với giá hợp lý, chất lượng cao, không để xảy ra khan hiếm cục bộ; đảm bảo năng lực sản xuất, chế biến và vận tải.
Ngày 7/8, Tổ làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh để kiểm tra năng lực giết mổ, chế biến thịt cho khu vực phía Bắc và Hà Nội.
Công ty có công suất thiết kế tối đa là 1000 lợn/ngày, 20.000 con gà/giờ. Công ty có năng lực chế biến đạt 4 tấn/ngày, kho lạnh 150 tấn và vận tải khoảng 500 tấn/tháng.
Ngày 12/8, Tổ kiểm tra tình hình chăn nuôi, giết mổ đàn bò tại Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội tại huyện Đông Anh.
Công ty hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra các chuỗi cung cầu khép kín để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung thịt bò đến người tiêu dùng.
Công ty có quy mô đàn bò 63.000 con, khu giết mổ 7 ha, khu chăn nuôi 20 ha, lượng lưu trữ 15.000 con bò, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Trên cơ sở những việc đã làm được, và những khó khăn còn tồn tại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề ra 10 nhóm giải pháp, định hướng hoạt động cho Tổ công tác 3430 trong thời gian tới.
Một, là đôn đốc các tỉnh, thành phố, Sở NN-PTNT liên tục gửi báo cáo, cập nhật tình hình về cung ứng nông sản, cả về tổng cung lẫn tổng cầu.
Hai là tăng cường tuyên truyền hơn nữa về các quy trình canh tác, sản xuất trên cả thủy sản, vật nuôi, vật tư nông nghiệp cũng như con giống, phân bón.
Ba là đề ra bộ quy chuẩn về các công tác thú y, chăn nuôi, trồng trọt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, phải dựa trên tình hình thực tế để xử lý tình huống.
Bốn là tăng cường tiêm vacxin cho nông dân, những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất.
Năm là hành chính hóa các đề xuất, kiến nghị bằng các văn bản gửi Chính phủ, và các bộ, ban, ngành liên quan.
Sáu là xin cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị Covid-19 ảnh hưởng. Thứ trưởng lấy ví dụ về tiền điện, hỗ trợ lãi suất, hay bảo hiểm nông nghiệp.
Bảy là mở rộng, liên kết các chuỗi cung ứng, lên nhiều kịch bản cho các khu vực, vùng miền đang giãn cách xã hội.
Tám là đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó thúc đẩy mạnh việc ký nghị định thư với Trung Quốc về 8 loại nông sản mới được xuất chính ngạch.
Chín là vận chuyển vật tư, đảm bảo được chu kỳ sản xuất mới.
Mười, là cân nhắc bổ sung y tế tại chỗ vào mô hình "3 tại chỗ".